Sắp “cán đích”, bé có thể nặng tới 3,6 kg (bé trai) hoặc 3,4kg (bé gái) và dài hơn 50cm. Các bác sĩ sẽ căn cứ các chỉ số thai để dự đoán ngày sinh. Tuy nhiên, việc dự đoán có thể sai lệch đôi chút nên bố mẹ cần phải chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ trước nhé!



Trong phần lớn trường hợp, sau 40 tuần bé sẽ muốn ra ngoài để gặp bố mẹ. Tuy nhiên, không ít trường hợp bé sẽ muốn ra đời sớm hơn hoặc trễ hơn. Để không bị lúng túng hoặc vội vàng vì điều này, bố mẹ nên sẵn sàng trước tất cả mọi sự nhé! Dưới đây là danh sách những việc bố mẹ cần phải chuẩn bị để đón con yêu chào đời. Bố mẹ nào lần đầu lên chức nắm rõ sẽ không thiệt đâu ạ!



Tham gia lớp tiền sản



webtretho


Một số mẹ chia sẻ rằng khi đau đẻ, mọi bài tập thở, tập rặn đã học trong các lớp tiền sản đều biến mất. Tuy nhiên, đó chỉ là số ít vì phần lớn các mẹ đã từng được thực hành trong các lớp tiền sản đều cảm thấy tự tin và giảm căng thẳng hơn khi bước lên bàn sinh. Ngoài ra, họ cũng chủ động hơn trong việc kiểm soát cơn đau chuyển dạ và biết cách để kiểm soát nhịp thở của mình trong cơn rặn. Đối với các ông bố, những gì học được ở các lớp tiền sản sẽ là nền tảng để giúp bố chăm con khéo hơn và hiểu được những nhu cầu của mẹ nhiều hơn.



Giặt giũ và sắp xếp



Trong trường hợp mẹ tận dụng lại đồ sinh còn mới nhưng đã qua sử dụng, hãy tận dụng những ngày rảnh rỗi trong các tháng cuối này để giặt giũ sạch sẽ tất cả. Lưu ý, vào mùa đông hoặc mùa mưa, hãy chọn ngày nắng ráo trước khi giặt để tránh ẩm mốc gây kích ứng cho làn da nhạy cảm của trẻ sơ sinh nhé! Ngoài ra, nếu thấy phòng ốc bé chưa đủ ngăn nắp và gọn gàng thì đây là lúc thích hợp nhất để bố mẹ F5 toàn bộ đấy!



Dọn “ổ” cho mẹ và bé



Đã qua rồi thời “nằm ổ” là một căn phòng đen kịt và kín mít. Đó là quan niệm phản khoa học, làm ảnh hưởng rất lớn đến khả năng phục hồi của mẹ và sức khỏe của trẻ sơ sinh. Do đó, trước khi dọn “ổ”, mẹ phải xác định đó là một căn phòng sáng sủa, thoáng mát và bài trí đơn giản nhưng thật bắt mắt. Điều đó không chỉ đem lại luồng không khí trong lành cho bé hít thở và sinh hoạt hàng ngày mà còn cải thiện được tâm trạng của mẹ trong những ngày nghỉ ngơi sau sinh.



Đặt tên cho con



Cái tên gắn liền với vận mệnh sau này của bé. Nếu không quá tin vào tâm linh, ít nhất với mẹ cái tên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của con khi đến tuổi đi học và góp phần quyết định đến sự thành công trong tương lai. Do đó, mẹ hãy tận dụng khoảng thời gian nghỉ ngơi trong 3 tháng cuối thai kỳ để bắt đầu nghĩ đến những cái tên hay và ý nghĩa để đặt cho con nhé! Nhưng trước khi quyết định, đừng quên hỏi qua ý kiến của anh xã đấy!



Tham quan bệnh viện



webtretho


Tìm hiểu dịch vụ và chi phí sinh đẻ ở các bệnh viện sẽ giúp bố mẹ tiên lượng được những khoản chi cần thiết phù hợp với nguyện vọng và ngân sách. Càng gần ngày sinh, nhu cầu này càng cận kề, đặc biệt là khi mẹ có tham gia bảo hiểm thai sản.



Lên kế hoạch sinh nở



Bảng kết hoạch sinh bao gồm đầy đủ những gì mẹ muốn và cần, chẳng hạn: tên bệnh viện phụ sản, hình thức sử dụng dịch vụ sinh, nguyện vọng sinh thường/ sinh mổ hoặc sinh không đau, khâu tầng sinh môn thẩm mỹ, triệt sản sau sinh (dành cho người đã qua nhiều lần sinh mổ)… Một bảng kế hoạch sinh càng chi tiết càng giúp các bác sĩ hiểu rõ và đáp ứng đúng nguyện vọng của mẹ khi sinh nở.



Sắm đồ cho con



Nếu thích, mẹ vẫn có thể sắm đồ cho con bất kỳ lúc nào trong thai kỳ. Tuy nhiên, sau khoảng tháng thứ 7, tức vừa bước qua giai đoạn cuối thai kỳ vẫn là thời điểm thích hợp nhất. Lúc này tâm trạng và sức khỏe của mẹ đều không gặp vấn đề đáng ngại.



Sẽ có rất nhiều món đồ sơ sinh yêu ơi là yêu mà chỉ nhìn cũng đủ cám dỗ bố mẹ cho ngay vào giỏ đồ, nhưng hãy cân nhắc trước khi mua nhé! Các bé sơ sinh sẽ lớn rất nhanh, vì vậy quần áo quá nhiều có thể sẽ không kịp mặc và buộc phải bỏ đi. Riêng về tã, vật dụng gắn liền với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bố mẹ không nên tiếc tiền mà bỏ qua những loại tốt nhất nhằm bảo vệ da bé nhé! Nếu bố sợ mẹ bị mất ngủ sau sinh, bé cựa quậy không yên trong đêm, hãy thử dùng loại tã quần thay thế cho miếng lót xem sao!



Chuẩn bị giỏ đi sinh



Giỏ đồ đi sinh phải được xếp gọn đâu vào đấy trước ít nhất 1 tháng so với ngày dự sinh vì trong khoảng thời gian này, bé có thể muốn ra ngoài sớm hơn dự định. Trong giỏ đồ đi sinh phải đủ các loại quần áo, khăn, tã, kem, dầu… cho con và các vật dụng chăm sóc hậu sản cho mẹ. Ngoài ra, mẹ đừng quên xếp sẵn tệp giấy tờ cần thiết gồm hộ khẩu, sổ bảo hiểm, chứng minh nhân dân… để làm thủ tục nhập sinh nhé!



Học cách chăm con



Rất nhiều người lần đầu lên chức bố mẹ luôn lóng ngóng trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh. Thực ra, ngoài bản năng mách bảo, bố mẹ cũng cần phải học mới biết được chăm con thế nào cho tốt. Do đó, trong thời gian tận hưởng những điều tuyệt vời nhất của giai đoạn cuối thai kỳ với những cú đạp và những lần con đói đòi ăn, bố mẹ nên đọc thêm sách dạy chăm con hoặc xem thêm thông tin từ các trang diễn đàn dành cho bố mẹ và bé nhé!