Chắc hẳn nhiều người còn nhớ vào khoảng đầu tháng 2, thông tin chiếc du thuyền hạng sang Diamond Princess, ngoài khơi biển Nhật Bản đã có du khách nhiễm Covid-19.

Vào thời điểm đó, du thuyền này được coi là ổ dịch lớn nhất Thế giới với ít nhất 712 hành khách và thủy thủ đoàn đã dương tính với Covid-19. Và trong số những du khách đó, có một cặp vợ chồng người bang Califoria, Mỹ, tới đây để nghỉ dưỡng.

hình ảnh

Cặp vợ chồng nhiễm bệnh Covid-19 trên du thuyền Diamond Princess. Ảnh The Sun

Đó là vợ chồng ông Carl Goldman và bà Jeri Goldman, ông Carl được xác nhận đã nhiễm virus nhưng bà Jeri thì không. Chia sẻ với tờ CNN, ông Carl nói ‘Tôi đọc được trên mạng xã hội nói rằng cả chiếc du thuyền này đã nhiễm dịch bệnh. Giờ thì chúng tôi chẳng thể nào trở về Mỹ, nếu không sẽ bị nhốt lại’.

Trước đó, khi được sơ tán khỏi du thuyền Diamond Princess, vợ chồng ông đã đáp chuyến bay về bang Nebraska, Mỹ. Khi vừa hạ cánh xuống sân bay, họ được chuyển đến Trung tâm Y tế Đại học Nebraska để điều trị cho tới khi bình phục hoàn toàn.

Sau khi ra viện, ông cũng cách ly thêm 2 tuần tại Nebraska cho tới khi đạt 3 lần xét nghiệm âm tính mới đủ điều kiện trở về nhà. Ông được đoàn tụ với vợ mình vào ngày 16/3.

hình ảnh

Vợ chồng ông Carl, bà Jeri trên du thuyền. Ảnh The Sun.

Tuy may mắn không bị nhiễm bệnh nhưng trong suốt thời gian ở nhà, bà Jeri vô cùng lo lắng cho sự an toàn của mình vì những lời đe dọa từ mọi người xung quanh. Bởi khu vực nhà vợ chồng bà sống, ai cũng biết về việc vợ chồng bà có mặt trên chuyến tàu đó.

Giờ đây, họ cảm thấy đang bị đối xử như những kẻ phạm tội phải trốn chui trốn lủi vậy. Ông Carl chia sẻ: ‘Chúng tôi liên tục bị phương tiện truyền thông xã hội và Youtube đe dọa, họ nhắm vào vợ tôi khi nghi ngờ bà ấy cũng dương tính với virus. Có những người thậm chí còn công kích cũng như xúc phạm chúng tôi, kể cả là khi họ còn chẳng biết vợ chồng tôi là ai’.

Vợ chồng ông Carl đã thông báo tin này tới cảnh sát nhưng sự kì thị này vẫn chưa chấm dứt. Bởi quan trọng là ngay trong mối quan hệ của mình, ông bà cũng cảm thấy nỗi sợ của mọi người khi phải tiếp xúc với họ.

‘Một số người bạn của vợ tôi đã từ chối gặp gỡ bà ấy. Thậm chí khi đi làm móng, làm tóc hay gặp huấn luyện viên tập thể dục cá nhân, bà ấy cũng bị từ chối. Tôi không thể hiểu nổi sao chuyện này lại xảy ra với vợ chồng mình. Chúng tôi đã sống ở đây suốt 30 năm. Chúng tôi không phải người xa lạ gì’, ông Carl bức xúc cho hay.

hình ảnh


Ông Carl nhiễm virus Covid-19 và phải cách ly suốt 2 tuần. Ảnh The Sun.

Và mặc dù đã được các bác sĩ kiểm tra và xác nhận sẽ không tái nhiễm Covid-19 nhưng sự kì thị này vẫn không hề giảm bớt. Giờ đây, ông bà chỉ biết ở nhà, hy vọng đại dịch nhanh chóng qua đi và sự kỳ thị với những người từng bị bệnh cũng kết thúc.

Ông Carl nói: ‘Thái độ đó không phải sự thù địch mà là sợ hãi. Chúng tôi đang cố gắng nghĩ tích cực để điều đó không làm ảnh hưởng tới cuộc sống của bản thân'.

Trải nghiệm của cặp vợ chồng này cũng chính là minh chứng điển hình nhất cho sự kỳ thị đối với những người đã từng nhiễm Covid-19 bởi dân chúng lo sợ bản thân có thể bị lây nhiễm bệnh.

Nguồn: The Sun.