Báo cáo Thực trạng Dân số thế giới năm 2020 ước tính Việt Nam sẽ thiếu hụt 40.800 trẻ sơ sinh gái mỗi năm.
Đây là một thực trạng đã được báo động cách đây nhiều năm. Nguyên nhân chính của việc thiếu hụt 40.800 trẻ sơ sinh gái mỗi năm xuất phát từ tư tưởng trọng nam khinh nữ, vốn tồn tại trong truyền thống văn hóa bao đời nay ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Thật ra chuyện lựa chọn giới tính thai nhi khá phổ biến. Nói đâu xa các mẹ ơi, trong dòng họ mình cũng có nè. Mấy đứa em họ mình hầu hết không muốn sinh nhiều con, chỉ muốn một con nhưng phải là con trai. Thế là nó lên mạng tìm kiếm các cách sinh con trai như ăn uống, canh thời điểm trứng rụng… Nói chung chẳng biết bằng cách nào đó tụi nó toàn sinh con trai thôi. Còn mình không canh gì cả vì mình nghĩ con gì cũng là con. Mình sinh được 2 cô con gái. Về quê nhiều khi cả họ kéo đến ăn uống, bọn nó cứ chọc vợ chồng mình là không biết đẻ con, toàn sinh vịt giời. Chồng mình cứ tủm tỉm: con gái bây giờ có giá lắm đấy các cô chú ạ.
Mà đúng đấy các mẹ, nếu mỗi năm cứ thiếu hụt 40.800 trẻ sơ sinh gái như thế này thì đảm bảo nhiều năm sau, các mẹ có con gái tha hồ mà chọn rể “ngon lành”. Đùa thôi, nhưng thực tế là coi chừng lại giống như các nước láng giềng, phải đi “nhập khẩu vợ” cho con trai thì khổ. Chuyện này không sớm thì muộn cũng xảy ra nếu tỷ lệ giới tính khi sinh chênh lệch quá nhiều giữa bé trai và bé gái như hiện nay. Các mẹ biết không, tỷ lệ giới tính khi sinh năm 2019 là 111,5 bé trai được sinh ra trên 100 bé gái, trong khi tỷ số “tự nhiên” là 105 bé trai/100 bé gái.
Nguồn ảnh: sohu
Hiện nay, để hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính đang ngày càng nghiêm trọng, nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho những gia đình sinh con gái một bề. Tuy nhiên, việc hỗ trợ này không áp dụng đại trà, chỉ hướng đến một số đối tượng như:
- Thuộc hộ nghèo, cận nghèo;
- Là người dân tộc thiểu số vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn;
- Đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo;
- Khi hết tuổi lao động nhưng không có lương hưu.
Mỗi gia đình sẽ được hỗ trợ 1,6 triệu đồng. Nếu mẹ nào thuộc một trong 4 đối tượng trên thì có thể đến ủy ban nhân dân nơi mình cư trú để xin nhận hỗ trợ nhé.
Nguồn ảnh: parent
Hiện nhà nước mình đặt ra mục tiêu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2025 là phải đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng. Thế nhưng mình nghĩ ý thức của mỗi gia đình sẽ quyết định điều này trước hết. Con nào cũng là con các mẹ ạ, con trai hay con gái đều quý. Chứ nếu xảy ra việc mất cân bằng giới tính kéo dài sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy lắm.
Tác động tiêu cực nhất là đàn ông trưởng thành sẽ khó kiếm vợ, đặc biệt là đối với những trường hợp nghèo khó, trình độ học vấn thấp, từ đó dẫn đến độ tuổi kết hôn ở nam giới muộn hơn.
Nam giới kết hôn muộn sẽ gặp các rắc rối về mặt tâm sinh lý, tăng nguy cơ bệnh tật khi mà các nhu cầu tâm lý, tình cảm, sinh lý không được đáp ứng. Việc này còn làm gia tăng các tệ nạn xã hội như mại dâm, buôn bán phụ nữ, trẻ em; là cơ hội để lan truyền các bệnh nguy hiểm như HIV, giang mai, sùi mào gà…