Chị NTTH (34 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) đưa 3 người con đến Viện Pasteur TP.HCM để tiêm vaccine ngừa bệnh bạch hầu vào ngày 11-7. Chị H cho biết vì các con được nghỉ hè nên gia đình tính sắp tới cả nhà đi du lịch.
Người đến tiêm vaccine bạch hầu tăng đột biến
Cùng ngày, anh LVT (41 tuổi, ngụ quận Gò Vấp) cùng vợ đến Viện Pasteur TP.HCM để tiêm vaccine bạch hầu. Anh T chia sẻ lâu nay không nghĩ đến việc tiêm vaccine này, nhưng nghe có nhiều ca mắc bạch hầu nên cảm thấy lo lắng.
Do các con đã tiêm vaccine 5 trong 1 (có chứa thành phần bạch hầu) nên hôm nay chỉ vợ chồng anh T đi tiêm. May mắn vợ chồng anh được tiêm những liều vaccine bạch hầu cuối cùng tại viện này. Những người đến sau không được tiêm vì tạm hết vaccine.
Bà NTV (56 tuổi, ngụ TP Thủ Đức), cho hay ngay sau khi có thông tin bệnh bạch hầu xuất hiện, con gái bà đã chở đến Viện Pasteur TP.HCM để tiêm vaccine. Nhưng khi bà đến nơi thì tạm hết vaccine, đành quay về.
Theo bác sĩ Đinh Văn Thới, Trưởng phòng khám Tiêm chủng Viện Pasteur TP.HCM, trong ngày 9, 10 và 11-7, số người đến tiêm ngừa vaccine bạch hầu tăng đột biến. Trước đó, mỗi ngày viện chỉ tiếp nhận khoảng 10-15 lượt, nay tăng lên khoảng 100-130 lượt.
“Vì nhu cầu tiêm vaccine tăng vọt nên tính đến đầu giờ chiều 11-7 chỉ tiêm được vài trường hợp, sau đó viện tạm hết vaccine bạch hầu. Viện đang khẩn trương mua sắm vaccine bạch hầu để đáp ứng nhu cầu của người dân” - bác sĩ này cho hay.
Không nên quá hoang mang
Trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh bạch hầu. Vì vậy, khi trẻ từ 2 tháng tuổi nên tiêm ngừa.
Trẻ nhỏ thường được tiêm vaccine 5 trong 1 (bạch hầu - uốn ván - ho gà - viêm gan B - HiB) hoặc 6 trong 1 (bạch hầu - uốn ván - ho gà - bại liệt - viêm gan B - HiB).
Với trẻ lớn và người lớn, có thể sử dụng các vaccine 4 trong 1 (bạch hầu - uốn ván - ho gà - bại liệt), vaccine 3 trong 1 (bạch hầu - uốn ván - ho gà), vaccine 2 trong 1 (bạch hầu - uốn ván).
Lưu ý, cần tuân thủ lịch tiêm chủng theo hướng dẫn của bác sĩ để bảo đảm hiệu quả bảo vệ tối ưu và lâu dài.
Đối với phụ nữ mang thai nên tiêm 1 liều vaccine bạch hầu - uốn ván - ho gà trong thời gian từ 27 đến 36 tuần thai để bảo vệ bản thân và có kháng thể truyền cho con, bảo vệ bé những tháng đầu đời.
“Người dân không nên quá hoang mang về bệnh bạch hầu mà quên đi việc tiêm vaccine ngừa những bệnh truyền nhiễm khác.
Để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm hiệu quả, mọi người nên gặp bác sĩ để được tư vấn từng trường hợp cụ thể trong tiêm vaccine phòng ngừa bệnh” - bác sĩ Thới khuyến cáo.
PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, nguyên Trưởng khoa Y tế công cộng Trường Đại học Y dược TP.HCM, cho biết tiêm chủng vaccine bạch hầu là cần thiết cho trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn chưa tiêm chủng đủ.
Theo bác sĩ Dũng, số liệu các nghiên cứu cho rằng miễn dịch bảo vệ khỏi bệnh bạch hầu là kéo dài, thời gian bán hủy của kháng thể là 27 năm. Một nghiên cứu khác cho thấy vaccine bạch hầu có hiệu quả bảo vệ đến hơn 40 tuổi. Tuy nhiên hiện vẫn chưa có bằng chứng cho rằng nhóm người cao tuổi cần phải tiêm nhắc lại vaccine bạch hầu.
Vaccine bạch hầu cũng không cần thiết cho phụ nữ mang thai. Sở dĩ tiêm vaccine có thành phần bạch hầu cho phụ nữ mang thai vì vaccine đó có thành phần uốn ván, mà phụ nữ mang thai cần được phòng ngừa uốn ván.
Ngoài ra, bác sĩ này nhấn mạnh khi có dịch bạch hầu xảy ra, ngay cả người tiếp xúc với ca bệnh bạch hầu nhưng đã tiêm ngừa đủ thì cũng không cần tiêm nhắc lại. Chỉ tiêm vaccine bạch hầu cho người chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều.
“Tuổi nào cũng cần tiêm vaccine nhưng không có nghĩa vaccine nào cũng phải tiêm trọn đời. Không nên hoang mang, lo lắng thái quá về việc tiêm vaccine khi có một dịch bệnh nào đó xảy ra. Điều này vô tình làm quên đi việc phòng ngừa những bệnh khác.
Sức khỏe là toàn diện, nó không chỉ mỗi bệnh bạch hầu mà còn các vấn đề thể chất khác như các bệnh truyền nhiễm khác, bệnh tim mạch, ung thư” - bác sĩ Dũng nhận định.
Nguồn tin: Báo Pháp luật TP.HCM