Bất đồng và tranh luận trong công việc là tốt, nhưng chống đối hay cãi vã thì rõ ràng là không lành mạnh. Cũng giống như việc chống đối với thành viên quyền lực nhất trong gia đình, chống đối với ông chủ hoặc quản lý của mình chỉ khiến nội bộ rối ren và hiệu quả công việc bị phá hoại. Tranh chấp với đồng nghiệp ngang hàng thì trông chẳng khác nào anh em bè bạn cãi nhau, trong khi đấu đá với đồng nghiệp cấp dưới sẽ khiến bạn trông như một kẻ ức hiếp người khác.



Tất nhiên, chúng ta phải học cách đối phó với những mâu thuẫn trong công việc. Nhưng trước hết, ta cần hiểu ngọn nguồn thực sự của các mâu thuẫn đó và cả những yếu tố tâm lý cơ bản khiến mọi người đẩy một cuộc tranh luận lên thành một trận cãi vã chẳng đâu vào đâu. Từ đó, ta sẽ biết cách để giải quyết các xung đột sao cho an toàn cho bản thân, giữ hoà khí với mọi người và trợ giúp nhau trong công việc và công ty.



Nhận diện xung đột chốn văn phòng



Xung đột trong công việc có nhiều hình thức. Trong trường hợp thứ nhất, có những người thường vờ như chẳng có vấn đề gì cả dù thực sự là có vấn đề. Họ thường sẽ nói kiểu: “Tôi không thấy có vấn đề gì ở đây cả.” Khi bạn cố gắng để giải thích vấn đề, bạn sẽ rất dễ rơi vào cái bẫy chỉ trích người kia là: “Anh / chị thật vô lý quá.” Khi tranh cãi leo thang, rốt cuộc bạn sẽ nhận một đòn đau vào sự tự trọng và tự ái của mình, rằng “Bạn xúc động quá rồi. Có gì đâu mà làm quá lên vậy.” Phụ nữ thường là nạn nhân của chiến thuật gây ức chế này. Dù bạn có làm gì đi nữa, bạn sẽ vẫn bị xem là vô cớ gây sự với người khác. Trong kịch bản này, họ luôn thắng và bạn luôn thua.





Một hình thức phổ biến khác của xung đột công sở là sự áp bức trắng trợn. Những người chọn hình thức này thường là những kẻ bắt nạt. Họ là những người rất hiếu thắng, liều lĩnh, không từ thủ đoạn, quyết liệt và thường rất tự mãn. Những người này chứng minh giá trị bản thân bằng sự thống trị và trấn áp người khác. Ngoài ra, họ còn đặc biệt nguy hiểm vì thường tập hợp được nhóm bè phái làm tay sai để bắt nạt người khác. Khi những người này nổi giận, hãy coi chừng nhé!



Ngoài ra, không thể không nhắc đến chiến thuật gây hấn cực kỳ khó chịu của những kẻ gây hấn thụ động và kín đáo. Những người này ẩn sau vỏ bọc nhiệt tình, hiểu biết, có lý lẽ và thậm chí là rất có ích, cho đến khi… đụng chuyện. Những hành động gây hấn của họ không dễ nhận ra, bởi vì họ rất giỏi bao biện và che giấu chúng bằng vũ khí ngôn từ. Bạn thậm chí không nhận ra rằng mình bị hại cho đến khi mọi sự phơi bày. Đấu tranh với những người này cứ như là chơi trò đánh mai phục trong bóng tối vậy, cũng rất “hại não” đấy.



Vì sao người ta đấu đá nhau ở công sở?



Bất đồng và xung đột là điều không thể tránh khỏi trong công việc, nhưng điều này cũng có ý nghĩa tích cực với sự phát triển của doanh nghiệp vì mâu thuẫn là tiền đề của tiến bộ. Từ các góc nhìn và vai trò khác nhau trong một tập thể làm việc cùng nhau, mỗi người sẽ tiếp nhận và xử lý thông tin theo những cách khác nhau với những khía cạnh khác nhau, điều này có thể tạo ra những khoảnh chênh nhất định và đó chính là lý do khiến mọi người có sự bất đồng quan điểm và cần phải tranh luận để giải quyết vấn đề. Trong viễn cảnh lý tưởng, mọi người sẽ tranh luận công khai và hợp lý, cư xử như những người trưởng thành để cùng giải quyết vấn đề và đi đến sự đồng thuận với nhau.



Nhưng vấn đề là, chúng ra không sống và làm việc trong một thế giới hoàn hảo lý tưởng và mỗi người trong chúng ta đều không hoàn hảo, và viễn cảnh nêu trên chỉ là lý thuyết mà mọi doanh nghiệp đều muốn hướng tới. Chúng ta mang theo hành trang cuộc đời với những góc khuất tâm hồn vào công việc và giải quyết những vấn đề cũng như mâu thuẫn trong công việc với sự tham gia rất nhiều từ cảm xúc cá nhân. Và những nguyên do chủ yếu xuất phát từ cá nhân dẫn đến xung đột với đồng nghiệp là sự bất an, tham vọng quyền lực, thích kiếm soát người khác, và tâm lý luôn thấy mình là nạn nhân. Hãy cùng xem xét từng khía cạnh tâm lý này:





Sự bất an:
Chúng ta cảm thấy bất an về mọi thứ. Và khi sự bất an tăng lên đến mức đe doạ, chúng ta có thể hành xử theo những cách không đáng tự hào chút nào. Phần lớn mọi người cố gắng che giấu lỗi lầm của mình, tránh né tranh luận lành mạnh, thậm chí tránh cả những bất đồng và nhận xét trái chiều đáng ra là cần thiết trong công việc, chỉ để bảo vệ bản thân. Đôi khi chúng ta chỉ bắt đầu to tiếng để đánh lạc hướng người khác khỏi những thiếu sót của chính mình.



Không ai là hoàn hảo cả. Vì thế tại sao lại tốn quá nhiều thời gian và công sức để cố gắng chứng minh mình luôn đúng? Chẳng phải là tốt hơn sao nếu chúng ta chỉ giải quyết những thiếu sót của mình chứ không phải khiến sự việc thêm phức tạp, khiến mọi người hiểu lầm và xung đột không tránh khỏi?



Tham vọng quyền lực: Hầu hết mọi người đều muốn thấy mình có thể kiểm soát cuộc sống và những việc mình làm, kể cả ở nơi làm việc hay ở nhà. Chúng ta cũng muốn có tầm ảnh hưởng tới người khác bằng cách giúp đỡ họ đạt được mục tiêu và công nhận chúng ta. Điều này là tự nhiên và lành mạnh, việc tìm cách gây ảnh hưởng và tác động mọi người vì lợi ích chung là hình mẫu tốt của một nhà lãnh đạo. Nhưng không may là, nhiều người kết hợp nhu cầu này với lòng tự tôn của chính mình, họ đặt mục tiêu khẳng định vị trí cao hơn người khác thay vì là hợp tác với người khác. Khi đó, mục tiêu chung cũng không còn quan trọng với họ nữa, và những bất đồng hay tranh luận bình thường và tốt cho công việc cũng sẽ được những kẻ ham quyền lực tranh thủ để khẳng định sức mạnh và sự lấn lướt của mình.



Tâm lý nạn nhân thường trực: Bất an có thể là tốt, vì cảm giác đó khiến chúng ta ý thức được thiếu sót của mình và cố gắng học hỏi để khắc phục. Nhiều người biết chuyển sự bất an của mình thành hành động phù hợp và đem lại lợi ích cho cá nhân và tập thể cùng làm. Tuy nhiên, tâm lý luôn coi mình là nạn nhân thì chẳng có giá trị nào để cứu vãn hết. Không khó để chỉ ra những cặp đôi “kẻ ác” và “nạn nhân” ngay trong chính công ty của bạn đâu. Bạn chắc đã nghe ai đó than vãn rằng “Anh ta / cô ta luôn làm vậy với tôi (hoặc “luôn chơi xấu tôi”). Chẳng thể làm gì để thay đổi được đâu.” Thật ư? Thực sự là có người luôn luôn đối xử tệ hại với bạn mà bạn không thể làm gì để thay đổi ư? Sao bạn có thể nghĩ như vậy? Sao người ta có thể tự đặt mình vào vị trí bế tắc như vậy? Thành thật mà nói, nếu bạn thấy mình luôn khổ sở và là nạn nhân trong mọi tình huống, bạn nên đi gặp bác sỹ tâm lý sớm đi, hoặc chí ít thì cũng tìm một người bạn tốt.





Bạn có thể làm gì trong các tình huống xung đột ở công sở?



1- Đầu tiên, hãy chấp nhận thực tế là công sở luôn đầy rẫy sự mâu thuẫn và xung đột, chuyện đấu đá hoặc tranh chấp cũng là một phần của công việc mà bạn phải xử lý, như bao vấn đề không thể tránh khỏi khác của cuộc sống. Vì vậy bạn hãy thôi mơ mộng về một môi trường làm việc hoàn toàn lành mạnh, mọi người luôn vui vẻ giúp đỡ nhau, không bao giờ lời qua tiếng lại đi nhé. Chuyện đó chẳng có trong đời thực đâu.



2- Thứ hai, chúng ta cần biết cảm thông và bao dung cho người khác. Trong mỗi tình huống, hãy tự hỏi mình: “Điều gì khiến họ như vậy? Họ bất an về cái gì? Mình sẽ cảm thấy ra sao nếu là họ?” Đặt mình ở vị trí người khác trong một tình huống đối đầu không hề dễ dàng chút nào vì phản ứng và nhận định của bạn rất dễ bị ảnh hưởng bởi định kiến và tâm trạng bực bội, nên để làm được điều này, bạn phải tập thôi.



3- Cuối cùng, bạn cần để ý đến cảm xúc của mình ngay từ đầu, thậm chí là khi sự mâu thuẫn chưa bùng nổ thành cãi vã. Điều đó không có nghĩa là bạn dung túng cảm xúc của mình và để nó dẫn dắt bạn. Hãy luôn tự ý thức về chính mình trong mọi hoàn cảnh, tự đặt cho mình những câu hỏi như khi bạn đặt mình ở vị trí đối phương: “Mình lo lắng về điều gì? Vì sao? Nó có hợp lý không? Mình có phản ứng trẻ con quá không? Mình cảm thấy sao về quyền lực – của mình và của người khác? Mình cảm thấy thế nào khi bị đe doạ và có người muốn kiểm soát mình? Có phải mình đang tự xem là nạn nhân? Vì sao? Nó có ích gì cho mình không? Mình đã từng như vậy chưa, và nó có ích gì không?” Đối thoại với chính mình là cách bạn hiểu rõ về chính mình, về cái bạn muốn trong đời nói chung và trong một cuộc tranh cãi nói riêng; điều đó giúp bạn tập trung vào mục đích của mình thay vì cãi vã chỉ để chiến thắng mà thôi.