Sự thân mật tạo ra không gian vô hình, nơi mà người ta có dư tự tại để thể hiện tất cả bản thân mình. Đáng tiếc, những bà mẹ sau sinh lại bị cướp mất đi sự thân mật với cha của con mình vì nhiều lý do.

Trong bóng tối đặc quánh phảng phất mùi tanh sữa mẹ, em ngồi đó dành thời gian nghỉ ngơi quý giá của một bà mẹ sau sinh để tra toàn bộ các tin nhắn, cuộc gọi trong điện thoại của chồng. Hôm nay anh ấy gọi cho ai? Có những ai gọi cho anh ấy? Danh sách cuộc gọi nhỡ, cuộc gọi đến và cuộc gọi đi có nằm trong danh bạ của chồng không? Dạo gần đây anh ấy có đặc biệt thường trò chuyện với ai đó không? Trên facebook, anh ấy có hay thả tim hay tag người nào đó đặc biệt hay không?

hình ảnh

Ảnh minh họa

Em chăm chú vào mớ danh sách, tài khoản của chồng từ điện thoại rồi tự hỏi Cô Khách Hàng em thấy anh ta đi cùng hôm kia có gì hơn em không? Em sinh xong, con cái bề bộn thế này có thua kém gì với người ta không? Liệu chồng em thích cô ta điểm nào không? Những người con gái bên cạnh chồng em có xinh đẹp và giỏi giang hơn em không?

Và rồi, từ những câu hỏi không có bắt đầu và không kết thúc ấy, một ý nghĩ trong đầu em lóe lên “Trời ơi, có phải chồng mình đã ngoại tình rồi không?” Ấy thế mà, một câu hỏi lại để xác nhận cũng không và cứ thế, em bắt đầu ủ rũ.

Bạn bè quanh em, nhìn em với ánh nhìn ngưỡng mộ bởi em có một anh chồng phong độ, giỏi kiếm tiền, nhà cửa, xe cộ không thua kém ai. Nhưng trong lòng em, nỗi bất an và lo lắng mãi nơm nớp. Em không có đủ can đảm tâm sự với bạn bè những ý nghĩ xuất hiện trong đầu mình và thói quen trộm xem điện thoại của chồng ngày một thành chứng nghiện.

Không còn ai để trút bỏ, ngày ngày, em đợi chồng về và đay nghiến. Không phàn nàn chồng bỏ bê, chẳng màng ở nhà phụ vợ con thì cũng nhai đi nhai lại chuyện đi sớm, về khuya, ngoại tình. Em trở nên như một người khác, đa nghi, dại dột và bóp nghẹt chồng cả những phút hiếm hoi nghỉ ngơi bên vợ con.

hình ảnh

Ảnh minh họa

Hôm qua, sau trận cãi vã với chồng để truy cho ra người bí ẩn mà em nghi ngờ, em đã rút hơn 50 triệu vung tay mua sắm đồ hiệu. Trước nay, em vẫn là người mẹ tằn tiện, chắt chiu. Dù chồng làm ra nhiều tiền nhưng một đồng mua sắm cho mình, em cũng quy ra tiền sữa, tiền tã của con để dặn bản thân đừng phung phí. Ấy vậy mà chỉ để dằn mặt chồng, em bất chấp hết, chơi một vố tất tay cho bõ.

Mớ đồ hiệu mua xong, chẳng buồn gỡ mạc, xé tem, em vứt vào một xó.

Em ngồi đó, khóc rấm rứt, khóc tức tưởi, át luôn cả tiếng khóc nghiến đòi mẹ của đứa con nhỏ chỉ mới tròn 7 tháng.

Chồng em nghe giúp việc gọi điện cầu cứu, chạy vội về nhà. Anh ta ôm lấy em và luôn miệng “xin lỗi” dù không hiểu trong đầu vợ mình đang nghĩ những gì.

Cơ thể gầy gò như hợp cạ với hai đôi mắt sâu hõm ấy bỗng mềm ra, không còn sức để mà gồng nữa.

hình ảnh

Ảnh minh họa

Những bà mẹ sau sinh như em bị tổn thương bởi tâm lý sợ bị bỏ rơi. Tâm lý ấy khiến em trở nên mất khôn ngoan và hành xử thiếu lý trí.

Em trở nên giống như đứa trẻ bị tổn thương, lúc nào cũng cảm thấy không được yêu thương và liên tục cầu xin tình yêu. Nó khiến em khổ sở, cũng khiến chồng em hãi sợ.

Nhưng có bao nhiêu người có được những mối quan hệ thân thiết dựa trên những nỗi sợ hãi và bất an như vậy nếu đó không phải là vợ chồng?

Nhà trị liệu hôn nhân và gia đình nổi tiếng thế giới Esther Perel nói: “Sự hài lòng về cảm xúc đến từ việc bạn có yêu và chấp nhận bản thân hay không.”

Đáng tiếc, sau sinh là thời điểm nhạy cảm và đôi khi nội hàm của cái gọi là "yêu bản thân" nó cũng không còn vẹn nguyên bởi nó là lúc xuất hiện trạng thái tâm lý phức tạp có được từ nhiều yếu tố cộng hưởng.

Từ một người vợ tin tưởng chồng có thể trở nên đa nghi và ghen tuông quá mức.

Từ một người trầm lặng trở nên cáu gắt, nổi đóa.

Từ một chuyện nhỏ trong sinh hoạt vốn có thể giải quyết bằng lời nói nhưng vì lời nói đó không được thốt ra mà có thể trở thành "sát nhân" thầm lặng giết chết những cảm xúc đẹp đẽ của người đang được làm người mẹ mới.

Nhưng sau tất cả, những người chồng, người thân nếu hiểu được điều gì đã xảy đến với người phụ nữ sau sinh đều sẽ nhận ra rằng phụ nữ sau sinh xứng đáng được yêu thương ngay cả khi họ thiếu sót và hành động, nói năng quá quắt. 

Có 3 lý do phổ biến có thể dẫn đến tâm lý hỗn loạn của người mẹ sau sinh:

1. Lý do đến từ công việc: Vì thương con, vì không ai chăm con mà người phụ nữ đành phải tạm hoãn hoặc từ bỏ công việc mà mình yêu thích và dành cả thanh xuân để phấn đấu đạt được.

2. Lý do đến từ mẹ chồng: Ít nhiều mâu thuẫn do khoảng cách thế hệ, quan niệm chăm sóc một đứa trẻ sẽ xuất hiện trong khoảng thời gian nhạy cảm này nếu mẹ chồng không tinh ý chịu nghe và hiểu cho con dâu.

3. Lý do đến từ chồng: Đàn ông cho rằng anh ta ra ngoài gánh vác công việc, lo kinh tế gia đình nghĩa là đã gánh lấy phần nặng nề nhất. Vì vậy khi về đến nhà, anh ấy chỉ muốn được hưởng thụ với một người vợ có thể chiều ý chồng bất cứ lúc nào; một gia đình không có tiếng đàn bà bực dọc, la lối để tâm trí được nghỉ ngơi. Tình trạng trầm cảm sau sinh mà họ biết đến đôi khi, với họ chỉ là trò nhõng  nhẽo vớ vẩn của đàn bà, không đáng quan tâm.

Nhưng không, trầm cảm sau sinh chưa từng là trò diễn mè nheo của người phụ nữ sau sinh. Đó là một căn bệnh có thật mà ngay chính người bệnh đôi khi cũng mặc cảm, ngại nói ra triệu chứng với những người thân xung quanh mình. Những bà mẹ sau sinh bị trầm cảm đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc cực đoan và có thể gây nguy hiểm cho chính mình hoặc cho con họ.

Gia đình, người thân, đặc biệt là người chồng, nếu nhận thức được sự nguy hiểm của trầm cảm sau sinh hãy kịp thời quan tâm, tạo cho người mẹ một môi trường yên tĩnh, thoải mái và đừng quên chế độ dinh dưỡng phù hợp để phục hồi cơ thể sau sinh. Nếu đã tạo mọi điều kiện nhưng tình trạng bệnh vẫn nghiêm trọng thì nên đến bệnh viện để điều trị kịp thời để tránh thảm kịch.