Vì sao phụ nữ thường được trả lương thấp hơn nam giới?
Phụ nữ ngày nay có học vấn cao hơn trước, đi làm nhiều hơn và tỷ lệ phụ nữ thành công trong công việc và sự nghiệp cũng ngày càng cao. Dù vậy, có một thực tế khá tế nhị nhưng ai cũng hiểu là dường như thu nhập bình quân của nam giới vẫn luôn cao hơn phụ nữ. Vì sao vậy? Tất nhiên mọi thứ đều có lý do của nó.
Do lựa chọn nghề nghiệp
Phụ nữ thường lựa chọn những nghề nghiệp có thu nhập bình quân thấp hơn so với nam giới. Nếu nhìn vào mặt chung của một đợt tuyển sinh đại học hàng năm, có thể thấy các ngành có đông sinh viên nữ thường là các ngành có thu nhập ít hơn khi ra trường, như sư phạm, y tá, điều dưỡng, hành chính….; trong khi đó, các ngành thuộc hàng “top” như kỹ thuật, y tế - bác sỹ, kinh tế thường có tỷ lệ sinh viên nam cao hơn. Các ngành nghề có đông lao động nữ gồm có: dệt-may, chế biến thực phẩm, ý tá – điều dưỡng, sư phạm… Nhìn chung, khá nhiều phụ nữ thường phải làm các công việc phổ thông, dù cực nhọc nhưng có hiệu suất và mức lương thấp hơn so với nam giới.
Sự đầu tư thời gian cho công việc
Cũng như mọi khía cạnh của cuộc sống, khi đầu tư thời gian và công sức cho một việc gì đó nhiều hơn, bạn sẽ nhận được kết quả tương xứng. Về vấn đề này, nam giới luôn dành thời gian cho công việc nhiều hơn so với phụ nữ, và họ cũng sẵn sàng làm việc cuối tuần hơn so với chị em. Phụ nữ cũng có hành vi cắt xén giờ làm việc cao hơn so với nam giới do họ có nhiều việc khác phải lo toan hơn; thực tế tại nhiều doanh nghiệp cho thấy một bộ phận không nhỏ nhân viên nữ bắt đầu thu dọn để ra về trước khi đến giờ về. Phụ nữ cũng thường nhận các công việc bán thời gian hoặc theo ca hơn so với nam giới, lý do chủ yếu là do họ không tim được một công việc toàn thời gian ổn định.
Trình độ chuyên môn và học vấn
Mặc dù ngày nay phụ nữ được học hành và có tỷ lệ học lên cao tốt hơn nhiều so với trước đây nhưng xét trên toàn xã hội, phụ nữ có trình độ học vấn chung thấp hơn so với nam giới, tính toàn bộ có đến hơn 80% lao động nữ không được đào tạo. Chính vì vậy, dù chiếm một nửa thị trường lao động nhưng tổng thu nhập của lao động nữ so với nam giới chỉ chiếm ¾, cho thấy rõ khả năng kiếm tiền của phụ nữ là thấp hơn so với nam giới.
Cũng do mặt bằng chuyên môn, lao động nữ thường là “ưu tiên số 1” trong những đợt sa thải lớn của doanh nghiệp khi kinh tế khó khăn. Về mặt thăng tiến, phụ nữ cũng ít được đề bạt vào các vị trí lãnh đạo có thu nhập cao do chênh lệch về học vấn và trình độ chuyên môn, cũng như các đặc điểm về giới tính và định kiến xã hội khác.
Vướng bận với trách nhiệm làm mẹ.
Làm mẹ là thiên chức thiêng liêng của phụ nữ và đó cũng là một rào cản đối với thu nhập và sự nghiệp của phụ nữ. Phụ nữ có con thường khó tìm việc làm hơn với mức lương khởi điểm thấp hơn so với phụ nữ chưa có con cái, họ cũng ít có cơ hội thăng tiến hơn so với chị em còn son rỗi. Trách nhiệm làm mẹ cũng tiêu tốn rất nhiều thời gian của phụ nữ và khiến cho việc đầu tư cho công việc kém hơn và kéo theo là thu nhập thấp hơn.
Khả năng chịu áp lực và thích nghi môi trường làm việc
Do đặc thù về giới, phụ nữ thường ít tham gia vào các ngành nghề đòi hỏi làm việc trong các điều kiện làm việc khắc nghiệt như trên biển và công trường. Nhiều ngành nghề thu nhập cao được xem là lãnh địa của nam giới như kỹ sư dầu khí, kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng, kỹ sư hệ thống và kỹ sư hàng không; rất ít phụ nữ đạt được các vị trí tốt ở những ngành này.
Khả năng đàm phán
Khi bạn muốn thứ gì, bạn phải lên tiếng đòi hỏi. Thế nhưng, việc yêu cầu tăng lương lại được xem là điểm yếu của phụ nữ so với nam giới. Họ thường cảm thấy ngại ngùng và thiếu tự tin cũng như quyết liệt trong việc đòi hỏi được tăng lương; bên cạnh đó, phụ nữ cũng thiếu kỹ năng đánh giá hiệu quả công việc của mình để thuyết phục lãnh đạo tăng lương. Và một khi được tăng lương, mức tăng đối với lao động nữ cũng thấp hơn so với đồng nghiệp nam.
Dù nhìn chung phụ nữ kiếm tiền ít hơn so với nam giới, nhưng ở Việt Nam, chị em phụ nữ lại là người giữ quyền cai quản tài chính của cả gia đình. Tuy một số chị em xem đó cũng là một gánh nặng nhưng xét theo một khía cạnh nào đó thì phụ nữ Việt mình cũng đầy quyền lực đấy chứ?