Tết cận kề nhưng đâu đó vẫn còn có gia đình phải vật lộn với những nỗi niềm riêng đến chua xót.

Đã làm cha, làm mẹ, mỗi lúc Tết dí sát chân lại lo oằn vai mưu sinh mong sắm được tấm áo mới để nhìn con cái xúng xính trong bộ đồ còn thơm mùi vải mới. Có nỗi lo vắt lên vai, đè lên cổ đó nhưng chỉ cần nhìn con vui thì bao mệt nhọc trong một năm lam lũ cũng khiến cha mẹ phải mỉm cười mà rằng “rồi cũng qua”.

Cái Tết đối với cha mẹ, lo nhiều hơn vui nhưng vẫn mong chờ. Huống hồ, trẻ nhỏ chỉ có mỗi cái Tết là được nhìn thấy cha mẹ mình không phải tất bật mưu sinh, có thời gian chở con đi thăm ông bà, nội ngoại. Vui biết mấy phải không? Nghĩ tới đó thôi đã hiện ra trước mắt gương mặt trong trẻo cười tươi rói, háo hức đón Tết về rồi. Ấy vậy mà, tối qua hay tin hai cha con nọ mất tích, lòng chùng xuống lạ lùng.

hình ảnh

Một góc cầu Bình Phước 2. Ảnh: mapio

Em đọc được trên Công lý, thấy ghi vào lúc hơn 23 giờ ngày 26/12, người dân tại phường An Phú Đông, Q.12 phát hiện hai đôi dép trên cầu Bình Phước 2. Bên cạnh đó là một lá thư “t.uyệt m.ệnh” để lại. Nội dung trong đó có nhắc đến việc người chồng trách vợ phụ bạc, đồng thời người này cũng gửi lời xin lỗi đến mẹ mình và kèm theo số điện thoại để ai đó có thấy mà liên hệ với gia đình.

Mọi nghi ngờ đang hướng đến khả năng cha ôm con gieo mình xuống cầu. Hiện công tác tìm kiếm hai cha con theo thông tin nhận được vẫn đang được tiến hành nhưng chưa tìm thấy. Nhưng theo thông tin ít ỏi người cha để lại, hiện danh tính của anh được xác định là T.V.H (30 tuổi, quê Nam Định) và người con gái T.D.Y (8 tuổi). Cả hai đều đang ngụ tại Củ Chi.

Người mẹ anh nhắc đến trong thư có cho biết trước khi xảy ra sự việc, anh xin 100 nghìn đồng đưa con gái đi mua trà sữa. Con cháu chưa về nhà thì bà đã nhận được hung tin.

Thông tin đến nay chỉ biết có vậy và việc tìm kiếm vẫn đang tiếp tục khi chưa thấy hai cha con.

Nghe tới đây, người ngoài cũng thấy buồn xót thay, phải không các mẹ!

Đây không phải lần đầu tiên có vụ việc cha con hay mẹ con cùng gieo mình nhưng ở thời điểm nhà nhà đang trông đợi cái Tết đoàn viên, con trẻ đang háo hức thi xong học kỳ I để về quê ăn Tết với ông bà thì sự việc này lại khiến lòng người đau đáu đến quặn lòng các mẹ ạ!

hình ảnh

Đôi dép con đặt cạnh đôi dép cha cùng lá thư để lại. Ảnh: Công lý

Có một số bậc cha mẹ, bản thân sống trong đau đớn nhưng vẫn khát khao được sống. Cũng nhờ có con cái, khao khát được sống ấy càng trở nên mãnh liệt để họ vượt qua được vận hạn hay giới hạn của bản thân, mưu cầu cho gia đình một cuộc sống tốt đẹp hơn ở phía trước dù không ai, không gì hứa hẹn trước với họ “cứ đi rồi sẽ đến”. Nhưng không phải cha mẹ nào cũng đủ sáng suốt để vượt qua khoảng tăm tối nhất trong thời điểm mà cảm xúc rớt đến tận đáy. Chỉ thương những đứa trẻ còn quá nhỏ, phải phụ thuộc vào cha mẹ và cứ thế bị kéo theo hành động của cảm xúc từ cha mẹ mình khi bản thân trẻ còn không biết được rằng đằng sau đó sẽ là dấu chấm hết, kết thúc mãi mãi cho cuộc sống muôn màu đang chờ ở phía trước.

Mẹ là đất, cha là cây, con là cành.

Giáo dục gia đình chưa bao giờ đòi hỏi cha mẹ phải “xuất chúng” mà cha mẹ “bình thường” nhưng với thái độ sống ôn hòa, tâm lý ổn định mới thực sự là điều may mắn lớn nhất đối với con cái.

Trong "Phương pháp nuôi dạy con khoa học của các bà mẹ cố vấn tâm lý" có đoạn ghi: “Nuôi dạy con cái là một quá trình luyện tập và thứ được trau dồi chính là trí tuệ cảm xúc của cha mẹ.”

Trong những vụ việc đau lòng như cha mẹ gieo mình cùng con, nếu cha mẹ biết kiềm chế được cảm xúc của bản thân thì đã không dẫn đến kết cục khiến bao người phải trăn trở về cái gọi là đúng, sai trong hành vi phó mặc cho cảm xúc kiểm soát và chế ngự hoàn toàn.

Đáng buồn là hiếm có cha mẹ nào chịu một lần nhìn lại khả năng quản lý cảm xúc của mình và thiếu năng lực kiểm soát cảm xúc cũng chính là vấn đề chung của nhiều bậc cha mẹ.

Nếu cha mẹ không chú ý đến việc quản lý tình cảm, cảm xúc, về lâu dài không chỉ khiến bản thân chìm đắm trong những suy nghĩ tiêu cực mà còn khiến trẻ bị tổn thương tâm lý nghiêm trọng vì mất mát tình cảm, thậm chí còn đặt các con vào nguy cơ tổn hại đến tính mạng.

Chỉ trong một gia đình mà cha mẹ sống hòa thuận và bản thân mỗi người biết kiểm soát cảm xúc của mình thì trẻ mới có thể đón nhận được bầu không khí gia đình trong lành mà hít thở và lớn lên khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Sau nữa, trách nhiệm bảo vệ con cái an toàn và sống hạnh phúc trong mái ấm gia đình không chỉ của riêng ai, cha hay mẹ mà phải là sự hợp tác của cả hai trong mọi việc. Khi một trong hai là người sai lỗi trong mối quan hệ thủy chung với nhau, tất nhiên sẽ gây tổn thương sâu sắc và làm đảo lộn cuộc sống của người còn lại nhưng nếu mù quáng trong cảm xúc mà lôi kéo con vào câu chuyện của cha mẹ thì đó là một việc làm hết sức sai trái.

Có bao giờ các bố mẹ tìm cho mình khoảng lặng để tự hỏi “Trong tâm trạng tồi tệ của chính mình, tôi đã từng bao giờ coi các con của mình là những cái bao đấm chưa?”