Kết quả một nghiên cứu mới ở châu Âu cho thấy, việc trồng rừng có thể làm tăng đáng kể lượng mưa và giúp hạn chế hạn hán.
Rừng đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, chúng hấp thụ carbon dioxide trong không khí, giảm nguy cơ lũ lụt, tăng đa dạng sinh học.
Biến đổi khí hậu sẽ khiến mùa hè khô hạn hơn. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Nature Geoscience số tháng 7, việc chuyển đổi đất nông nghiệp thành rừng ở châu Âu có thể làm tăng lượng mưa trong mùa hè lên trung bình 7,6%, có khả năng bù đắp một số tác động của hiện tượng ấm lên toàn cầu.
Các tác giả của nghiên cứu phát hiện ra rằng, 14,4% diện tích đất ở châu Âu, lớn hơn diện tích của Pháp, thích hợp cho việc tái trồng rừng, tập trung ở quần đảo Anh, miền Tây và miền Nam nước Pháp, Bồ Đào Nha, Italy và Đông Âu.
Nhóm nhà khoa học đã sử dụng mô hình thống kê quy mô lục địa dựa trên quan sát để chỉ ra rằng, việc chuyển đổi đất nông nghiệp ở châu Âu dẫn tới những thay đổi đáng kể về lượng mưa trên khắp lục địa già, trong đó có các khu rừng.
Để xác định vùng đất nào phù hợp với việc trồng rừng, các nhà nghiên cứu đã sử dụng "bản đồ tiềm năng tái trồng rừng toàn cầu", trong đó xem xét các biện pháp bảo vệ bền vững, chỉ bao gồm những khu đất mà việc trồng rừng sẽ không đe dọa đến an ninh lương thực cũng như ngành trồng cây lấy sợi.
Ví dụ, "việc tái trồng rừng chỉ nên triển khai trên đất chăn thả gia súc, không phải đất trồng trọt, với giả định rằng trong tương lai, người dân sẽ tiêu thụ ít sản phẩm động vật hơn và do đó chúng ta sẽ có sẵn đất chăn thả", ông Ronny Meier, thuộc Viện Kỹ thuật liên bang Thụy Sĩ (ETH Zürich), tác giả chính của nghiên cứu, giải thích.
Việc tái lập rừng đòi hỏi phải có kế hoạch tỉ mỉ, không chỉ vì sẽ mất nhiều thập kỷ để phát triển cây cối mà còn do việc trồng rừng ở vùng đất này có thể ảnh hưởng đến lượng mưa ở một khu vực khác, tùy thuộc vào nhiều yếu tố.
"Ở nửa phía Nam nước Pháp, 28% diện tích đất có tiềm năng tái trồng rừng, với lượng mưa có thể tăng 0,54 mm/ngày (24%) vào mùa đông và 0,23 mm/ngày (13%) vào mùa hè", ông Ronny Meier cho biết. "Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là những con số này không đại diện cho tác động từ việc tái trồng rừng ở những vùng này. Ví dụ, sự gia tăng lượng mưa ở miền Bắc nước Pháp có thể bị ảnh hưởng bởi việc tái trồng rừng ở miền Nam nước Pháp hoặc ở Anh".
Một nguyên nhân của sự gia tăng lượng mưa là do rừng bốc hơi nước nhiều hơn đất nông nghiệp, đặc biệt là vào mùa hè.
Một yếu tố quan trọng khác là bề mặt của rừng ít bằng phẳng hơn. "Bề mặt rừng thường gồ ghề hơn đất nông nghiệp, tạo ra nhiều nhiễu động hơn và làm chậm quá trình di chuyển của các khối không khí", hoặc các đám mây dày, dẫn đến có mưa cục bộ tại các khu rừng. (Sự gia tăng độ gồ ghề bề mặt này cũng tồn tại ở những khu vực đô thị có nhiều tòa nhà cao tầng, góp phần làm tăng lượng mưa ở các thành phố và khu vực lân cận).
Các tác giả nghiên cứu cảnh báo, việc tái trồng rừng ồ ạt "cũng có thể gây ra những tác động tiêu cực tiềm tàng, làm gia tăng thêm lượng mưa do biến đổi khí hậu gây ra ở khu vực Đại Tây Dương".
Bên cạnh đó, một yếu tố khác cần được xem xét trong việc tái trồng rừng là loài cây được trồng. Điều quan trọng cần lưu ý là liệu loại cây được trồng có chống chịu được tác động của biến đổi khí hậu hay không. Ví dụ, ở khu vực Địa Trung Hải, nhiệt độ có thể dễ dàng tăng thêm 2 - 3°C, liệu cây có thể tồn tại bền vững hay sẽ bị đe dọa và có thể chết trong trường hợp xảy ra một đợt nắng nóng nghiêm trọng?
Nghiên cứu khuyến khích các nhà hoạch định chính sách theo đuổi việc tái trồng rừng.