Sự khác biệt giữa những đứa trẻ bị ép học và những đứa trẻ luôn được tự do vui chơi sau 20 năm khiến nhiều người phải suy nghĩ.
Các mẹ nghĩ sao về vấn đề cho con học trước lớp 1? Phải nói là hồi trước em áp lực cái vụ này lắm luôn, bản thân thì vẫn không muốn nhồi nhét con mình quá nhưng chồng và ông bà thì lại nhất quyết bắt phải cho con đi học trước từ sớm vì lo khi vào học rồi con không theo kịp bạn bè. Rất may mắn là giai đoạn đó em được một người chị ủng hộ rất nhiều, em nhớ chị ấy có nói một câu như thế này: “Tuổi thơ con chỉ có một và học không phải là tất cả, học đúng giai đoạn sẽ tốt hơn là ép học và nhồi nhét”. Cũng vì thế mà em bỏ ngoài tai tất cả những lời trách móc của gia đình, nhất quyết không cho con học trước lớp 1. Trộm vía sau đó con đi học vẫn theo kịp các bạn như bình thường, dù đúng là có chậm hơn một chút. Giờ con em lớp 4 rồi và mọi thứ vẫn ổn.
Băn khoăn của em hầu như cũng chính là băn khoăn của rất nhiều mẹ có con chuẩn bị vào lớp 1. Liệu có nên cho con học trước hay không trong khi xung quanh hầu hết phần lớn mọi đứa trẻ đều được bố mẹ thúc giục học đọc, học đếm,… từ trước khi vào Tiểu học. Có nhiều bé rất giỏi, mới 4 tuổi mà đã đọc chữ vèo vèo, tính toán nhanh nhạy như một em bé 6 tuổi. Vậy nếu không cho con học trước mà cứ để con học đúng theo chương trình thì bé có bị thua kém so với bạn bè hay không?
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Parents
Để giải đáp cho thắc mắc này thì em xin chia sẻ một bài viết em đọc được và thấy rất hay. Trong đó, người ta đã thực hiện những cuộc nghiên cứu liên quan đến vấn đề này. Vào năm 1970, Mỹ đã tiến hành một cuộc nghiên cứu dài hạn. Các nhà khoa học đã thu thập thông tin, tiến hành so sánh các nhóm học sinh tốt nghiệp những trường mẫu giáo khác nhau trong suốt nhiều năm và phát hiện ra những kết quả rất thú vị.
Theo đó, nghiên cứu được thực hiện trên các nhóm trẻ từ 3 – 5 tuổi, một nhóm được bố mẹ giáo dục rất kỹ lưỡng về vấn đề học tập. Dù chưa đến tuổi vào lớp 1 nhưng các em đã được uốn nắn một cách cẩn trọng, được luyện viết, đọc chữ, tính toán từ sớm. Nếu học kém, thậm chí các em còn phải chịu những hình phạt nhất định.
Nhóm còn lại là nhóm trẻ được tự do khám phá vui chơi, bố mẹ không tạo áp lực về việc học sớm mà cho con thoải mái chơi đùa. Bố mẹ của những em bé trong nhóm này cũng rất siêng năng đồng hành cùng con trên hành trình vui chơi thoải mái của mình.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Sohu
Sau nhiều năm quan sát, theo dõi, thu thập thông tin và tiến hành so sánh trẻ nhỏ giữa 2 nhóm. Các nhà khoa học đã đưa ra kết luận như sau:
- Vào năm lớp 1: Nhóm trẻ được học trước tiếp thu kiến thức rất nhanh, kết quả học tập tốt. Trẻ cũng đạt được thành tích học tập cao hơn so với nhóm trẻ được vui chơi tự do.
- Vào năm lớp 2: Khả năng tiếp thu giữa 2 nhóm trẻ hoàn toàn như nhau.
- Từ lớp 3 – lớp 5: Nhóm trẻ được hướng dẫn, ép học trước bắt đầu có tỷ lệ tiếp thu kiến thức kém hơn, nhóm này không giữ được thành tích tốt như ban đầu.
- Bậc THCS: Nhóm trẻ được vui chơi tự do phát triển bình thường, không gặp nhiều khó khăn trong học tập và cuộc sống. Trong khi đó, nhóm trẻ học theo hướng dẫn thì ngược lại, bắt đầu có tỷ lệ xuất hiện những hành vi không chuẩn mực cao hơn, gặp khó khăn trong các vấn đề xã hội.
- Sau tuổi 23: Nhóm trẻ được vui chơi tự do phát triển tốt, có đời sống hạnh phúc, thành công hơn. Nhóm trẻ bị ép học dễ bị rối loạn cảm xúc, hay căng thẳng và tỷ lệ phạm tội cũng cao hơn so với nhóm trẻ tự do.
Kết quả này khiến nhiều bậc phụ huynh không khỏi ngỡ ngàng và trăn trở suy nghĩ. Vậy tại sao nhóm trẻ bị ép học sớm thường có tỷ lệ thành công ít hơn so với nhóm trẻ được vui chơi thoải mái từ nhỏ? Lý giải cho điều này, một chuyên gia nghiên cứu tâm lý cho biết ở mỗi giai đoạn, cơ thể và não bộ của trẻ sẽ phù hợp với những quá trình phát triển khác nhau.
Theo đó, trẻ từ 4 – 5 tuổi, lứa tuổi mẫu giáo đang trong thời điểm cần bồi dưỡng cảm xúc, trẻ cần được hướng dẫn khám phá thế giới xung quanh để biết cách học hỏi vấn đề, điều tiết cảm xúc, xây dựng kỹ năng giao tiếp xã hội thay vì bị ép học, nhồi nhét bởi các vấn đề đào tạo học thuật như làm toán, đọc chữ, làm thơ,…
Chính điều này làm cho trẻ bị “quá tải”, dễ tạo ra áp lực, sự căng thẳng và đồng thời cũng tạo ra một lỗ hổng về thế giới quan, sự phát triển về nhận thức. Nói tóm lại, nếu muốn con lớn lên thành công, trở thành một người có ích cho xã hội thì bố mẹ không nên tạo sức ép cho con về những vấn đề quá xa vời so với độ tuổi của trẻ. Hãy cho con có một tuổi thơ đúng nghĩa, dần dần tạo cho con sự hứng thú với việc học thay vì nhồi nhét kiến thức một cách không phù hợp. Chính điều này mới thực sự tốt cho tương lai sau này của trẻ.