Nếu mẹ để ý quan sát khi con lên 3 tuổi, con sẽ thường độc thoại với chính mình, nhất là khi con tự chơi một mình, đây là một biểu hiện bình thường của trẻ mà thôi.

Việc con trẻ tự chơi tự nói một mình đôi khi các bố mẹ không biết lại lo lắng thái quá, sợ con có vấn đề về giao tiếp hoặc não bộ bị hỏng hóc chỗ nào đó. Tuy nhiên bố mẹ nên yên tâm vì đây là một biểu hiện hoàn toàn bình thường khi bé ở độ tuổi này.

Nếu bố mẹ đang gặp trường hợp trẻ 3 tuổi tự nói chuyện một mình mà loay hoay chưa biết nên làm gì với con thì có thể tham khảo thông tin hữu ích dưới đây, giúp bố mẹ giải đáp thắc mắc và yên tâm hơn.

Bé đang phát triển ngôn ngữ bên trong

Ngôn ngữ con người được chia thành 2 phần là ngôn ngữ bên ngoài và ngôn ngữ bên trong. Ngôn ngữ bên ngoài là tất cả lời nói chúng ta dùng để giao tiếp, ngôn ngữ bên trong lại thuộc về suy nghĩ, tư duy thường chỉ ở trong lòng mỗi người.

Tuy nhiên, ở trẻ con, ngôn ngữ thường bắt nguồn từ bên ngoài trước qua cách trò chuyện với bố mẹ. Đến giai đoạn 3 tuổi, trẻ bước vào giai đoạn phát triển ngôn ngữ bên trong, trẻ tự nói chuyện một mình bố mẹ có thể hiểu nôm na là bé đang tự chuyển ngôn ngữ vào suy nghĩ, nhưng vẫn nói ra thành tiếng.

hình ảnh

Bé 3 tuổi tự nói chuyện một mình là trẻ đang phát triển ngôn ngữ bên trong. Ảnh: healtheastday

Hiện tượng trẻ độc thoại thường diễn ra khi trẻ đang chơi hoặc tự làm một việc gì đó. Trẻ sẽ dùng lời nói để tự nói về việc mình đang làm hoặc diễn tả những điều mình đang nghĩ. Trẻ tự nói và tự trả lời chính là cách trẻ đang tự giải quyết các vấn đề của bản thân.

Giai đoạn này, suy nghĩ của trẻ được tập trung vào bản thân và ngôn ngữ là trung tâm. Những gì trẻ tự nói với mình phản ánh suy nghĩ, cảm xúc của trẻ với tất cả sự thư giãn, thoải mái bộc lộ cảm xúc.

Việc trẻ tự nói chuyện chỉ khi trẻ ở một mình hoặc ở với những người không thân thiết, khi đến một nơi xa lạ. Còn khi ở với bố mẹ, tình trạng này rất ít.

Lợi ích khi trẻ nói chuyện một mình

Trẻ tự nói chuyện một mình là một cách trẻ thể  hiện cảm xúc, qua đó giúp tâm trạng trẻ ổn định, thoải mái, vui vẻ.

Khi trẻ nói chuyện với mình, trẻ rèn luyện được tính tập trung cao, giúp cải thiện nhận thức và giúp ích cho quá trình học tập của trẻ.

Như đã nói ở trên, trẻ đang tự chuyển ngôn ngữ bên ngoài vào thành ngôn ngữ bên trong – ngôn ngữ cảm xúc, cách bé tự nói chuyện sẽ giúp bé phát triển ngôn ngữ nhanh hơn.

Trẻ tự mình đặt ra vấn đề và tự mình trả lời trong lúc độc thoại tưởng chừng như ngẫu hứng nhưng đây là lúc trẻ học được cách tự lập giải quyết vấn đề của mình mà không cần đến bố mẹ hỗ trợ.

hình ảnh

Tự nói chuyện với chính mình giúp trẻ tự lập, phát triển ngôn ngữ và giữ tâm trạng luôn vui vẻ. Ảnh: imgur

Bố mẹ cần làm gì?

Tốt nhất bố mẹ không nên làm gì cả, việc trẻ tự nói một mình nằm trong quá trình phát triển của con, không nên tác động hay ngăn chặn. Ngược lại, đây chính là lúc bố mẹ nên yên lặng lắng nghe con nói để hiểu những điều con đang suy nghĩ, điều này rất có ích trong việc dạy con.

Đừng làm phiền con khi con tự nói chuyện với mình nhưng cũng đừng quên giao tiếp, chơi đùa với con sau đó để giúp con càng có nhiều hơn vốn từ ngữ cần thiết. Bố mẹ cứ yên tâm là khi trẻ lớn hơn, ngôn ngữ bên trong phát triển hoàn thiện, trẻ sẽ tương tác với người khác nhiều hơn bằng ngôn ngữ bên ngoài và việc tự nói chuyện sẽ dần biến mất.

Theo QQ