Hành lá không chỉ là gia vị giúp tăng hương vị món ăn mà còn là vị thuốc giàu dược tính. Nhiều bài thuốc từ hành lá có công dụng bất ngờ mẹ đã biết chưa?
Hành lá có vị cay, ngọt, tính ấm, tốt cho phổi và dạ dày, có tác dụng làm tan lạnh (hàn), thông khí trệ, giải cảm và diệt khuẩn. Vậy nên, dựa trên đặc tính này mà đông y đã cho ra đời nhiều bài thuốc từ hành lá.
Sở dĩ hành lá có tính diệt khuẩn, kháng virus rất mạnh vì chứa chất fitoncidi và chất allicin - một hợp chất lưu huỳnh tạo nên mùi hăng. Đó là lý do tại sao khi có dịch bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp, nhiều người thường ăn hành sống để dự phòng.Tuy nhiên allicin dễ bị mất tác dụng khi ở nhiệt độ cao. Bởi vậy trong chế biến món ăn, mẹ nên cho hành vào sau cùng để tránh làm mất chất allicin quý giá.
Ngoài ra, hành lá còn chứa lượng chất dinh dưỡng dồi dào. 100g hành lá chứa đến 259% nhu cầu vitamin K hàng ngày cùng một lượng đáng kể chất xơ, đạm, sắt, vitamin A, C, B9, canxi, magie, kali…
Đặc biệt, nghiên cứu từ các nhà khoa học Mỹ cho thấy ăn hành giúp ngừa loãng xương rất hiệu quả. Nguyên nhân là do hành chứa một chất chống loãng xương có tên Gamma-L-glutamyl-trans-S-1-propenyl-L-cysteine sulfoxide (GPCS).
Nguồn ảnh: Internet
Đối với phụ nữ mang thai, sau sinh và trẻ nhỏ, hành lá có thể giúp chữa một số bệnh sau.
- Chữa phụ nữ có thai bị cảm (cảm lạnh, cảm cúm, ho thở, nhiều đàm, tâm phiền bứt rứt): 30g hành lá hoặc thêm 12g vỏ quýt (trần bì) sắc nước uống ấm.
- Chữa phụ nữ động thai (đau bụng dưới, mỏi thắt lưng, có khi ra dịch màu hồng nhạt): hành lá cả rễ một nắm 40g, nấu nước uống.
- Chữa động thai ra máu hoặc kiết lị: nấu cháo gạo nếp ăn nóng cùng với hành.
- Chữa tắc tia sữa (tắc tia sữa, ngực sưng đau): hành lá một nắm 40g sắc nước uống.
- Chữa trẻ nhỏ đau bụng do giun (đau cơn, buồn nôn có khi nôn ra giun): hành tươi 40g giã, vắt nước cốt trộn dầu mè cho uống.
- Chữa trẻ nhỏ bị chảy máu cam: 50g lá hành giã nát vắt lấy nước, trộn đều cùng một ít rượu, nhỏ vào mũi, mỗi lần 2-3 giọt.
- Chữa côn trùng chui vào tai trẻ nhỏ: giã một nắm hành, chắt lấy phần nước, nhỏ một vài giọt vào tai cho côn trùng bị cay mà chui ra.
Lưu ý
Hành vị cay khí ấm giải biểu ra mồ hôi, vì vậy hạn chế dùng cho người nội nhiệt, ra nhiều mồ hôi, đau mắt đỏ, đau đỉnh đầu miệng khô khát, mặt đỏ, tiểu vàng, đại tiện khó.