Con đi học đủ thứ lo, nhưng mà cha mẹ nhớ lo cả cột sống con nữa nhé, để con đeo cặp sách, ba lô sai tư thế là vẹo cột sống chứ chẳng chơi, lớn lên xấu tướng.
Bây giờ trẻ con đi học mang sách vở thôi đã đủ thấy con vất vả rồi chứ nói gì đến việc học. Cái tướng thì bé xíu xiu, mang cái ba lô nặng vài ký sách, đi chả thấy người đâu, đôi khi còn trộm nghĩ con đeo cặp như vậy có lớn nổi, cao nổi không nữa.
Nhưng cha mẹ cần chú ý con nhé, để con đeo ba lô, cặp sách sai tư thế là không ổn đâu. Thường thì trẻ con sẽ nới lỏng dây đeo để cặp được hạ thấp, chạm mông, trẻ cảm thấy như vậy sẽ đỡ sức nặng hơn. Nhưng thực tế, cách đeo này lại khiến tổn thương cột sống con.
Theo các bác sĩ thì việc đeo ba lô không đúng cách, đeo quá nặng sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể trẻ. Lâu dài ảnh hưởng hệ thần kinh và cơ ở 2 bên cột sống trẻ, dễ xảy ra các khuyết tật về tư thế như cong vẹo cột sống, vẹo cổ, gù lưng, gây đau lưng, nhức mỏi cơ và các chấn thương khác.
Từ những nguy cơ tiềm ẩn trên, trước khi cơ thể con bị tật, cha mẹ nên dạy trẻ cách đeo ba lô, cặp sách đi học đúng cách cho trẻ, giúp cột sống con được phát triển khỏe mạnh.
Ngừa cận thị học đường và cong vẹo cột sống, giáo viên cho học sinh đầu đội sách
Cách đeo ba lô chính xác
Để đeo ba lô đi học đúng cách, đầu tiên cần điều chỉnh độ dài quai đeo phù hợp. Đeo ba lô lên vai, dùng hai tay nắm chặt phần dây đeo phía dưới cùng sao cho đỉnh quai đeo đoạn gần với ba lô nằm sát phần vai. Cặp được ép thẳng và sát với cột sống lưng, đáy ba lô chạm vào phía trên thắt lưng.
Ba lô cần được đeo thẳng và sát vào lưng, đáy ba lô chạm vào phía trên thắt lưng. Ảnh: Internet
Cố định phần quai đeo theo đúng vị trí trên thông qua cách dùng khóa điều chỉnh ở phần quai dưới. Lưu ý đảm bảo độ thoải mái cho trẻ khi đeo, không ép quá chặt ở phần vai, đỉnh ba lô quá cao so với vai sẽ khiến trẻ gò bó, khó chịu.
Đeo ba lô đi học đúng cách giúp lưng thẳng tự nhiên, đầu và cổ không cần phải vươn về phía trước để duy trì sự cân bằng của cơ thể người, trẻ sẽ không bị đau vai, trẹo cổ. Phần đáy của ba lô rơi xuống phía trên đai thắt lưng sẽ giúp giảm tải cột sống, truyền một phần sức nặng cho đùi và bắp chân.
Sử dụng túi quai chéo, cặp xách tay đúng tư thế
Đeo túi chéo một bên vai trong thời gian dài dễ dẫn đến lệch vai, vai cao vai thấp, lâu dần dẫn đến các vấn đề xơ cứng khớp cổ, ảnh hưởng cột sống. Đây chính là một trong những nguyên nhân gây thoái hóa đốt sống cổ, cong vẹo cột sống.
Để tránh các vấn đề khi cho trẻ đeo túi quai chéo hoặc xách cặp sách một bên khi đi học, điều quan trọng nhất là giữ thăng bằng cho cả hai vai. Nên luân phiên đeo túi, xách cặp sách ở cả 2 bên trái và phải.
Ngoài ra, không nên để quá nhiều thứ trong một chiếc túi đeo vai, trọng lượng càng nhẹ càng tốt, lưu ý không vượt quá 5% trọng lượng cơ thể, nếu phải xách nhiều sách vở, đồ dùng hơn, tốt nhất nên chuyển qua ba lô.
Trẻ em chỉ nên đeo túi chéo với tổng trọng lượng tối đa 5% cơ thể và ba lô là 10%. Ảnh: Firstcryparenting
Cột sống của trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển và để tránh việc con bị tật gù lưng, vẹo cột sống, cha mẹ cần chú ý đeo ba lô, cặp sách đúng tư thế cho trẻ. Cha mẹ cũng cần chọn mua những loại cặp, ba lô có quai đeo chắc chắn, êm ái để giúp vai và lưng trẻ được thoải mái.
Theo Sina