TNTP - Mua rau và rửa rau, cứ tưởng chỉ là việc dễ ợt mà khi bắt tay vào làm tớ mới nhận ra là cũng cần có kỹ năng đấy bạn ạ! Tớ cũng rút ra được một số bí kíp để bật mí với bạn đây:
Hôm qua, sau giờ học thêm ở lớp chuyên Anh tớ uể oải đạp xe về. Vừa đến cửa, mẹ đang lúi húi trong bếp đã quay ra nhắc ngay: “Con cất cặp sách rồi xuống chạy ra siêu thị mua thêm mấy loại rau mẹ ghi sẵn vào giấy đây. Nhanh lên rồi về phụ mẹ rửa rổ rau củ cho sạch để tối gia đình mình đón khách nhé!”
Những ghi nhớ đầu tiên
Trước khi tớ nháo nhào chạy đi mẹ lắc đầu dặn với theo: “Nhớ chọn rau củ quả thật tươi, lá rau không bị thâm đen, héo úa hay nấm mốc đâu con nhé”.
Tớ vâng dạ thật nhanh nhưng tới siêu thị, trước cả dãy dài rau quả xếp ở ngăn mát tủ lạnh, tớ phải nhìn ngó, nâng lên đặt xuống mãi mới xong chọn đủ “danh sách” mẹ đã yêu cầu.
Hấp tấp mang rau về, tớ vặn ngay vòi nước chuẩn bị đổ cả túi rau vào rửa. Mẹ lúc này mới từ tốn nhắc: “Dù siêu thị đã cắt gốc rau nhưng con cần nhặt nhạnh lại những chỗ úa và xếp từng loại rau, củ, quả và rổ riêng trước đã…”
Theo hướng dẫn của mẹ, tớ rửa rau củ quả từng loại dưới vòi nước sạch, để ráo các loại rau rồi lau khô từng loại củ quả. “Phù,” cứ tưởng đã xong việc nhưng mẹ vẫn nhắc tớ đứng bên cạnh để mẹ hướng dẫn tiếp.
Kỹ thuật của mẹ
Rau có lá: Đây là loại rau dễ bị ô nhiễm nhất và có nguy cơ mang nấm bệnh cao. Những loại rau như hành, tàu lá cải xanh, rau mùi… có nhiều đất ở gân lá, phải rửa từng mặt lá cho sạch. Nhưng phải cần lưu ý nhẹ tay để tránh làm giập nát rau.
Cách tốt nhất là sau khi đã nhặt sạch, cắt bỏ rễ và lá úa, nên ngâm rau trong nước muối nhạt hoặc nước pha giấm để loại trừ vi khuẩn. Sau đó thì rửa rau lại thêm khoảng 2- 3 lần nữa, rồi để ráo nước.
Rau quả trên cao: Đó là những loại cây thân leo trên cao hoặc trên giàn như cà chua, mướp, bí xanh, khổ qua... nên ít khi bị dính bẩn, vì vậy cũng bị nhiễm khuẩn ít hơn. Tuy nhiên, để tránh nguy cơ bị nhiễm thuốc trừ sâu, vẫn phải rửa sạch với nước và ngâm với nước muối pha loãng hoặc nước giấm nếu như ăn ngay.
Củ: Những loại như cà rốt, khoai tây, củ cải… chỉ cần cọ rửa sạch bên ngoài trước khi gọt vỏ mà không cần ngâm thêm nước muối hay giấm. Sau khi gọt vỏ xong, rửa sạch dao và củ một lần nữa rồi mới cắt để đảm bảo sạch khuẩn.
Kết quả là
Bữa cơm thịnh soạn được bày lên trông thật đẹp mắt nhưng chờ mãi chả thấy khách đâu. Tớ băn khoăn hỏi thì mẹ dí tay và trán tớ mắng yêu: “Nhà có khách mà đợi con sang siêu thị mua đồ rồi về loay hoay mãi với việc rửa rau củ thế thì sao kịp chứ? Mẹ muốn con tập vào bếp cùng mẹ thôi”.
Òa! Thì ra là vậy! Giờ ngồi nghĩ lại khi chọn lựa, làm sạch, sơ chế rau củ quả giúp mẹ, tớ nhận ra công việc bếp núc hằng ngày vừa vất vả nhưng cũng khá thú vị. Vào bếp chính là thời gian chúng mình cho cái đầu và đôi mắt được nghỉ ngơi sau cả ngày mệt mỏi. Đôi tay được lao động nhẹ nhàng cũng là cách giải “xì – trét” rất hiệu nghiệm đấy.
Quan trọng hơn thế, mỗi ngày cùng vào bếp với mẹ vừa làm đẹp thêm cái duyên bạn gái, vừa góp phần đem lại bữa cơm ấm cúng cho gia đình, việc dù nhỏ cũng thật đáng quý phải không bạn?!