Con phải học ngành mà mẹ muốn để sau này có được thu nhập cao, còn ước mơ chỉ là thứ viễn vông vô thực. Chính suy nghĩ áp đặt này của người mẹ đã trói buộc một cuộc đời 30 năm cho đến ngày tự tìm lối thoát theo cách thật xót xa.

"Tôi tên là Dương Viên Viên. Tôi 30 tuổi. Tôi có một người mẹ rất yêu thương tôi và một người em trai vừa xuất sắc lại vừa hiểu chuyện. Tôi rất yêu gia đình mình. Trong giấc mơ của mình, tôi hy vọng có thể để họ sống cuộc sống tốt nên tôi đã học hành chăm chỉ. Trúng tuyển vào Đại học Vũ Hán, tôi đã nghĩ cuối cùng mình cũng có thể để gia đình mình có được một cuộc sống tốt, nhưng 8 năm trôi qua, tôi bắt đầu tự hỏi mục đích sống của tôi là gì.”

Những dòng tự sự của Dương Viên Viên trước khi qua đời vào 9 giờ sáng ngày 26 tháng 11, năm 2009 đã mở ra một câu chuyện giáo dục đau lòng từ cái nôi gọi là gia đình. Đó là hồi chuông khiến hàng triệu bậc phụ huynh ở mọi thời đại phải luôn tỉnh táo trước mê lực của ham muốn dồn ép con phải sống theo đường hướng mà bậc sinh thành đã đặt sẵn.

Đây là câu chuyện về cuộc đời của cô gái Dương Viên Viên theo một bài viết trên Sohu.

Sự mất mát lớn lao và chuỗi ngày chịu đựng lời than vãn của mẹ

Năm 1979, Dương Viên Viên chào đời trong một gia đình nhỏ, ấm áp tại Nghi Xương, Hồ Bắc, Trung Quốc. Cô được cha rất mực thương yêu.Từ trong cái tên ông đặt cho con gái đã thấy được kỳ vọng tương lai con sẽ trở thành người giỏi giang, kiếm được nhiều tiền và sống một cuộc sống tốt đẹp.  

hình ảnh

Ảnh: Sohu

Hai năm sau, em trai Shun Shun của Viên Viên ra đời. Ngôi nhà nhỏ bốn người có thêm tiếng cười trẻ con càng muôn phần hạnh phúc.

Cha của Viên Viên là hình mẫu trong lòng các con. Ông tốt nghiệp Đại học Công nghệ Hóa học Bắc Kinh và là một con người ưu tú. Trong tâm trí của Viên Viên, cha là tượng đài đáng ngưỡng mộ. Cô bé nuôi ước mơ sau này trở thành một tài năng kiệt xuất và sống có ích cho xã hội như cha đã từng.

Từ nhỏ, Viên Viên đã đạt những tích xuất sắc trong học tập và được cha kỳ vọng sẽ làm nên chuyện lớn. Nhưng số phận trớ trêu, đến năm 1986, khi Viên Viên lên 6 và em trai chỉ mới 4 tuổi, bố cô đột ngột qua đời vì bệnh gan.

Sau khi gia đình mất đi trụ cột, tất cả gánh nặng đổ hết lên đầu người mẹ Wang Ruiling. Ngày nào cũng như ngày nấy, bà phải thức khuya, dậy sớm, làm quần quật để nuôi hai con ăn học. Vốn chỉ mới tốt nghiệp trung học cơ sở, không có chuyên môn, bà chỉ có thể xin được một chân chạy vặt trong nhà máy. Công việc vất vả khiến một người vốn hoạt bát, vui vẻ hưởng thụ trở thành người cọc cằn, hay cằn nhằn. Một thời gian, mẹ của Viên Viên còn bị rơi vào trầm cảm. Cả hai chị em Viên Viên và Yuan Yuan lại là những đứa trẻ nhạy cảm, chúng đều cảm nhận được sự bất lực và chán chường của mẹ. Bản thân Viên Viên đã tự giác làm hết việc nhà để đỡ đần mẹ nhưng trong vô thức, bà lúc nào cũng ca thán về cuộc sống và than vãn khó khăn trong việc nuôi dạy con khiến những đứa trẻ luôn phải tự dằn vặt.

Một lời mẹ nói ra làm thay đổi vĩnh viễn cuộc đời của nữ sinh học giỏi

Năm 1998, Viên Viên thi đậu đại học với thành tích xuất sắc. Từ nhỏ nuôi ước mơ trở thành người có ích cho xã hội, Viên Viên luôn theo đuổi để trở thành luật sư nên đã đăng ký theo học khoa Luật của Đại học Hàng hải Đại Liên. Thế nhưng khi biết ý định của con gái, mẹ cô đã khóc lóc, than thở: Đại Liên xa như vậy, con đến đó học thì mẹ biết phải làm sao? Sao con không chọn trường gần hơn. Còn nữa, luật sư thì có thể kiếm được bao nhiêu tiền. Học kinh doanh không phải kiếm bộn sao?

Không rõ ước mơ làm luật sư quá rẻ mạt, hay là lời của mẹ khi ấy quá nặng nề mà Viên Viên đành phải gác lại ước mơ từ tấm bé, đăng ký vào khoa Quản lý kinh doanh của Đại học Vũ Hán.

Ở ngưỡng cửa vào đời, thời điểm quan trọng nhất, lựa chọn mang tính quyết định không do người có khả năng thực hiện đưa ra, cũng không phải do người có điều kiện thực hiện chọn lựa mà được áp đặt bởi người mẹ ít học, không màng quan tâm đến ước mơ của con là gì. Cú sốc đầu đời của Viên Viên về gia đình đã khởi đầu như thế và âm ỉ kéo dài chuỗi bi kịch của một nữ sinh học giỏi.

Mặc dù phải miễn cưỡng, Viên Viên vẫn rất thương mẹ. Cô đến Đại học Vũ Hán, hít thở không khí trong lành trong khuôn viên ký túc xá và nghĩ rằng cuộc đời mình cứ thế sẽ bình yên trôi qua và biết đâu sẽ tìm được tình yêu của mình.

Bất ngờ, vào một ngày đẹp trời năm hai đại học, mẹ của Viên Viên kéo lê hành lý đến trường gặp con gái và một mực đòi sống cùng con ở ký túc xá. Hóa ra vì nhà máy chuyển đi, bà không muốn về lại căn nhà cũ nát nên tìm nơi ẩn náu. Đến lúc này, Viên Viên thật sự đã rất sốc.

Bị đặt vào tình huống khó xử khi ký túc xá vốn chỉ dành cho sinh viên lưu trú, mẹ đột ngột lên không báo trước lại lấy cớ “nhà mình nghèo” để đeo bám con mà không nghĩ ở vào vị trí đó, dưới con mắt bạn bè xung quanh, con gái của mình sẽ trở nên “sinh vật lạ” thế nào.

Một lần nữa, vì thương mẹ, dù ý thức cao, Viên Viên vẫn phải chấp nhận. Trường Đại học Vũ Hán, sau khi xét thấy hoàn cảnh khó khăn của sinh viên tài năng đã cố gắng sắp xếp chỗ ở cho hai mẹ con. Không nói ra cũng hiểu, trong mắt các bạn sinh viên khác, cái nghèo biến Viên Viên trở nên đáng thương hại làm sao.

Nhưng mọi chuyện không êm xuôi như vậy. Là một sinh viên nghèo, Viên Viên không chỉ phải gồng học phí của mình mà còn bao luôn sinh hoạt phí của mẹ và bao nuôi cả đứa em trai. Thời gian gồng gánh cho đến lúc tốt nghiệp, Viên Viên đã phải đánh liều vay một khoản nợ 3.970 nhân dân tệ từ nhà trường.

Khoản nợ này, một người tốt nghiệp đại học từ trường danh tiếng phải mất ít nhất 5 năm mới trả nổi. Viên Viên phải xoay xở với nợ nần không cách nào tốt nghiệp đúng hạn. Cô phải làm nhiều công việc khác nhau từ kế toán, đến giảng viên tiếng Anh, bán bảo hiểm... nhưng không có bằng tốt nghiệp đại học, không khác gì với một học sinh trung học và nỗ lực đến mấy cũng chỉ nhận được chút đồng lương ít ỏi. 

Phải trả đống nợ đã vay, nuôi em, nuôi mẹ, 5 năm sau khi ra trường, Viên Viên sống trong cảnh nghèo khó, thuê một căn nhà nhếch nhác, chật chội chỉ đủ kê một chiếc giường, phải dùng chung điện thoại với mẹ và không chút hy vọng về tương lai chứ đừng nói sẽ tìm được tình yêu cho mình.

Tằn tiện và vắt kiệt sức để kiếm tiền, cuối cùng Viên Viên cũng trả được số nợ vay của trường từ thời đại học. Nhưng thời gian không chừa một ai, lúc này cô đã chạm ngưỡng 30 tuổi.

Ý thức về sự tồn tại ý nghĩa của mình trước một thực tế sòng phẳng rằng sinh viên đại học thì kiếm được 5000 – 6000 nhân dân tệ một năm, thậm chí hơn 10.000 tệ, còn một sinh viên chưa tốt nghiệp như cô chỉ nhặt đồng xu lẻ và mãi sống trong cảnh túng nghèo. Trong phút chốc, ý chí sinh tồn ngùn ngụt, cô nhận ra rằng chỉ có học là con đường duy nhất thích hợp để cô tiếp tục theo đuổi và chờ mong một ngày mai tươi sáng hơn.

Hơn 30 tuổi, Dương Viên Viên được nhận vào Viện Nghiên cứu Đại học Hàng hải Thượng Hải nhờ vào năng lực tự thân của mình.

Đúng lúc này, cậu em trai của Viên Viên cũng được trúng tuyển nghiên cứu sinh vào Đại học Bắc Kinh để lấy bằng tiến sĩ. Vì muốn báo hiếu, người em trai mời mẹ đến Bắc Kinh sống cùng mình. Nhưng bà lại lo ngại ảnh hưởng đến việc học của con nên quyết định đến Thượng Hải để bấu víu vào con gái.

Lần này, người mẹ ban đầu lấy lý do giúp con gái chuyển đồ đạc đã đến ở lì cùng con gái. Vì sự có mặt của người lạ không phải là nghiên cứu sinh, bà đã bị nhà trường trực tiếp yêu cầu chuyển ra ngoài, hơn nữa các nghiên cứu sinh cũng nhiều lần phàn nàn. Nhưng mẹ Viên Viên đã mặt dày, còn Viên Viên không nỡ từ chối mẹ nên nhiều lần gửi đơn, xin trường cho ở lại ký túc xá miễn phí. Sau đó, nhà trường vì lòng nhân đạo đã giúp Viên Viên tìm một nhà trọ giá rẻ và giới thiệu cô tìm một công việc phù hợp để vừa học vừa làm.

hình ảnh

Ảnh: Sohu

Tuy nhiên, Thượng Hải xa hoa, tất đất tất vàng, khó tìm được nơi nào giá rẻ. Lúc này, mẹ Viên Viên nói dối đã tìm được phòng trọ giá 50 tệ nhưng không đủ cho 2 người ở nên trước mắt để Viên Viên về ký túc xá một mình. Sau đó bà lẻn vào hội trường phòng chiếu của trường ngủ qua đêm và bị bắt gặp. Nhìn mẹ còn ngái ngủ trước bao con mắt dị nghị, Viên Viên có lẽ đã đứng bên bờ vực đổ nát, cố kìm nước mắt, cùng mẹ rời đi, tìm một nhà trọ khác. Cuối cùng, họ cùng tìm được phòng đơn giá 500 tệ mỗi tháng.

Đêm đó, gió rét buốt, hai mẹ con ngồi run cầm cập trong căn phòng trét vữa. Viên Viên khóc xin lỗi mẹ, còn mẹ cô cũng ôm con gái xin lỗi vì đã để con phải chịu khổ. Bà cứ luôn miệng an ủi con “sẽ khá hơn thôi”. Chẳng ai biết được trong lúc ấy, điều gì đã chạy qua tâm trí cô, chỉ biết rằng hôm sau cô nói với mẹ sẽ quay lại ký túc xá và đó là ngày cuối cùng Dương Viên Viên ở lại thế gian.

Ra đi trong tủi nghèo và cô đơn

Vào khoảng 9 giờ sáng ngày 26 tháng 11 năm 2009, xe cứu thương đến ký túc xá nữ dành cho nghiên cứu viên sau đại học của Đại học Hàng hải Thượng Hải.

9 giờ 15 phút, bệnh viện thông báo Dương Viên Viên qua đời.

Các điều tra viên cho biết, trong ký túc xá không có xà để buộc dây. Viên Viên đã chọn bện những chiếc khăn mang theo lại và buộc thành vòng tròn quanh vòi nước. Bằng cách kỳ lạ nhưng đau đớn, dù khi chút ý chí sinh tồn sót lại có bùng lên cũng dễ dàng thoát khỏi nhưng Viên Viên đã hoàn hoàn dứt khoát buông bỏ để ra đi.  

hình ảnh

Ảnh: Sohu

Tại sao một sinh viên tốt nghiệp khoa Luật của Đại học Hàng hải Thượng Hải đúng như ước mơ của  mình, lại đang là nghiên cứu sinh và sẽ trở thành luật sư trong 3 năm nữa lại chọn kết thúc cuộc đời mình một cách dứt khoát đến vậy?

Một học sinh giỏi, một sinh viên xuất sắc được nhận vào một trong những trường đại học nổi tiếng nhưng cuối cùng, Viên Viên không còn nơi nào để trú ngụ. Nhiều người đoán rằng trong những vật lộn cuối cùng, hẳn cô đã vô cùng mệt mỏi.

Sự ra đi của Viên Viên để lại nỗi bàng hoàng lớn trong lòng bạn bè. Trong lúc người ngoài tiếc nuối cho một phận người thì mẹ Viên Viên lại tìm đến Viện Nghiên cứu Đại học Hàng hải Thượng Hải, lấy lý do con mất ở trường và vì trường buộc bà phải ra khỏi ký túc xá nên đó là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến hành động sau cùng của Viên Viên để bắt buộc nhà trường phải bồi thường số tiền là 350.000 nhân dân tệ. Chưa dừng lại ở đó, bà có tố ngược nhà trường phân biệt đối xử với nghiên cứu sinh nghèo khiến Viên Viên phải chịu áp lực về tinh thần và cuộc sống.

hình ảnh

Ảnh: Sohu

Cuộc giằng co bồi thường của người mẹ với nhà trường kéo dài. Bà dùng dằng không chịu lo hậu sự cho con trong 19 ngày để chờ bồi thường thỏa đáng. Cũng trong từng ấy ngày, Viên Viên phải chịu lạnh lẽo trước khi được hỏa táng. Cuối cùng nhà trường phải đồng ý bồi thường 160.000 nhân dân tệ mà không xin lỗi.

Cuộc đời ngắn ngủi của Dương Viên Viên, suốt một thời gian dài từng là đề tài bàn tán sôi nổi. Dù người mẹ liên tục nói yêu con nhưng người ngoài muốn phủ nhận tất cả. Chẳng có tình yêu nào của người mẹ lại nhẫn tâm đến mức tước đi ước mơ cả đời của con mình chỉ để thỏa ham muốn con cái phải sống theo đường hướng mình đã đặt ra. Cũng chẳng có người mẹ nào, khi con còn nằm đó lạnh lẽo vẫn chỉ nghĩ đến chuyện đòi bằng được số tiền bồi thường.

Có người nói rằng bi kịch của Viên Viên không phải bắt đầu từ việc lựa chọn theo ý mẹ mà là không may có một người mẹ đỉa chỉ biết hút cạn con.