Hệ miễn dịch kém, phụ nữ mang thai trở thành đối tượng nhạy cảm với những căn bệnh do virus tấn công. Việc khám thai vẫn phải tuân thủ và sinh hoạt hàng ngày vẫn diễn ra. Vậy làm cách nào để bà bầu bảo vệ mình?

Cho đến thời điểm hiện tại, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 không trừ một ai. Những bà mẹ mang thai lại càng trở thành đối tượng nhạy cảm khi hệ miễn dịch lúc này đã yếu đi so với lúc trước.

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn: qz.com

Nguy cơ nhiễm bệnh có thể gây ra nhiều bất lợi cho thai kỳ như sinh non, đình chỉ thai.

Do đó, để đảm bảo sức khỏe cho bà mẹ mang thai trong tình hình dịch bệnh lây lan phức tạp, mẹ bầu cần phải:

  1. Không nên bỏ qua các cuộc hẹn khám thai quan trọng với bác sĩ. Nếu có lo lắng hãy gọi điện trao đổi với bên cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và thai nhi trước khi đi khám.
  2. Hạn chế tiếp xúc với càng nhiều người càng tốt. Nếu người nhà có lịch sử dịch tễ nằm trong diện nghi vấn hoặc có các biểu hiện ho, sốt, đau họng, nghẹt mũi… nên cách ly sớm nhất có thể và trình báo với cơ quan y tế để sớm có biện pháp can thiệp
  3. Không ra ngoài khi không thật sự cần thiết. Nếu có phải mang khẩu trang bảo vệ và hạn chế cười nói nơi đông người
  4. Rửa tay khử khuẩn thường xuyên và súc miệng bằng nước muối pha loãng
  5. Nên chuẩn bị thực phẩm và chế biến thức ăn tại nhà thay vì ra hàng quán
  6. Đảm bảo dinh dưỡng và cung cấp đủ vitamin
  7. Tăng cường sức đề kháng bằng cách nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc và bổ sung vitamin C
  8. Nếu không tìm được dịch vụ chăm sóc y tế, hãy liên hệ với trung tâm y tế công cộng để được trợ giúp
  9. Chia sẻ với người nhà và tìm đến y tế nếu căng thẳng quá mức. Sự sợ hãi và lo lắng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thai kỳ. Do đó, chăm lo sức khỏe tinh thần cho bà bầu trong thời gian dịch bệnh cũng rất cần thiết.

Có nên giữ lịch tiêm vắc-xin trong thai kỳ giữa mùa dịch

hình ảnh

Trong lúc dịch bệnh hoành hành, nhiều bà bầu lo ngại nên quyết định trì hoãn cả lịch khám thai lẫn lịch tiêm ngừa vắc-xin.

Mặc dù hiện tại chưa có vắc-xin phòng bệnh chống lại vi-rút gây ra COVID-19, nhưng các mũi vắc-xin khác được khuyến khích tiêm trong thai kỳ là một phần quan trọng để tạo lá chắn bảo vệ sức khỏe của bà mẹ và thai nhi. Do đó, nếu cơ sở y tế vẫn đảm bảo việc tiêm chủng an toàn thì mẹ nên liên hệ để  thực hiện chủng ngừa một số vắc-xin như cúm và Tdap (ho gà, uốn ván, bạch hầu). Trước khi đến cơ sở y tế để tiêm chủng, mẹ nên hỏi nhà cung cấp dịch vụ các bước phòng trách lây nhiễm và sắp lịch hẹn để tránh lưu lại cơ sở y tế quá lâu, tăng nguy cơ tiếp xúc nhiều người.

Chăm sóc trước khi sinh và sau sinh

Lịch khám thai vẫn rất quan trọng với các bà mẹ và thai nhi. Do đó cần duy trì việc làm này kết hợp với các biện pháp đảm bảo an toàn cho cả người mẹ lẫn thai nhi.

hình ảnh

Hãy tìm hiểu xem bệnh viện hoặc cơ sở y tế nơi mình đến khám tổ chức phân loại người bệnh ngay từ khâu đăng ký khám để tách biệt người bệnh và người lành bệnh hay không? Có các biện pháp kiểm tra bước đầu như đo nhiệt độ cơ thể, khai thác yếu tố dịch tễ của người đến thăm khám hay không?

Không chỉ riêng các cuộc hẹn thăm khám sức khỏe trong thai kỳ mà các cuộc hẹn thăm khám sau sinh cũng không nên bỏ qua. Nếu lo lắng về việc đi khám thai và khám sức khỏe sau sinh giữa lúc dịch bệnh, tốt nhất nên gọi điện và bàn hỏi trực tiếp với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe của mình.

Một số cơ sở y tế có thể chọn hủy hoặc trì hoãn buổi khám. Những cơ sở khác có thể chuyển sang thăm khám điều trị từ xa nếu tình huống bắt buộc. Quyết định này sẽ dựa trên tình hình thực tế trong cộng đồng cũng như kế hoạch thăm khám của chính cá nhân người dùng dịch vụ chăm sóc sức khỏe.