Ít nhất la mắng, nghiêm khắc với con cái vẫn thể hiện sự quan tâm, tương tác, nhưng thờ ơ, lạnh lùng khiến con cảm thấy mình như thừa thải trong nhà.
Hiện nay nhiều bậc cha mẹ không còn đánh, mắng con nữa, rõ ràng là tốt, nhưng một số cha mẹ lại biến việc đánh, mắng thành cô lập, suy diễn, khinh thường và thờ ơ vì bản thân thất vọng vì con, tức giận con mà không biết rằng sự lạnh lùng của cha mẹ sẽ khiến trẻ tổn thương sâu sắc.
Lạnh lùng, khinh thường, xuề xòa, xa lánh và thờ ơ khiến trẻ bị tổn thương về tinh thần và tâm lý. Điều này phá hủy tình yêu thương và sự an toàn trong tâm hồn con, làm con nghi ngờ cha mẹ và gây ra những hành động tiêu cực.
Bỏ con một mình, cha mẹ mải mê lướt điện thoại
Nhiều bậc cha mẹ sẽ rơi vào trạng thái xem tivi hoặc nhìn xuống điện thoại di động, dường như họ đang ở bên con, nhưng thực ra họ đang lơ đãng đối với con cái. Đây là bạo hành lạnh lùng đối với trẻ, còn tệ hơn là không ở bên cạnh trẻ, ảnh hưởng đến sự phát triển ngôn ngữ, phát triển trí tuệ và tâm lý của trẻ. Mỗi khi trẻ ngước nhìn, cha mẹ đang chơi điện thoại, trẻ không cảm nhận được sự quan tâm và yêu thương dành cho trẻ, vì cha mẹ chú ý đến điện thoại di động hơn là trẻ.
Ảnh: pngtree
Cách đúng dành cho cha mẹ: Một khi đã dành thời gian ở cạnh con, hãy tương tác với con, nếu có việc bận hãy nói với con cha mẹ cần làm một số việc, con chơi 1 mình một lát nhé, điều này giúp con hiểu rằng mình không bị bỏ rơi.
Giận trẻ, phớt lờ trẻ
Khi trẻ nghịch ngợm, phạm lỗi, sau khi la mắng mà cha mẹ vẫn còn tức giận, lúc này nhiều cha mẹ chọn cách cố tình không trả lời con như một hình phạt. Trong tình huống này, trẻ có thể nghĩ cha mẹ không còn quan tâm, cần đến mình nữa và không tập trung suy nghĩ về lỗi của chính mình. Hành vi thờ ơ tạo ra một cảm giác bất an và thiếu tin tưởng, làm ảnh hưởng đến mối quan hệ cha mẹ con cái.
Cách đúng dành cho cha mẹ: Nhìn vào mắt con, bình tĩnh nói với con rằng mẹ rất tức giận vì những lỗi lầm vừa rồi của con. Con cần suy nghĩ về việc mình đã làm sai và xin lỗi mẹ. Mẹ vẫn còn rất giận nên mẹ cần thời gian ở một mình để suy nghĩ.
Ảnh: Easyatm
Trẻ xin lỗi nhưng cha mẹ xem nhẹ hoặc không chấp nhận
Cha mẹ chưa hết nóng giận, không kiềm chế được cảm xúc, muốn tiếp tục trừng phạt con cái. Việc trẻ nhận ra lỗi lầm là điều đáng mừng, rất khó khăn với con nên cha mẹ càng phải khuyến khích, có những phản ứng tích cực. Nếu cha mẹ xem nhẹ hoặc cố chấp bắt lỗi sẽ khiến con có cái nhìn sai lầm về việc nhận lỗi, cảm thấy lời xin lỗi không có giá trị như cha mẹ hay dạy nữa.
Cách đúng dành cho cha mẹ: Cha mẹ nên đưa ra phản ứng tích cực kịp thời, nói với trẻ rằng đó là một hành vi tốt khi biết nhận ra lỗi của mình.
Khi trẻ gọi, bố mẹ không đáp lại hoặc trả lời chậm
Nghiên cứu tâm lý từ lâu đã chỉ ra rằng trẻ em cần được cha mẹ phải trả lời trong vòng 7 giây, nếu cha mẹ không trả lời hoặc thời gian trả lời vượt quá 7 giây, trẻ sẽ cảm thấy thất vọng. Nhiều lần bị cha mẹ không trả lời hoặc đáp lại chậm, trẻ sẽ cảm thấy mình không quan trọng đối với cha mẹ. Vừa cảm thấy không nhận được tình yêu, vừa cảm thấy thất vọng, ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của con.
Ảnh: Emol
Cách đúng dành cho cha mẹ: Cha mẹ có thể tương tác với con cái và phản hồi tích cực sẽ tạo ra những đứa trẻ năng động hơn, thông minh hơn và khả năng học hỏi cao hơn. Thay vì không trả lời hãy nói: “mẹ nghe rồi, con chờ mẹ một lát”.
Trả lời cho qua nhưng không chú ý cảm xúc con
Thay vì lắng nghe cẩn thận lời con thì cha mẹ nghe được nửa câu đã ậm ừ biết rồi và cho qua, điều này sẽ khiến con cảm thấy không được thấu hiểu và thất vọng.
Cách đúng dành cho cha mẹ: Lắng nghe con nói hết câu chuyện của mình và trả lời con những câu có nghĩa thay vì ậm ừ cho qua.
Cha mẹ thờ ơ ảnh hưởng lớn đến tâm lý trẻ. Đôi khi việc cha mẹ im lặng chỉ là vì muốn con chịu khuất phục trước những yêu cầu từ cha mẹ, tự nhận ra mình sai và nhận ra quyền lực của cha mẹ, nhưng những điều này chưa bao giờ là ý hay để dạy dỗ một đứa trẻ.
Theo DDN