Dưới sức đẩy của xu thế toàn cầu hóa, việc thành thạo một hay một vài ngoại ngữ trở thành chìa khóa vàng mở ra thành công của giới trẻ.
Học ngoại ngữ, từ nhiều năm trở lại đây đã không còn đơn giản chỉ là để đạt điểm cao, có thành tích tốt mà còn giúp học sinh mở ra cách tiếp cận, tư duy để việc học tập trong tương lai trở nên dễ dàng hơn.
Từ cách đây 2 năm, tôi có thời gian làm việc trực tiếp với một số anh chị ở khu nhà giàu Thảo Điền. Qua vài câu chuyện phím giữa các chị em mới biết một xu thế học ngoại ngữ mới đang nở rộ. Được biết, con của các anh chị trong khu nhà giàu này được đầu tư ngoại ngữ từ bé. Đa phần các cháu đều được học tiếng Anh tại các trường quốc tế hàng đầu ngay từ cấp mẫu giáo. Ngoài tiếng Anh là ngoại ngữ bắt buộc đối với các bé ra, tiếng Tây Ban Nha đang được đầu tư mạnh như một ngoại ngữ thứ hai của các bé.
Liệu đây có phải là trào lưu nở rộ một thời rồi tắt hay sẽ trở thành xu hướng trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay?
Theo tìm hiểu, hoàn toàn có lý do để hiểu vì sao tiếng Tây Ban Nha lại đang dần được phụ huynh lựa chọn làm ngoại ngữ thứ hai cho con mình.
Mới đây, theo Lingua Language Center, tính đến năm 2022, ngôn ngữ được sử dụng như tiếng mẹ đẻ nhiều nhất trên thế giới là tiếng Trung Quốc (khoảng 918 triệu người sử dụng). Tiếp theo sau là tiếng Tây Ban Nha (gần 500 triệu người sử dụng). Đứng ở vị trí thứ 3 là Tiếng Anh (khoảng 379 triệu người sử dụng). Riêng với tiếng Anh, đây là ngôn ngữ được sử dụng như ngoại ngữ thứ hai nhiều nhất trên thế giới, với 1,5 tỷ người.
Để xác định xu hướng các ngôn ngữ quyền lực nhất trên thế giới hiện nay, Tiến sĩ Kai L. Chan, thành viên danh dự tại INSEAD đã tiến hành một cuộc nghiên cứu đặt tên là The Power Language Index, được thực hiện trên phạm vi rộng và trong quá trình dài. Ông đi đến kết luận ngôn ngữ quyền lực nhất thế giới, ở vị trí dẫn đầu vẫn là tiếng Anh. Các vị trí kế tiếp theo lần lượt là tiếng Trung (Mandarin - theo từ điển Cambridge), tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ả Rập.
Top 10 ngôn ngữ quyền lực nhất thế giới hiện nay theo The Power Language Index
Theo bảng điểm trên, có thể thấy có nhiều yếu tố quyết định đến mức độ quyền lực của một ngôn ngữ trong thang điểm từ 0-1 như địa lý, kinh tế, giao tiếp, kiến thức - phương tiện truyền thông và ngoại giao. Trong đó, một yếu tố rất quan trọng mang tính quyết định đó là sức mạnh kinh tế. Trường hợp của tiếng Trung là một điển hình. Ngoài ra, yếu tố địa lý cũng liên quan nhiều đến việc đánh giá một ngôn ngữ có quyền lực ở mức độ nào. Chẳng hạn, tiếng Tây Ban Nha, vốn là ngôn ngữ được sử dụng ở hầu hết các nước Mỹ Latinh; tiếng Pháp được nói ở 3 châu lục.
Theo dự báo của The Power Language Index, vị trí của ngôn ngữ quyền lực nhất thế giới sẽ có thay đổi trong tương lai. Cụ thể, ngoài hai vị trí đầu lần lượt là tiếng Anh và tiếng Trung vẫn giữ nguyên ra, tiếng Tây Ban Nha sẽ soán vị trí thứ 3 của tiếng Pháp. Không khó hiểu khi thế giới ngày càng có xu hướng dùng tiếng Tây Ban Nha như một ngoại ngữ thứ hai.
Nhìn vào bảng này, nhiều cha mẹ có thể xem như một kênh tham khảo uy tín để quyết định đầu tư cho con học ngôn ngữ gì nhằm đáp ứng nhu cầu công việc và mở ra nhiều cơ hội việc làm hơn cho trẻ trong tương lai.
Top 10 ngôn ngữ quyền lực nhất vào năm 2050 theo dự báo của The Power Language Index
Nhiều bậc phụ huynh nhìn xa trông rộng đã đầu tư cho con học ngoại ngữ từ rất sớm. Các bé từ khi mới tập nói đã được cho tiếp xúc với môi trường song ngữ, đa ngữ. Có ý kiến cho rằng ép trẻ học ngoại ngữ từ nhỏ là lãng phí tiền bạc lẫn thời gian nhưng liệu thực tế có đúng như nhận định này?
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng trẻ em phát triển sự hiểu biết về các ngôn ngữ không phải là tiếng mẹ đẻ ngay từ khi còn nhỏ sẽ tốt hơn nhiều so với việc đến trường sau này chỉ với mục đích hoàn thành chương trình học theo từng bậc học. Lý do là gì?
1. Trẻ nhỏ có khả năng bắt chước mạnh mẽ và sở hữu trí nhớ tốt
Trẻ nhỏ có năng lực nhận dạng và bắt chước cách phát âm chính xác, đồng thời ghi nhớ lâu dài thông tin về giọng nói đã được tiếp nhận. Thêm vào đó, trẻ nhỏ học ngoại ngữ một cách tự nhiên, thay vì va phải rào cản tâm lý thành tích trong việc học ngoại ngữ. Trẻ học ngoại ngữ ở tuổi này sẽ thích nói chuyện, ý thức hoàn thành cao và mức độ hứng thú trong việc học cũng luôn cao.
2. Không gặp vấn đề về tư duy ngôn ngữ cố định, có thể dễ dàng làm chủ tư duy song ngữ
Ảnh minh họa. Nguồn: kk.news
Học ngoại ngữ càng sớm, vốn từ vựng tích lũy càng nhiều. Trẻ nhỏ được tiếp xúc ngoại ngữ càng sớm, não bộ của trẻ sẽ càng tự nhiên trong việc sửa lỗi ngữ pháp, phát âm sau này. Trẻ tiếp thu và xử lý ngôn ngữ một cách tự nhiên chứ không cố tư duy để dịch ra tiếng mẹ đẻ từng từ một hay cố ghép từng từ một để tạo thành câu.
3. Không gặp phải rào cản tâm lý
Trong quá trình học ngoại ngữ, tâm lý và cảm xúc của người học là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc tiếp thu và ghi nhớ. Một khi đã lớn, trẻ sẽ quan tâm đến việc mình phát âm có chuẩn không, nói có chuẩn ngữ pháp không, nếu sai sẽ thấy xấu hổ và ngại ngùng không dám sửa sai, thực hành liên tục. Đó chính lúc “lòng tự trọng ngôn ngữ” của trẻ đã tạo nên rào chắn khiến trẻ khó tiếp thu một ngôn ngữ mới. Điều này hoàn toàn khác biệt với những trẻ chưa trưởng thành. Các bé nếu nói sai sẽ không ngại ai bình phẩm mà sai sẽ sửa, sửa nhiều sẽ giúp trẻ sớm thành thạo hơn.
4. Mở rộng tầm nhìn và hiểu biết của trẻ
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ được học ngoại ngữ từ nhỏ có trình độ nhận thức cao hơn các bạn đồng lứa chưa học ngoại ngữ. Cụ thể, trẻ tư duy linh hoạt và sáng tạo cũng tốt hơn. Do đó, các nhà ngôn ngữ học khuyến khích cha mẹ nên đầu tư cho con học ngoại ngữ trước năm 12 tuổi để trẻ sẵn sàng với ngôn ngữ mới hơn là để trẻ lớn thêm chút nữa.
Trước khi trẻ thông thạo tiếng mẹ đẻ, khả năng phát âm của trẻ vẫn còn rất linh hoạt, lúc này việc thông thạo phát âm ngôn ngữ thứ 2 sẽ dễ dàng hơn, trẻ càng lớn thì cơ miệng càng kém đàn hồi và việc học hành sẽ càng khó khăn.