Từ A đến Z những điều bầu 3 tháng cuối PHẢI BIẾT để làm hồ sơ sinh, chuẩn bị đón con yêu chào đời
Em mang bầu đến tháng thứ 7, chị hàng xóm thấy em bụng to thì hỏi thăm:
- Em định đẻ ở viện nào? Đã làm hồ sơ sinh chưa em?
Lúc đó em mới ngớ người ra vì tưởng rằng đẻ thì cứ đến bệnh viện làm thủ tục là được. Thì ra hầu hết các mẹ bầu đều đã phải làm hồ sơ sinh từ trước đó rồi.
Nghe chị hàng xóm hỏi thế, em tỉ tê nói chuyện nhờ chị hướng dẫn kinh nghiệm làm hồ sơ sinh nhanh nhất để sau này đến viện không bỡ ngỡ. Nhờ chị ấy mà em biết được nhiều điều hay ho quá trời luôn!
Em chia sẻ cho các mẹ bầu 3 tháng cuối cùng biết nè!
Khi nào mẹ nên đi làm hồ sơ sinh?
Thông thường, các bệnh viện sẽ nhận làm hồ sơ sinh cho mẹ ở tuần thai thứ 36, tuy nhiên một số viện có thể làm sớm hơn, từ tuần thứ 28 hoặc 32.
Mẹ cần chuẩn bị những gì khi đi làm hồ sơ sinh?
Khi đi làm hồ sơ sinh, mẹ nhớ mang theo một số loại giấy tờ dưới đây nhé:
- Chứng minh thư nhân dân
- Sổ hộ khẩu gia đình
- Thẻ Bảo hiểm y tế (nếu có)
- Sổ khám chữa bệnh (nếu đi làm hồ sơ sinh cũng là lần đầu vào viện thì các chị sẽ được hướng dẫn mua nhé)
Ngoài ra, có một lưu ý cho mẹ khi khai vào giấy tờ trong hồ sơ sinh là viết chính xác hộ khẩu thường trú của người mẹ. Điều này sẽ quyết định đến việc sau này con sẽ được làm giấy khai sinh ở đâu. Thông thường, bệnh viện sẽ không chịu trách nhiệm cho những sai sót này. Bởi vậy, nếu muốn con khai sinh ở quê bố hay quê mẹ thì các chị viết chính xác địa điểm kẻo sau này sẽ rất khó khăn trong việc làm thủ tục khai sinh cho con đó ạ.
Mẹ bầu sẽ trải qua những xét nghiệm gì?
Sau khi đến bệnh viện, mẹ bầu sẽ được các bác sĩ hướng dẫn làm một số xét nghiệm dưới đây để hoàn thiện hồ sơ sinh:
+ Xét nghiệm và phân tích máu tổng thể: xác định nhóm máu, xét nghiệm huyết học đông máu, tổng phân tích tế bào máu, xét nghiệm sinh hóa máu…
+ Xét nghiệm vi sinh miễn dịch gồm: xét nghiệm HIV, giang mai, viêm gan B…
+ Xét nghiệm vi sinh vi khuẩn: cụ thể là phết âm đạo và trực tràng để tầm soát nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B
+ Xét nghiệm sinh hóa nước tiểu
+ Nghiệm pháp dung nạp glucose ở phụ nữ có thai: Thử đường huyết/test tiểu đường thai kỳ
+ Làm Non-stress test: Đếm cử động và nghe nhịp tim của thai nhi để đánh giá hiệu quả tình trạng sức khỏe của thai.
+ Siêu âm thai
+ Nếu thai phụ nằm trong diện có thai kỳ nguy cơ cao thì có thể phải tiến hành thêm 1 số xét nghiệm khác như chọc ối, sàng lọc kháng thể…
Tất cả các kết quả của những xét nghiệm trên sẽ được các bác sĩ lưu trữ lại bệnh viện. Khi nào mẹ có dấu hiệu chuyển dạ phải nhập viện, các bác sĩ sẽ căn cứ vào đó để đưa ra những phương án tốt nhất trong quá trình sinh con của sản phụ.
Chi phí làm hồ sơ sinh như thế nào?
Ở mỗi bệnh viện sẽ có một mức chi phí làm hồ sơ sinh khác nhau. Thông thường nếu làm hồ sơ sinh không dùng BHYT chi phí dao động khoảng 1 đến 2 triệu. Nếu dùng BHYT thì thời gian chờ làm lâu hơn, nhưng chi phí lại rẻ hơn, khoảng 500 - 800 nghìn đồng.
Nếu mẹ bầu không làm hồ sơ sinh thì sao?
Việc thực hiện các xét nghiệm thai kỳ trước dự kiến sinh khoảng 1 tháng sẽ giúp mẹ bầu cũng như bác sĩ chuyên khoa nắm bắt được tình trạng sức khỏe của mẹ và bé để có sự chuẩn bị tốt nhất trong ca sinh nở. Vì vậy đây là điều mẹ bầu nào cũng được khuyến khích nên làm.
Nếu mẹ bầu không làm hồ sơ sinh thì đến khi chuyển dạ vẫn được bệnh viện tiếp nhận như bình thường. Tuy nhiên, nếu ca sinh chưa đến mức nguy cấp thì khi chuyển dạ vào viện, mẹ bầu vẫn phải tiến hành các xét nghiệm cần thiết. Lúc này bạn vừa đau chuyển dạ, vừa mệt mỏi mà vẫn phải tự mình đến các phòng chức năng để thăm khám theo đúng thủ tục. Ngoài ra, nếu mẹ bầu chưa từng thăm khám thai, chưa có hồ sơ sinh dù phải sinh cấp cứu vẫn có khả năng bệnh viện từ chối tiếp nhận bệnh nhân và chuyển viện do không có thông tin theo dõi thai kỳ của sản phụ để đảm bảo an toàn cho ca sinh.
Vì vậy, đừng mẹ bầu nào cũng nên dành chút thời gian để hoàn tất hồ sơ sinh trước ngày dự sinh khoảng 1 tháng để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và con nhé.