Bản thân cha mẹ nên can thiệp ngay khi biết giáo viên đối xử bất công với học sinh để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra với các con.

Cứ nghĩ đến cảnh giáo viên đối xử bất công với học sinh hay "bắt nạt" các em, tôi lại nghĩ đến hình ảnh con cá nằm trong rọ rồi mặc sức ai muốn dùng cây ba chỉa làm gì cũng được. Nghĩa là các em không có đường thoát và buộc phải chịu đựng bởi ngày nào cũng phải đến trường. Dù có tìm cớ ốm đau bệnh tật thì cũng chỉ nghỉ được một hai hôm rồi vẫn phải đến cái nơi dù biết mình sẽ bị ‘hành hạ”.

Khi giáo viên trù dập học sinh thì không cần bàn nhiều về tư cách những người thầy này. Suy nghĩ hạn hẹp, ích kỷ sẽ “chỉ đường” cho họ có những hành động “nham hiểm”, điều mà không được phép tồn tại ở môi trường giáo dục.

Nữ sinh An Giang uống thuốc vì uất ức, thư tuyệt mệnh cầu xin thầy cô đừng lấy quyền uy trấn áp học sinh

Tôi đang muốn nói đến trường hợp em học sinh N.T.N.Y, Trường THPT Vĩnh Xương (An Giang) uống thuốc tự tử vì bị phê bình, nêu tên dưới cờ cũng như phải chịu đựng hình thức kỷ luật “cấm túc” của ban giám hiệu nhà trường. Và theo đó là cách hành xử hết sức “chợ búa” của cô giáo H.T.T.H, giáo viên chủ nhiệm của em, người cách đây 3 năm đã từng nhận “Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục” của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT trao tặng.

Mặc dù khi viết những dòng này, tôi không muốn dồn đuổi cô giáo H. vào chân tường như chính cách cô đã làm với học trò của mình là “đăng” đàn fb để tiếp tục “xóc xỉa” học sinh sau khi em này tự tử. Nhưng thiết nghĩ, cần phải cảnh báo các bậc PHHS về việc phải bảo vệ con cái chúng ta trong môi trường học đường. 

hình ảnh

hình ảnhNhững lời "móc mỉa' trên MXH được cho là của cô H. khi nói về em Y.

Em Y. vi phạm quy định nhà trường là thật. Nhưng đó không phải là điều to tát đến nỗi nhà trường phải huy động cả lực lượng hùng hậu vào cuộc để xử lý, thậm chí “cấm túc” em 2 tuần (có mặt từ 6g30 đến 6g50 để lao động và học tập quy tắc ứng xử). Ai cũng hiểu trường học không chỉ là nơi các em tiếp thu kiến thức mà còn là nơi các em được học cách làm người. Những đứa trẻ ăn chưa no lo chưa tới, non nớt trong ứng xử, cần rèn giũa rất nhiều để điều chỉnh hành vi sao cho đúng với các giá trị chuẩn mực. Hẳn nhiên, các em được quyền sai sót vì đó là điều tất yếu trên hành trình trưởng thành. Hơn ai hết, giáo viên phải luôn là người cha, người mẹ tâm lý, bao dung thì mới đảm bảo các em được đối xử tử tế ngay cả khi phạm lỗi, mới chắc rằng các em được chỉ bảo ân cần để nhận ra khuyết điểm và lớn lên từ đó.

hình ảnh


Những lời khẩn thiết trong thư 'tuyệt mệnh" của em Y.

Trái lại, nếu giáo viên bụng dạ hẹp hòi, hơn thua với học sinh, lạm dụng quyền hạn, thiếu nghiệp vụ sư phạm, vịn vào hình phạt để bắt học sinh tuân phục thì chắc chắn sẽ khiến các em uất ức, từ đó mà thiếu kiềm chế bản thân dẫn đến các hành động nông nỗi.

Tôi nghĩ rằng tình trạng giáo viên lạm quyền, trù dập học sinh không hề ít, nếu không muốn nói là phổ biến; Chỉ là phụ huynh có biết hay không, chỉ là các em có nhận ra mình đang bị đối xử bất công hay không và nếu nhận ra thì các em có dám kể với cha mẹ hay không. Đơn cử, mới đây vừa phát hiện vụ việc thầy giáo dạy tiếng Anh ở một trường THCS quận Tân bình xưng hô mày tao với học sinh và đe nẹt em nào bị thầy ghét là “chết với thầy”. Hay một số phụ huynh từ chuyện của em nữ sinh Y., cũng đã chia sẻ việc con mình từng là “nạn nhân” của giáo viên: 

Cách đây 4 năm tôi cũng đã định đưa cô giáo chủ nhiệm của con gái đăng đàn, với cái kiểu lăng mạ nữ sinh na ná câu chuyện trên. Và tôi tin chắc rằng đâu đó vẫn tồn tại cái kiểu giáo dục như trên và nếu phụ huynh, học sinh cứ sợ cô trù mà không lên tiếng thì sẽ có nhiều câu chuyện đau lòng xảy ra!”.

Con gái lớn của mình cách đây hơn 20 năm khi học lớp 12 ở trường NTMK Sg cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như thế, cô giám thị bêu riếu bạn ấy trước cả lớp vì tội áo dài hơi mỏng nhìn thấy quần lót ( Mẹ mua vải không phải bạn ấy mua).Chuyện này nếu mình ko đến trường làm việc rõ ràng với lãnh đạo thì không biết việc gì sẽ xảy ra”.

hình ảnh

hình ảnh

Để bảo vệ con em mình, tôi nghĩ cách tốt nhất cha mẹ hãy quan tâm, chăm sóc, gần gũi các con, đặc biệt hãy là người bạn thân thiết, là chỗ dựa đáng tin cậy của con. Chỉ như vậy, các con mới dám tâm sự tất cả những vấn đề khúc mắc của chúng với cha mẹ, nhất là chuyện trường chuyện lớp. Và khi nghe con kể về những hành vi tiêu cực của thầy cô, việc đầu tiên phụ huynh cần làm là dò hỏi, xác minh sự việc một cách kín đáo thông qua bạn bè của con cũng như các phụ huynh có con học trong lớp. Khi đã nắm được thông tin, phụ huynh hãy trao đổi thẳng thắn với giáo viên trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Nếu tình hình không được cải thiện thì phản ảnh lên ban giám hiệu. Nếu cách xử lý ở ban bệ này vẫn mang tính chất cục bộ, không thỏa đáng thì cha mẹ nên kiên quyết chuyển trường cho con. 

Tôi nghĩ rằng phụ huynh không nên nhân nhượng với trường hợp giáo viên trù dập học sinh. Một khi đã lợi dụng sự yếu đuối, ngây thơ của học sinh để thỏa mãn cái tôi ích kỷ, xấu xa thì người giáo viên đó không xứng đáng đứng trên bục giảng, thậm chí cần phải loại ra khỏi môi trường giáo dục. Bởi nói như lời một phụ huynh khác: “Những con người vô cảm, thiếu đạo đức, thiếu sự vị tha làm bất kể nghề nào cũng đều nguy hiểm, nhưng đặc biệt nguy hiểm trong ngành giáo dục vì nó tạo ra sản phẩm đặc biệt là con người”.

hình ảnh