Siêu âm có LÀM HẠI thai nhi như lời đồn hay không? Mẹ bầu nghe bác sĩ sản giải thích rõ ràng thế này nhé!
Cô em gái em từ khi mang bầu cứ 1, 2 tuần lại đòi chồng đưa đi siêu âm. Nó sang nhà tâm sự với em bảo mẹ chồng nó thấy cứ đi siêu âm liên tục thì sợ cháu bị ảnh hưởng nên mặt nặng mày nhẹ với nó suốt ngày. Em đành bảo:
- Không có hại nhưng cũng đừng nên lạm dụng quá, chỉ nên đi khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ thôi em ạ.
Sự thật là các mẹ bầu ai cũng thích đi siêu âm, thế nhưng việc siêu âm như thế nào để tốt nhất cho cả hai mẹ con thì các chị hãy nghe lời tư vấn của các bác sĩ nhé!
Em có tham khảo một số chia sẻ của các bác sĩ Trần Ngọc Hải, Phó giám đốc bệnh viện Từ Dũ TP.HCM cho rằng: Khoa học chưa có bằng chứng siêu âm gây hại cho em bé. Tuy nhiên, vị bác sĩ này cũng khuyên mẹ bầu không nên lạm dụng việc siêu âm vì không có nghĩa siêu âm là hoàn toàn vô hại đối với thai nhi, đặc biệt là đối với thai dưới 10 tuần tuổi - thời điểm hình thành các cơ quan quan trọng. Vì vậy, mẹ bầu nhớ là chỉ nên thực hiện việc siêu âm khi có chỉ định của bác sĩ.
Bầu nên siêu âm bao nhiêu lần là đủ?
Cũng theo chia sẻ của bác sĩ Hải, có 4 thời điểm mẹ bầu bắt buộc phải đi siêu âm thai. Lịch cụ thể như sau:
Lần 1: Ngay sau khi mẹ biết mình mang bầu. Thường thì đó là vào tuần thứ 4 - 6 của thai kỳ. Lần siêu âm này sẽ cho mẹ biết chính xác mình có mang thai không, thai đã vào tử cung chưa, là thai đơn hay thai đôi và đã có tim thai hay chưa?
Lần 2: Tuần 11 đến 13. Khi mẹ siêu âm vào mốc này, bác sĩ sẽ đo khoảng sáng sau gáy (double test) để dự đoán một số bất thường nhiễm sắc thể (những bất thường này có thể là nguyên nhân gây bệnh Down, dị dạng tim, chi...)
Lần 3: Tuần từ 22 đến 24. Mẹ bầu đi siêu âm ở mốc này sẽ được các bác sĩ cho biết kết quả khảo sát thai có phát triển bình thường hay không qua cột sống, hộp sọ, não, tim, phổi, thận, cánh tay và chân của thai nhi. Ngoài ra, bác sĩ có thể phát hiện sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng ở các cơ quan nội tạng.
Thời gian này đặc biệt quan trọng còn vì những đình chỉ thai nghén chỉ có thể được thực hiện trước tuần thứ 28.
Lần 4: Khi con yêu được 30 đến 32 tuần. Lần siêu âm này bác sĩ sẽ kiểm tra động mạch, tim và một vùng cấu trúc não, dây rốn đủ tốt để vận chuyển dinh dưỡng nuôi bào thai hay không, vị trí của nhau thai và tình trạng nước ối (đục hay trong, nhiều hay ít).
Ngoài 4 mốc này, mẹ có thể đi siêu âm thai nhiều hơn theo tư vấn của bác sĩ.
Sự khác nhau giữa siêu âm 2D, 3D và 4D
Siêu âm 2D được gọi là siêu âm mức độ 1. Kỹ thuật này chỉ cho thấy hình ảnh của em bé dựa trên các sóng âm thanh được bật ra khỏi các đối tượng bên trong của người mẹ mang thai.
Đây là hình thức siêu an toàn nhất vì sóng siêu âm rất nhỏ nên an toàn, không ảnh hưởng đến em bé nên được thực hiện với các bé dưới 112 tuần tuổi. Trong trường hợp mẹ phải đi siêu âm thường xuyên thì bác sĩ cũng thường dùng kỹ thuật này vì nó vừa an toàn lại vẫn cung cấp những thông tin cần thiết.
Siêu âm 3D và 4D: Đây là 2 kỹ thuật siêu âm cho phép mẹ được nhìn thấy con ở nhiều góc độ. Các bố mẹ thích đưa con đi siêu âm này hơn vì nó cho thấy hình ảnh em bé rõ ràng hơn, giống với em bé khi sinh ra hơn và cung cấp nhiều thông tin hơn so với kết quả siêu âm 2D.
Với siêu âm 3D, 4D, việc xác định giới tính thai nhi cũng chuẩn xác hơn. Siêu âm 4D hiển thị một chuỗi các hình ảnh, cho phép các cha mẹ có thể thấy em bé mỉm cười, di chuyển bàn tay và bàn chân hoặc mút ngón tay cái của bé.