Theo Thông tư 26 của Bộ GD-ĐT, từ 11-10, tiêu chuẩn xếp loại học sinh giỏi của học sinh THCS và THPT có nới lỏng hơn một chút nhằm khuyến khích học sinh tập trung học tốt hơn môn Ngoại Ngữ.
Năm học này nhiều quy định mới ghê các mẹ nhỉ. Theo thông tư 26 của Bộ GD-ĐT thì từ 11-10, giáo viên sẽ đánh giá học sinh THCS và THPT theo tiêu chuẩn xếp loại học sinh giỏi mới.
Cụ thể, học sinh được xếp loại học lực giỏi với điều kiện điểm trung bình các môn học từ 8,0 trở lên, trong đó điểm trung bình của 1 trong 3 môn Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ từ 8,0 trở lên; riêng đối với học sinh lớp chuyên của trường THPT chuyên phải thêm điều kiện điểm trung bình môn chuyên từ 8,0 trở lên; Học sinh không có môn học nào điểm trung bình dưới 6,5.
Như vậy tiêu chuẩn học sinh giỏi có nới lỏng hơn một chút. Nếu như trước đây 1 trong 2 môn Toán, Ngữ Văn từ 8,0 trở lên bên cạnh các tiêu chuẩn còn lại (không đổi) thì nay muốn đạt học sinh giỏi, 1 trong 3 môn Toán, Văn, Ngoại Ngữ phải từ 8.0 trở lên. Như vậy, môn Ngoại Ngữ được xếp ngang hàng với 2 môn Toán, Ngữ Văn và trở thành môn chính đòi hỏi học sinh cần nỗ lực đầu tư nhiều hơn cho môn học này.
Đây cũng là dễ hiểu bởi ngoại ngữ là cánh cửa bước ra thế giới trên con đường hội nhập. Không chỉ là phương tiện để cập nhật tình hình thế giới, ngoại ngữ còn giúp chúng ta tiếp cận kho tàng kiến thức khổng lồ của nhân loại trong mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, hàng chục năm nay, thực trạng học ngoại ngữ của học sinh nước ta vẫn không có dấu hiệu tiến bộ. Điều đó thể hiện qua điểm thi môn ngoại ngữ trong kỳ thi THPT hàng năm, rõ thấy nhất là trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, tiếng Anh là môn thi duy nhất có điểm trung bình dưới 5. Thống kê cho thấy có đến 472.990 thí sinh đạt điểm môn này dưới trung bình (chiếm tỉ lệ 63,13%).
Ảnh minh họa - Nguồn ảnh: tuoitre
Có thể nói, kết quả thi nói trên đã phản ánh đúng năng lực của các em học sinh và phần nào cho thấy phương pháp dạy ngoại ngữ trong các trường học hiện nay đã lỗi thời, cần thay đổi. Mặt khác, hầu hết giáo viên chỉ chú trọng dạy ngữ pháp cho các em mà bỏ qua các kỹ năng còn lại như nghe và nói. Kết quả là học tiếng Anh hàng chục năm nhưng các em không thể áp dụng môn học vào thực tế cuộc sống, nhất là trong các tình huống cần giao tiếp tiếng Anh. Ngoại trừ một số em gia đình có điều kiện, được cha mẹ cho đi học tại các trung tâm uy tín chất lượng để rèn luyện kỹ năng nghe nói, số đông còn lại gần như “ngậm hột thị” khi có việc phải dùng đến tiếng Anh.
Có lẽ đã đến lúc cần thay đổi phương pháp dạy ngoại ngữ trong nhà trường, chú trọng trau dồi kỹ năng nghe nói hơn. Tuy nhiên, với lực lượng giáo viên dạy tiếng Anh mỏng như hiện nay. Đồng thời thầy cô thời gian qua gần như bỏ quên 2 kỹ năng nghe nói, chỉ tập trung dạy ngữ pháp nên ngay cả họ cũng gặp khó khăn trong việc nghe và phát âm tiếng Anh chuẩn.
Ảnh minh họa - Nguồn ảnh: thanhnien
Một phụ huynh tâm sự: Con chị học tiếng Anh lớp 3, cô giáo dạy phát âm chữ fries là phờ-ri, chocolate thành chô-cô- lết. Chị tốt nghiệp ngoại ngữ, từng đi phiên dịch nên dạy con phát âm chuẩn theo từ điển Cambridge. Nhưng góp ý thì cô không chịu nhận sai, cô khăng khăng bắt học sinh phải đọc theo cô.
Một phụ huynh khác thì cho rằng cần phải gây áp lực với giáo viên tiếng Anh, bắt họ phải có bằng IELTS 6.5 trở lên mới cho dạy trong trường học. Còn các mẹ, các mẹ có tán đồng với ý kiến này hay không?