Có người hỏi: "Thưa Thầy, con còn mắc việc đời, còn mắc nợ gia đình, thì làm sao con có thể đem hết cuộc đời để đi theo Phật Pháp được?"

Thầy mới trả lời: “Đem hết cuộc đời đi theo Phật Pháp, có nghĩa là mình sống đúng giáo lý, kể cả khi mình có gia đình, vì đạo lý Phật dạy là cho cả người xuất gia lẫn tại gia mà”.

Khi ta đối xử tốt với người thân của mình, như là đưa vợ hay chồng con mình về chùa tu hành, hoặc hướng dẫn cho họ tu tập, tức là ta cũng đã sống hết mình cho đạo lý. 

Chỉ khi nào ta bỏ bê vợ hay chồng con mình, sống không có trách nhiệm với gia đình, thì mới là sống không hết mình với đạo lý.

Chỉ người nào không lập gia đình mới có thể cống hiến trọn cuộc đời cho nhân sinh, cho xã hội, cho quê hương, cho nhân loại, cho Phật Pháp. Đó là một điều đại phước.

Khi ta phóng cây lao Phật Pháp bằng tất cả sức lực của mình, tức là ta đã đem hết đại nguyện hướng về Phật Pháp. Mỗi ngày chúng ta đều quỳ trước Phật phát nguyện: 

“Con xin nguyện đời đời kiếp kiếp đi theo Phật, dù chết con cũng không bao giờ lui bước.”

“Con xin trọn lòng tôn kính Đức Phật, dù chết con cũng không thay lòng đổi dạ. Xin trái tim này thương yêu tất cả chúng sinh, dù phải chết cũng không bao giờ thay đổi, không bao giờ khởi một ý niệm ghét ai”.

“Con xin nguyện tinh tấn hết đời này đến đời khác, dù có phải chết, con cũng không bao giờ thoái tâm một nửa giây nào.”

Chúng ta phải dũng mãnh phát đại nguyện như vậy. Người đệ tử Phật chân chính phải như vậy. Nghĩa là, muốn phóng cây lao Phật Pháp ta phải mỗi ngày quỳ xuống trước Phật và phát đại nguyện bằng tất cả sinh mạng của mình. Chỉ khi đem hết sinh mạng mình mà phát lời thề với Phật như thế, thì ta mới đủ sức mạnh để tu hành.

(Sưu tầm)

hình ảnh