Những ngày cuối năm này, nhất là trong giai đoạn chuyển giao giữa hai công việc, mình cứ suy nghĩ mãi về một bài học 'đắt giá' mà không bao giờ mình được phép quên: bài học về 'kỹ năng đàm phán'. Bài học này rút ra từ hai câu chuyện mà mình sẽ kể ngay sau đây, dù mỗi lần nhắc lại đều cảm thấy hổ thẹn vì sự kém cỏi của mình.
Mình nhận công việc mới vào mùa xuân năm 2014 ở một tổ chức phi chính phủ (NGO). Vị trí này nhìn chung không đòi hỏi kỹ năng gì cao siêu, song khối lượng công việc lúc nào cũng quá tải và đòi hỏi mức độ chi tiết, khéo léo trong giao tiếp (đặc biệt là giao tiếp bằng văn bản). Tuy nhiên, vì đánh giá thấp vị trí này ngay từ khi đọc JD mà mình đã tự hạ thấp bản thân mình để đề xuất mức lương không thoả đáng (chỉ cao hơn mức cũ ~100 USD net) + chấp nhận title ở mức thấp hơn so với một bạn khác trong đội, dù tính chất và khối lượng công việc của hai người hoàn toàn như nhau. Lý do thứ hai dẫn đến việc mình chấp nhận offer với mức chênh lệch thu nhập khiêm tốn này là do bỏ cuộc quá nhanh chóng và dễ dàng. Lúc này, nhà tuyển dụng cho biết mình chỉ có hai lựa chọn: 'take it or leave' (tạm dịch là chơi hay nghỉ ^^), hoàn toàn không có đất để đàm phán. Cần nói thêm rằng, không lâu sau đó mình cũng nhận được một offer từ một công ty đa quốc gia khác (cấp quản lý) nhưng mình không hài lòng với mức lương họ đề xuất vì cho rằng nó chưa xứng đáng với vị trí này. Mình buộc phải chấp nhận offer của NGO ngay lập tức, vì khi đó đã rất chán nản với công việc hiện tại và ko muốn ở lại lâu thêm. Bài học rút ra là: lẽ ra mình đã có thể sử dụng yếu tố này như một thế mạnh. Mình đã có thể sử dụng offer của bên thứ hai để tăng thêm giá trị cho bản thân mình, và cho nhà tuyển dụng thấy rằng nếu không làm việc cho anh, tôi vẫn có một cơ hội hấp dẫn khác trong tầm tay. Nếu làm được điều này, lẽ ra mình đã có cơ hội thắng thế trong phần 'counter-offer', với một mức thu nhập tốt hơn. Rốt cục, mình đã phải sống với nỗi ấm ức này trong 8 tháng, trước khi chuyển sang công việc tiếp theo.
Stupid me, sai lầm nối tiếp sai lầm khi mình nhận được offer từ một công ty truyền thông của nước ngoài mới đây. Sai lầm thứ nhất là mình đã điền mức thu nhập hiện tại trong application form (đơn đăng ký), trong khi ngân sách cho vị trí này có thể cao gấp 3-4 lần. Sai lầm thứ hai là khi đưa ra counter-offer, mình tiếp tục bỏ cuộc quá sớm. Chả là công ty này thuê một agency để cung cấp mức lương phổ biến của các vị trí tương tự tại thị trường Việt Nam, và bạn chuyên viên tư vấn quả quyết rằng mức lương họ đề xuất như vậy là đã cao lắm rồi (bạn này chỉ dựa trên thống kê của các công ty trong nước). Với dữ liệu này, nhà tuyển dụng tất nhiên đã từ chối mức lương mình đề xuất. Bài học rút ra là: lẽ ra mình đã có thể phản bác rằng sự so sánh này hoàn toàn khập khiễng và kiên định với mức đề xuất của mình, rằng tất cả những dữ liệu kia chỉ có tính chất tham khảo và điều quan trọng là mức lương này nên được định giá dựa trên khả năng, kinh nghiệm của bản thân mình. NHƯNG MÌNH ĐÃ KHÔNG LÀM THẾ. Mình đã 'leave too much money on the table' (tạm dịch là 'để lại quá nhiều tiền trên bàn' ^^). Sai lầm này thật sự càng không chấp nhận được khi mà mình đã đọc 'Lean In' tới ba lần và coi nó như một cuốn Kinh Thánh. Mình đã không cho phép mình đòi hỏi những thứ mà mình xứng đáng.
Hiện giờ mình vẫn tiếp tục phải sống và làm việc với nỗi ấm ức này ít nhất là trong 6 tháng tới 1 năm, cho tới khi mình có được cơ hội 'đàm phán' tiếp theo (dù cơ hội để trở về mức định giá hợp lý trong thời gian ngắn như vậy là không đáng kể). Nói vậy thôi, mình vẫn phải lạc quan tự an ủi mình rằng mọi thứ đều có giá của nó. Mình đã có những người đồng nghiệp thân thiết và học thêm được nhiều kỹ năng mà không phải ở đâu cũng có được. Bài học kể trên chắc chắn đã làm cho mình trưởng thành hơn rất nhiều, và biết đâu những cố gắng nỗ lực của mình trong công việc rồi sẽ được đền đáp (bằng một cách nào đó).
Trên đây là những chia sẻ về kinh nghiệm xin việc của cá nhân mình. Nhân dịp sắp bước sang thềm năm mới 2015, xin chúc mọi người luôn tự tin vào chính mình và đạt được những thoả thuận tốt nhất trong công việc và cuộc sống nhé!