Thông tin bé 20 tháng tuổi là bệnh nhân 557 có thể khiến nhiều mẹ nuôi con nhỏ cảm thấy lo lắng. Các công tác phòng dịch lúc này cho trẻ trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Chiều 1.8, trong tổng số 7 ca mới được công bố cùng ngày có bệnh nhân 557 là em bé mới chỉ 20 tháng tuổi, tên Đ.G.A (SN 2018 - 20 tháng tuổi, Hòa Tiến, Hòa Vang, Đà Nẵng).
Nguyên nhân khiến bé nhiễm bệnh là do thường xuyên tiếp xúc bệnh 509, vốn là bà nội của bé.
Lịch trình cụ thể được công bố như sau:
- Sáng 24/7, bé có biểu hiệu sốt, được đưa đi khám tại Trạm y tế xã Hoà Tiến và được kê đơn thuốc về nhà theo dõi.
- Ngày 26.7, bé được đưa về nhà ông bà ngoại tại Miếu Bông, Hòa Phước.
- Đêm 26.7, bé có triệu chứng sốt. Ngày 27.7, bé ở nhà theo dõi. Đến tối sốt trở lại và có dùng thuốc hạ sốt.
- Sáng 28.7, bé được đưa đến khám tại khoa Nhi – Bệnh viện Đa khoa Gia đình và được lấy mẫu xét nghiệm.
Thông tin về cháu bé 20 tháng tuổi là bệnh nhân 557 khiến nhiều bố mẹ vốn bắt đầu cảm thấy lo sợ về tình hình dịch bệnh hiện tại, nay lại càng thêm bất an. Tuy nhiên, điều đó không mang lại điều gì tích cực và thiết thực cho bằng chính các gia đình, bố mẹ phải tạo ra những tấm lá chắn bảo vệ con mình.
Chủng mới xuất hiện tại Đà Nẵng trong đợt bùng phát lần này vẫn còn nhiều điều cần phải tìm hiểu thêm. Những ảnh hưởng của nó đến trẻ em vẫn chưa được hiểu biết tỏ tường. Mặc dù đa phần bệnh nhân là nam giới nhưng vẫn có những trường hợp trẻ nhỏ nhiễm bệnh, thậm chí là trẻ dưới 1 tuổi. Những trẻ có bệnh nền có nguy cơ bệnh trở nặng hơn so với những trẻ khác.
Triệu chứng trẻ nhiễm bệnh ở trẻ nhỏ
Thông thường trẻ có các dấu hiệu có thể nhầm với cảm cúm, bao gồm: Sốt, sổ mũi và ho.
Cũng vì triệu chứng tương tự nên nhiều cha mẹ không nghĩ con mình nhiễm COVID-19.
Ngoài ra, trong một vài báo cáo ở các trường hợp trẻ nhỏ nhiễm bệnh trên thế giới từng ghi nhận triệu chứng nôn mửa và tiêu chảy ở trẻ nhỏ.
Trường hợp trẻ có bệnh nền như bệnh tim, viêm phổi mãn tính, hen suyễn từ mức độ vừa phải đến nghiêm trọng được đánh giá có nguy cơ diễn tiến bệnh trạng nghiêm trọng hơn do hệ thống miễn dịch bị tấn công và suy yếu nhanh chóng.
Trong trường hợp nghi ngờ con có yếu tố dịch tễ và xuất hiện triệu chứng ban đầu, hãy gọi ngay đến cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn
Tấm che mặt cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không được xem là giải pháp bảo vệ an toàn
Nhiều người tin tưởng tấm chắn nhựa có thể bảo vệ được sơ sinh và trẻ nhỏ. Nhưng cho đến nay, chưa có thông tin chính thống nào cho thấy sử dụng tấm chắn che mặt có thể ngăn chặn được nguy cơ lây nhiễm. Ngược lại còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
- Thứ nhất: Tấm chắn có thể tăng nguy cơ hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS) hoặc khiến trẻ khó thở.
- Thứ hai: Trẻ nhỏ vốn hiếu động có thể đưa tay lên chơi đùa mặt trước tấm chắn và đưa vào miệng, vô tình rước vi rút vào cơ thể. Tấm chắn bị đùa nghịch có thể bị di chuyển khiến dây đeo trở thành mối nguy hiểm.
Bảo vệ trẻ nhỏ trước nguy cơ lây nhiễm
- Khi người nhà hoặc người quen, hoặc bố mẹ có các biểu hiện ho, sốt, nghẹt mũi… không nên cho trẻ tiếp xúc gần, giữa khoảng cách an toàn. Trường hợp bé 20 tháng tuổi là bệnh nhân 557 do lây nhiễm từ bà nội là một ví dụ.
- Cho trẻ ăn chín, uống sôi và chế biến thức ăn tại nhà, tránh ra ngoài tụ tập ăn uống làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.
- Thực hiện các giải pháp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ:
- Đối với những bệnh do virus gây ra, khi hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu thì virus sẽ tấn công và gây bệnh. Chính vì vậy, cần tăng cường các giải pháp cải thiện hệ miễn dịch cho trẻ bằng cách:
- Chọn thực phẩm tươi ngon, giàu dinh dưỡng
- Bổ sung thêm vitamin: Ăn uống đầy đủ chất và bổ sung vitamin
- Giữ ấm cơ thể những ngày trở trời và khi mưa gió
- Dạy trẻ thói quen tập thể dục để cơ thể khỏe mạnh
- Nhắc nhở trẻ rửa tay thường xuyên với xà phòng và súc miệng bằng nước muối loãng
- Đảm bảo giấc ngủ là một phần quan trọng với hệ thống miễn dịch. Nên cho trẻ ngủ sớm và ngủ đủ giấc, tránh thức khuya.
- Nếu trường hợp cần thiết phải ra ngoài nên cho trẻ mang khẩu trang y tế hoặc khẩu trang vải nhưng hãy đảm bảo kích cỡ phù hợp với bé. Không nên dùng khẩu trang chống độc vì trẻ sẽ có nguy cơ ngạt.
Thực hiện khám sức khỏe và tiêm chủng theo lịch
Dù trong mùa dịch nhưng việc khám sức khỏe và tiêm chủng theo lịch vẫn rất cần thiết.
- Tốt nhất nên chọn dịch vụ khám trực tiếp tại nhà với trẻ sơ sinh cần theo dõi lịch bú, kiểm tra vàng da và sàng lọc sơ sinh (xét nghiệm máu, kiểm tra thính giác và xét nghiệm khuyết tật tim bẩm sinh nghiêm trọng)
- Nếu cơ sở y tế vẫn đảm bảo, nên cho trẻ dưới 2 tuổi tiêm đủ các mũi quan trọng như sởi, cúm, ho gà và các bệnh truyền nhiễm khác. Điều này sẽ góp phần ngăn chặn các bệnh phổ biến có thể thành dịch ở trẻ nhỏ.
- Để đảm bảo khi đến các cơ sở y tế, cha mẹ nên hỏi các bước mà nhà cung cấp dịch vụ y tế đưa ra để tách biệt bệnh nhân khỏe mạnh với bệnh nhân đang điều trị bệnh. Nếu những dịch vụ y tế tại địa phương buộc phải hoãn các loại hình khám bệnh, kiểm tra sức khỏe và chủng ngừa, nên tuân thủ theo hướng dẫn và gọi hỏi lịch dịch vụ trong lần kế tiếp.
- Nếu con lo lắng, nên tìm cách trấn an bé. Điều cần thiết là phải cung cấp thông tin chính xác, quan trọng và ngắn gọn để trẻ hiểu về dịch bệnh theo đúng lứa tuổi.