Sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa được xem là nguồn thực phẩm quan trọng dành cho các thành viên trong gia đình, trong đó có phô mai, một sản phẩm “đa chất” mà chúng ta có thể đưa vào khẩu phần ăn một cách đa dạng.
Giá trị dinh dưỡng của phô mai:
Phô mai là một chế phẩm từ sữa có giá trị dinh dưỡng cao. Trong một viên phô mai vuông nhỏ 5,2g chứa 0,62g chất đạm; 1,2g chất béo; 0,21g chất bột đường, cung cấp 14kcal, tương đương khoảng 20ml sữa nước. Một viên phô mai tam giác 15g chứa 3,2g chất béo, 105mg canxi… Ngoài ra, một số nhà sản xuất còn bổ sung thêm vào phô mai một lượng canxi, vitamin A, vitamin D, kẽm và I ốt là những vi chất thường thiếu trong cộng đồng, giúp tăng cường sự phát triển xương và chiều cao cho trẻ.
Phô mai là một sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao
Bổ sung phô mai trong khẩu phần ăn của gia đình:
Khi trẻ 6 tháng tuổi, bước sang tháng thứ bảy, ngoài việc bú sữa mẹ, trẻ cần được cho ăn dặm thêm thức ăn khác giúp cung cấp đủ năng lượng và dưỡng chất để tiếp tục tăng trưởng nhanh. Từ lúc này, mẹ có thể đưa phô mai vào thực đơn của trẻ như những thực phẩm dinh dưỡng khác.
Khi mới tập ăn cho bé, mẹ nên cho bé ăn từng miếng nhỏ và chỉ ăn một lần trong ngày. Nếu bé chưa thích ăn có thể tập lại một – hai ngày sau. Khi bé quen và thích ăn phô mai thì từ từ có thể tăng dần lượng lên cho phù hợp với độ tuổi.
Phô mai có thể dùng làm bữa ăn phụ xen giữa những bữa chính, hoặc dùng làm thực phẩm cung cấp chất đạm và béo cho chén bột, chén cháo của trẻ dưới 2 tuổi. Trong 1 chén bột hay cháo đầy, mẹ có thể cho vào từ 8-10 viên phô mai vuông 5g hay 1-2 viên phô mai tam giác 15g và nửa muỗng cà-phê dầu ăn, thêm 2 muỗng canh rau củ là có chén cháo – bột đủ chất. Việc cho bé ăn đa dạng, đổi món thường xuyên sẽ giúp bé ăn ngọn miệng và nhận được đủ chất dinh dưỡng.
Để làm bữa ăn vặt, bé từ 7 tháng đến 2 tuổi có thể ăn 1-5 viên phô mai vuông một ngày, trẻ lớn và người lớn có thể ăn 1-2 viên tam giác để bổ sung dinh dưỡng thêm cho khẩu phần ăn thường thiếu canxi.
Với trẻ lớn và người lớn, có thể ăn trực tiếp, chế biến trong trứng chiên, trộn salad, sốt rau cải, ăn phô mai với bánh mì trong bữa phụ, hoặc trộn với trái cây cắt nhỏ làm món tráng miệng khá đặc biệt. Ngoài ra, hiện nay trên thị trường còn có bánh que nhúng phô mai, với sự kết hợp hoàn hảo giữa que bánh giòn rụm & phô mai thơm ngon, là món ăn vặt cực ngon mà ai cũng có thể sử dụng được.
Phô mai được làm bằng các nguyên liệu từ sữa, bơ, phô mai, đạm sữa, vitamin... hòa trộn với những tỷ lệ khác nhau và cách lên men khác nhau để tạo ra nhiều loại phô mai rất phong phú. Một số loại phô mai cứng, có vị và mùi khá đặc biệt dành cho người lớn. Mẹ có thể chọn loại phô mai mềm mịn, vị ngọt béo dịu, dạng viên nhỏ để trẻ tập ăn dễ dàng. Viên phô mai tam giác thì được lựa chọn nhiều hơn cho trẻ lớn và người lớn.
Cách chế biến thực phẩm thường ít ảnh hưởng đến giá trị dinh dưỡng của phô mai. Việc pha trộn phlô mai để dùng với các món khác cũng không có tương kỵ gì nên mẹ có thể an tâm sáng tạo các món ăn cho gia đình.
Vì không có chứa chất bảo quản nên thông thường sản phẩm phô mai được bao bì kín để giữ được chất lượng ngon, tươi mới và đảm bảo vệ sinh. Mẹ mua phô mai nhớ chú ý chọn bao bì còn nguyên vẹn, hạn sử dụng còn xa và bảo quản phô mai ở nhiệt độ không quá 25 độ C, nên để trong tủ lạnh sau khi mở gói, nhớ buộc kín miệng gói và tránh để thức ăn khác đè lên.