Nhiều trường hợp trẻ bị bỏng nước sôi nhưng mẹ không biết sơ cứu dẫn đến việc vết bỏng nghiêm trọng hơn.

Trẻ bị bỏng nước sôi ở cấp độ 2, 3 có thể gây tổn thương lâu dài cả tinh thần lẫn thể xác của con. Mình nghĩ không riêng gì mình, chắc các mẹ cũng xót xa khi nhìn những đứa trẻ biến dạng hình thể vì bỏng. 

Cách đây 2 năm, bé Ti gần nhà mình bị bỏng nước sôi bình thủy. Lúc đó bé chỉ mới hơn 1 tuổi, đang chập chững biết đi. Bình thủy thì để ngay ở bàn nước. Trong lúc cả nhà sơ ý, bé đã nghịch bình thủy dẫn đến bị bỏng 2 bàn tay. Gia đình không biết sơ cứu, đưa ngay con đến bệnh viện khiến tổn thương của con nghiêm trọng hơn. Bây giờ cứ nhìn 2 bàn tay con bị sẹo co rút, bất kỳ ai cũng không khỏi xót xa. khuyết tật này không chỉ làm con mặc cảm về sau mà còn ảnh hưởng đến các hoạt động cầm nắm do bàn tay của con bị sẹo co rút. Gia đình con cũng thuộc dạng khó khăn nên việc đưa con đi điều trị, chỉnh hình sau bỏng là một vấn đề nan giải. 

Con bị bỏng nước sôi, mẹ làm 1 việc mà cả nhà phản đối nhưng đến viện lại được BS khen ngợi

hình ảnh

Ảnh minh họa sơ cứu trẻ bị bỏng. Nguồn ảnh: wikihow

Hôm qua mình có đọc được một bài viết, trong đó bác sĩ có hướng dẫn cách sơ cứu trẻ bị bỏng nước sôi để hạn chế tình trạng vết bỏng nhiễm trùng, tổn thương lan rộng và lâu lành.

Để sơ cứu đúng cách, mẹ cần phân biệt các mức độ bỏng ở trẻ. 

Bỏng cấp độ 1

Bị bỏng một phần da nhỏ, da tấy đỏ, có cảm giác đau và sưng nhẹ nhưng chưa bị phồng rộp. Ở mức độ này, thời gian da lành từ 3 - 6 ngày. Lớp da mới sẽ thay lớp da bị lột trong vòng 1 – 2 ngày.

Bỏng cấp độ 2

Vết bỏng tấy đỏ, rát, kèm phồng rộp và vô cùng đau nhức. Thời gian lành vết thương ít nhất là 3 tuần hoặc hơn.

Bỏng cấp độ 3

Đây là cấp độ nghiêm trọng, gây tổn thương vào sâu bên trong da xuống dưới các lớp tế bào biểu bì dưới da. Khi đó, bề mặt da khô, trông như sáp màu trắng, nâu hoặc đậm hơn.  Bỏng đến độ này thường là bỏng sâu đến mức bệnh nhi không còn cảm nhận đau đớn, có nguy cơ ảnh hưởng đến dây thần kinh.

hình ảnh

Nguồn ảnh: vietnamnet

Ở cấp độ 3, bỏng càng rộng thì tỷ lệ tử vong càng cao. Bỏng trên 15% ở người lớn, bỏng 8% ở trẻ em coi như là nghiêm trọng.

Dù ở cấp độ bỏng nào, các mẹ đều phải ngâm vết thương dưới vòi nước mát khoảng 20 - 30 phút (tuyệt đối không xối nước đá hoặc nước được làm lạnh) nhằm giảm đau cho trẻ và giảm độ nặng của tổn thương. Nếu bỏ qua bước này, trẻ sẽ đau đớn, tổn thương sẽ lan rộng và lan sâu. Chẳng hạn như trường hợp bé Ti gần nhà mình, chính vì bỏ qua bước sơ cứu này mà vết bỏng nghiêm trọng hơn và kéo dài thời gian hồi phục.

Mẹ cũng lưu ý với bỏng cấp độ 3, nếu vùng bỏng lớn thì phải dùng kéo cắt áo quần để tránh việc trang phục dính chặt vào vết bỏng khiến vết bỏng bị đau rát, bị viêm nhiễm.

Với bỏng cấp độ 1, hoặc cấp độ 2 (phạm vi bỏng ít), sau khi làm mát vết thương, mẹ có thể bôi gel nha đam (phần trong suốt của lá nha đam) hoặc các dạng kem trị bỏng vào vết thương 2- 3 lần mỗi ngày. Còn tất cả các trường hợp còn lại, mẹ nên đưa con đến ngay cơ sở y tế để có hướng điều trị phù hợp. Không tự ý bôi kem đánh răng, nước mắm hay các mẹo dân gian chưa được kiểm chứng sẽ nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của con.

Riêng với cấp độ 3, tình trạng nguy hiểm hơn rất nhiều. Theo Tiến sĩ, BS Phan Đức Minh Mẫn, Phó Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình - Nhi (BV Chấn thương - Chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh), gần như 100% trẻ bị bỏng độ 3 đều dẫn đến tình trạng bị sẹo co rút, hiện tượng co rút thường diễn ra từ 6 đến 18 tháng sau điều trị. Những sẹo này cần phẫu thuật sớm nếu không sẽ gây biến dạng xương, mất chức năng của chi. Vậy nên, nếu con bị sẹo co rút do bỏng, mẹ cần cho con phẫu thuật sớm nhất có thể để khôi phục chức năng vận động đồng thời giúp con bớt đi nỗi mặc cảm về ngoại hình.

Như các mẹ biết, sẹo co rút chẳng những kéo rút da, ăn sâu vào da, ảnh hưởng đến các cơ cũng như các dây thần kinh mà còn làm giảm khả năng vận động của bệnh nhân. Thường phẫu thuật điều trị sẹo co rút có thể phải tiến hành nhiều lần. Bác sĩ phải rất khó khăn để tách các ngón tay ra, làm sao để không đụng chạm đến các mạch máu và các dây thần kinh, đôi khi phải lấy da ở các bộ phận khác trên cơ thể để ghép cho con như đùi, bẹn, nếp bụng… Nói chung, đây là dạng phẫu thuật đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Vì vậy, gia đình hãy trông chừng trẻ cẩn thận để để tránh tình trạng trẻ bị bỏng nước sôi, chịu đau đớn kéo dài.