"Không ai nhường ghế cho con trai bé bỏng của tôi, và tôi rất giận."

Người già, người tàn tật, phụ nữ mang thai… được xem là những đối tượng ưu tiên khi sử dụng phương tiện công cộng. Nhưng trẻ em thì sao? Liệu một người trưởng thành có nên nhường ghế cho một đứa trẻ đầy năng lượng hay không?

Một người mẹ đã bày tỏ sự bất bình của mình về việc không ai nhường chỗ cho cậu con trai nhỏ của cô trên một chuyến tàu đông đúc.

hình ảnh

Phụ nữ mang thai, người già, người tàn tật, phụ nữ mang theo con nhỏ phải bế trên tay mới được xem là đối tượng ưu tiên, theo quy định trên tàu (Ảnh NM)

Trong video có hơn 2,1 triệu lượt xem , người mẹ trẻ đến từ nước Anh tên Kelly cho biết cô có một bé trai nhỏ. Trong đoạn clip, cậu bé phải ngồi trên sàn tàu ở London vì không còn chỗ trống nào khác.

“Tất cả những người này đang nhìn con tôi ngồi trên sàn ở khu vực ghế ưu tiên! Không ai nhường ghế cho con trai bé bỏng của tôi, và tôi rất giận”

Chuyến tàu mà Kelly đang đi có tên là Southern Rail Train, và trẻ em dưới 5 tuổi được miễn phí vé. Trên trang web của đường sắt, quy định ghi rõ một người lớn có thể mang theo tối đa 2 bé dưới 5 tuổi không tốn tiền vé, tuy nhiên chúng chỉ có thể sử dụng chỗ ngồi nếu hành khách khác có vé không cần đến. Không thì sẽ ngồi cùng chỗ với người đi cùng. Kelly cho biết khi lên tàu cô cũng không có chỗ ngồi, vì thế hai mẹ con phải ngồi trên sàn tàu trong suốt quá trình di chuyển. Người mẹ cho rằng những người đang ngồi trên ghế ưu tiên kia phải nhường chỗ cho con trai của mình, bởi vì dù sao trẻ nhỏ cũng không khỏe mạnh bằng người lớn.

hình ảnh

Mẹ không vui vì con phải ngồi bện dười sàn suốt chuyến đi (Ảnh NM)

Tuy nhiên, việc bà mẹ phàn nàn không ai nhường ghế cho con mình cũng không hẳn nhận được nhiều đồng tình. Họ cho rằng đứa trẻ đã được miễn phí vé, và việc tìm chỗ ngồi là trách nhiệm của người mẹ chứ không phải của xã hội. Một số người cho biết nếu mua vé đặt chỗ trước, tức là giá cao hơn, thì cả hai mẹ con sẽ có chỗ ngồi cố định.

Cư dân mạng bình luận:

“Trẻ em không được ngồi ghế ưu tiên. Chỉ có người tàn tật, phụ nữ mang thai, người già hoặc trẻ sơ sinh mới được thôi”

“Sao chị không đặt vé trước và có chỗ ngồi, tại sao chị nghĩ con trai mình lại đáng được ưu tiên? Chị là mẹ thằng bé chứ đâu phải mẹ thiên hạ?”

“Không có vé ngồi trên sàn, người có vé ngồi trên ghế, chuyện đó bình thường mà”

“Hôm trước tôi còn gặp một bà mẹ và con đang ngồi ở chỗ của tôi, kế cửa sổ trên máy bay. Tôi biết thế nào chị ta cũng lý do lý chấu, nếu tôi không đổi chỗ thế nào cũng bị đánh giá. Nhưng tôi đã nghĩ ra mẹo này, đầu tiên tôi tiến đến mở lời, dĩ nhiên là chị ta phòng thủ vì chị ta biết rằng đang ngồi ghế nhầm chỗ. Nhưng tôi không nói ngay đâu, tôi bảo rằng tôi rất thích ghế gần cửa sổ nên liệu chị ta có thể đổi chỗ không. Đương nhiên chị ta lắc đầu, sau đó tôi giả vờ xem vé và bảo, ơ chị đang ngồi ở chỗ của tôi đây này. Mà chị ta đã từ chối tôi 1 lần, nên đương nhiên làm sao mở miệng xin xỏ được nữa. Thế là tôi đã lấy lại chỗ ngồi của mình mà không mang tiếng”

“Rồi sao, ý chị là gì, con chị nó ngồi trên sàn nên sau này nó bị sang chấn tâm lý hả?”

hình ảnh

Người mẹ cho rằng những người có vé nên nhường chỗ cho con mình (Ảnh NM)

Tuy nhiên, một số đã ủng hộ Kelly và con trai, đồng ý rằng việc không nhường ghế cho trẻ nhỏ là một hành vi cư xử kém. Họ nói:

“Những ai đang chỉ trích bà mẹ này thật sự có vấn đề. Nếu là tôi thì tôi sẽ nhường chỗ cho bé, mặc dù tôi đã trả thêm để có ghế ngồi cố định”

 “Các bạn nói rằng 'những chiếc ghế đó dành cho người lớn tuổi', một nửa số người đó không phải là người lớn tuổi. Tôi sẽ nhường chỗ cho một bà mẹ có con nhỏ, đó chính điều cha mẹ thôi thường dạy tôi.”

Đây không phải là lần đầu tiên các ông bố bà mẹ bị phản ứng về việc chăm sóc con mình trên các  phương tiện truyền thông xã hội. Tháng 11 năm ngoái, cha mẹ của một đứa trẻ mới biết đi đã phàn nàn sau khi họ để con mình chạy lung tung trong chuyến bay kéo dài 8 giờ. Vào tháng 12, một phụ nữ khác đã từ chối đổi chỗ cho một phụ nữ đi cùng trẻ nhỏ, và đứa trẻ đó cuối cùng đã nhoài lên người cô trong suốt chuyến bay, chỉ để xem khung cảnh bên ngoài. Thực ra khi tham gia các phương tiện công cộng, trẻ em thường không nhận thức các quy tắc rõ ràng như người lớn. Những bậc cha mẹ sớm dạy dỗ con về cách hành xử sẽ thoải mái hơn khi đưa con đi cùng, với những người lạ ngồi xung quanh. Hoặc chính cách hành xử của bậc cha mẹ khiến người bên cạnh khó chịu chứ không phải là tiếng khóc, sự nghịch ngợm của con họ. Chẳng ai nỡ bực tức một người mẹ có con nhỏ đang gào khóc trên máy bay, nhưng nếu người mẹ thay vì dỗ dành con lại la hét, tru tréo thì sự khó chịu sẽ tăng lên. Hay các bậc cha mẹ với câu cửa miệng “trẻ con biết gì”, “con nít mà để lớn rồi dạy”…, cũng khiến người xung quanh khó chịu không kém.