Mỗi đứa trẻ khi sinh ra như một trang giấy trắng, bản thân trẻ chưa hình thành một tính cách rõ rệt. Những nét vẽ đầu tiên lên trang giấy đó có thể sẽ quyết định cả cuộc đời. Vậy nên, môi trường đầu tiên mà mỗi đứa trẻ tiếp xúc – gia đình – sẽ là những ảnh hưởng đầu tiên và quan trọng nhất đối với sự phát triển tâm lý và tính cách của trẻ. Một môi trường gia đình bình đẳng, hiểu biết và ấm áp sẽ giúp trẻ khắc phục tâm lí nhút nhát, cho trẻ dũng khí và tự tin, thúc đẩy sự phát triển tính cách tốt đẹp của trẻ, khiến trẻ càng thêm thông minh, dũng cảm, nhanh nhạy, đạt được thành công trong sự nghiệp và hạnh phúc trong cuộc đời.


Vậy muốn trẻ có được môi trường gia đình tốt, cha mẹ cần chú ý một vài điểm sau:


1. Tạo dựng môi trường gia đình tràn ngập yêu thương


Các nhà tâm lý học tin rằng, sự tự tin của trẻ phần lớn có nguồn gốc từ tình yêu thương vô điều kiện của cha mẹ dành cho con. Sự ấm áp của tình yêu thương là môi trường tâm lí tốt đẹp cho sự phát triển toàn diện của trẻ, không khí yêu thương trong gia đình sẽ giúp ánh sáng trí tuệ của trẻ nảy mầm, đồng thời bồi dưỡng sự phát triển tính cách lành mạnh cho trẻ.


Trước mặt con cái, bố mẹ không nên cãi nhau, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình không nên căng thẳng, cần tính nhiệm và yêu thương nhau, tránh gây phiền não cho con cái


2. Quan tâm đến nhu cầu tâm lý, tình cảm của trẻ


Một ngày nọ, ông bố thấy cậu con trai năm tuổi của mình thở dài và nói rằng:


– Con yêu rồi bố ạ!


– Con yêu ai?


– Con yêu bạn A ở lớp, bạn ấy có nụ cười tuyệt đẹp


– Vậy con cảm thấy như thế nào?


– Con rất thích chơi với bạn ấy, con chỉ mong được đến lớp để gặp bạn ấy thôi


– Ừ! Thế thì bố nghĩ con “yêu” thật rồi đấy. Nhưng tại sao con lại có vẻ trầm ngâm vậy?


– Tại vì con sợ bạn ấy không thích con


– À! Vậy thì bố có thể mách cho con “bí kíp” giúp bạn ấy thích con, con có muốn biết không?


– Có chứ ạ *mắt sáng long lanh*


– Đầu tiên, những bạn gái sẽ thích những bạn nam cao to, nhưng con của bố hơi thấp bé… con phải làm gì bây giờ?


– Con sẽ ăn hết phần thức ăn ma mẹ chuẩn bị cho con để nhanh cao


– Tốt! các bạn gái còn thích những bạn nam chăm ngoan, học giỏi…


– Con sẽ hăng hái giơ tay phát biểu trên lớp để bận ấy biết con học giỏi bố ạ


– …


Cuộc trò chuyện giữ cha và con tưởng chừng như đơn giản, nhưng không phải cha mẹ nào cũng đủ bình tĩnh và kiên nhẫn để chia sẻ cùng con. Có không ít các bậc cha mẹ khi gặp tình huống trên sẽ có những phản ứng hốt hoảng, thậm chí “ gạt phắt” đi tâm tư của con, đây không phải là một cách làm đúng đắn. Những trẻ nhiều lần bị từ chối và phản đối ý kiến bởi chính bố mẹ mình lâu dẫn sẽ mất tự tin và khả năng độc lập. Các bậc phụ huynh hãy luôn tin tưởng vào cảm xúc và suy nghĩ của con, lắng nghe ý kiến cá nhân của con. Khi trẻ muốn thử điều gì, cha mẹ sẽ cho trẻ cơ hội để làm. Điều đó khiến trẻ có cơ hội để tự tin hơn.


3. Không nên gây áp lực nặng nề cho trẻ


Thực tế cho thấy, nhiều ông bố bà mẹ thường đem con mình ra so sánh chiều cao, cân nặng, lớn lên lại bị áp lực điểm số, bằng cấp…với những đứa trẻ khác. Nhiều bậc phụ huynh tỏ ra ngại ngần trong việc thể hiện tình yêu với con trước mặt người lạ, luôn cố tình chê con mình với mục đích cho bé cảm thấy bản thân cần cố gắng. Tuy nhiên, cách làm này chưa thật đúng đắn. Đứa trẻ có thể sẽ cảm thấy tự ti khi chưa bằng người khác, và sự áp lực từ phía cha mẹ.


Môi trường gia đình tốt chính là cho trẻ một cảm giác thoải mái trong tâm hồn, để trẻ tự do phát triển tiềm năng của bản thân, sẽ không cảm thấy nặng nề, khó chịu.


4. Cha mẹ hãy là những tấm gương tốt cho trẻ


Tấm gương tốt có sức mạnh vô cùng lớn. Đứng trước khó khăn, cha mẹ không sợ hãi, nản chí mới bồi dưỡng thế hệ con cái có niềm tự tin và sự tự tôn, vì bố mẹ thiếu tự tin nên không thể bồi dưỡng con thành tài. Cha mẹ có tràn đầy hi vọng, tự tin vào tương lai, con cái mới có thể sống thoải mái và vô tư. Vì thế, cùng với việc yêu cầu con cái làm cái này cái nọ, cha mẹ cũng cần chú ý đến hành động, lời nói của mình, là tấm gương tốt cho con.


Tự ti được hình thành trong quá trình trưởng thành của trẻ. Nếu cha mẹ gặp việc gì cũng nói “không làm được”, trẻ không những ảnh hưởng thói quen tự duy đó của cha mẹ, mà còn có suy nghĩ tương tự: “Bố mẹ không làm được thì con càng không làm được”. Nếu con cái của bạn luôn nói “Con không làm được”, cha mẹ cần tìm nguyên nhân và thay đổi cách suy nghĩ không tốt của con.


Cha mẹ muốn làm được điều này cần chú ý một vài điểm sau:


Đầu tiên là bình đẳng, đây là tiền đề tạo không khí gia đình tốt đẹp. Cha mẹ, con cái đều cần chung sống bình đẳng, hòa nhã.


Thứ hai là cởi mở, các thành viên trong gia đình cần thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình, không do dự và giấu kín trong lòng.


Thứ ba là khả năng giáo dục của cha mẹ và mức độ hòa nhã, yêu thương trong mối quan hệ của cha mẹ. Điều này sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến không khí gia đình.


Cuối cùng là lí trí, chỉ có lí trí mới khống chế được sự xúc động của tình cảm, bình tĩnh nhìn nhận và xử lí vấn đề, như vậy có lợi cho việc giữ không khí gia đình êm ấm, điều quan trọng là giúp trẻ hình thành tâm lí ổn định, vững vàng.