Trên thực tế thì bệnh thủy đậu có rất nhiều biểu hiện nhầm lẫn với bệnh tay chân miệng ở trẻ em. Việc phân biệt hai căn bệnh này có thể giúp cha mẹ đưa ra phương án điều trị kịp thời cho trẻ, tránh biến chứng về sau.

Phân biệt bệnh thủy đậu và tay chân miệng ở trẻ em | Vinmec


Đối với bệnh thủy đậu thì khi bệnh sẽ được chia làm 3 giai đoạn. Trong thời kỳ ủ bệnh từ 14 đến 17 ngày thì không có dấu hiệu rõ ràng để nhận biết. Trong thời lỳ khởi phát thì trẻ sẽ có biểu hiện sốt, nhức đầu, đau mỏi cơ,... nhưng cũng có rất nhiều trường hợp trẻ em mắc bệnh không có dấu hiệu. Đặc biệt, bệnh thủy đậu ở trẻ em thường không có dấu hiệu cảnh báo bệnh. Đến thời kỳ toàn phát thì những ban dát màu đỏ sẽ hình thành trước rồi mới thành nốt phỏng nước trong, rất nông như đặt trên mặt da sau vài giờ.


Sau đó 1 đến 2 ngày thì các nốt sẽ ngả màu vàng, có hình cầu nổi trên mặt da 2mm và mọc rải rác toàn thân kể cả chân tóc và trong miệng nhưng sẽ không nổi ở lòng bàn chân, bàn tay. Sau 4 đến 6 ngày thì các mụn nước sẽ vỡ ra khô lại, bong vẩy và dần hồi phục nếu không có biến chứng nguy hiểm.


Đối với bệnh tay chân miệng thì trẻ sẽ có biểu hiện sốt, đau họng và nổi ban có bọng nước với thời kỳ ủ bệnh là từ 3 đến 6 ngày. Trong giai đoạn khởi phát, trẻ sẽ sốt, mệt mỏi, đau họng, bị tổn thương, đau rát ở răng và miệng, chảy nước bọt nhiều, có dấu hiệu biếng ăn và đặc biệt là tiêu chảy nhiều lần trong ngày.


Trong thời kỳ toàn phát thì trẻ bắt đầu bị phát ban dạng phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông. Các bóng nước này có đường kính 2 – 10mm, màu xám, hình bầu dục và mọc lồi hoặc ẩn dưới da, khi sờ vào có cảm giác cộm nhưng không đau, không ngứa. Ngoài ra, trẻ còn xuất hiện các bóng nước có đường kính 2 – 3mm ở niêm mạc má, lợi và lưỡi. Nếu vỡ thì chúng sẽ tạo thành các vết loét khiến trẻ gặp khó ăn trong khi ăn và quấy khóc nhiều.


Bên cạnh đó, khi trẻ bị tay chân miệng cũng xuất hiện sự rối loạn tri giác, mê sảng, co giật. Với những trẻ ở thể bệnh nhẹ thì sẽ hồi phục sau 7 đến 10 ngày. Còn trong trường hợp trẻ sốt cao trên 39 độ C hơn 48 tiếng không giảm kèm theo các triệu chứng ói mửa, tay chân run rẩy, co giật, tim đập nhanh, khó thở, da nổi vằn thì cha mẹ cần ngay lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế điều trị.