Cứu sống trường hợp sản phụ mang thai 36 tuần bị vỡ tử cung
Vỡ tử cung khi mang thailà 1 trong 5 tai biến ở mức độ nguy hiểm cao, xảy ra trong quá trình mang thai, chuyển dạ và sinh nở.
Khi mẹ bầu bị vỡ tử cung, ban đầu sẽ xuất hiện vết rách trên thành tử cung. Khi tử cung bị vỡ hoàn toàn, vết rách toạc qua các lớp của thành tử cung và hậu quả có thể nguy hiểm cho thai phụ và thai nhi.
Cứu sống kịp thời mẹ con sản phụ 36 tuần vị vỡ tử cung
Mới đây bệnh viện Sản Nhi tỉnh Nghệ An tiếp nhận thai phụ đã được 36 tuần, sinh con lần 3. Chị này nhập viện trong tình trạng ra máu âm đạo. Về tiền sử bệnh, cách đây 2 năm chị có mổ thai ngoài tử cung tại vị trí sừng trái tử cung. Qua thăm khám, bác sĩ chỉ định cho chị nhập viện để theo dõi và điều trị. Đến ngày 2/8/2018 chị bắt đầu có dấu hiệu chuyển sinh non, các bác sỹ nhanh chóng chỉ định mổ cấp cứu để lấy thai.
Bác sĩ xác định đây là ca phẫu thuật phức tạp do đã có sẹo mổ cũ. Trong quá trình mổ lấy thai, kiểm tra buồng tử cung thì phát hiện tử cung bị vỡ góc sừng trái, kích thước 1,5*3cm, tương ứng với vị trí mổ chửa ngoài tử cung trước đó. Rất may do tiên lượng trước nên các bác sĩ đã nhanh chóng mổ bắt thai và cứu sống sản phụ. Hiện tại sức khỏe của chị đang phục hồi tốt.
Vỡ tử cung là một trong những nỗi ám ảnh lớn nhất của các bà mẹ mang thai. Biến chứng này thường có nguy cơ cao nhất ở những sản phụ đã từng có vết sẹo mổ cũ. Nếu không phát hiện và xử lý kịp thời sẽ gây tử vong cho mẹ và thai nhi. Vỡ tử cung trong khi mang thai có thể xảy ra ở 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ.
Nguyên nhân nào dẫn đến vỡ tử cung?
Mẹ bị vỡ tử cung (Ảnh minh họa)
Trên thực tế, nguyên nhân khiến mẹ bầu vỡ tử cung đến từ hai phía:
– Về phía người mẹ:
+ Khung chậu hẹp, méo mó làm đầu thai nhi không chui lọt để ra ngoài.
+ Mẹ có khối u ở đoạn dưới cổ tử cung, ở cổ tử cung, ở đường sinh dục dưới, khối u này chặn đường ra của thai.
+ Những mẹ sinh nở nhiều lần nên tử cung mỏng, nhão, các cơn co mạnh gây vỡ, rách lớp cơ đoạn dưới tử cung.
+ Mẹ đã từng nạo phá thai nhiều lần khiến niêm mạc tử cung mỏng, tử cung yếu… cũng dễ vỡ tử cung.
+ Mẹ có vết mổ cũ ở tử cung nên vết sẹo tử cung trở thành nơi yếu nhất, cơn co tử cung mạnh có thể làm toác vết mổ, gây vỡ tử cung.
– Về phía thai nhi:
+ Thai nhi quá to không chui lọt qua khung chậu của mẹ.
+ Các kiểu ngôi thai không bình thường như nằm ngang, thai không cúi đầu cũng không ngửa mặt,… làm cho thai không chui qua khung chậu để ra ngoài trong khi các cơn co dồn dập cứ thúc thai nhi xuống gây vỡ tử cung.
Dấu hiệu bị tử cung bị vỡ?
Nhiều mẹ bầu thường thắc mắc những dấu hiệu nào cho biết tử cung bị vỡ. Trên thực tế, tử cung bị vỡ thường xảy ra trong lúc chuyển dạ đẻ. Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp vỡ trong các tháng cuối trước khi chuyển dạ do tử cung có sẹo mổ cũ và vết sẹo đã bị nhiễm khuẩn, nên khi có cơn co mạnh, sẹo bị nứt dần gây vỡ. Mẹ bầu phải hết sức lưu ý những triệu chứng để sớm phát hiện, can thiệp kịp thời, bảo toàn tính mạng cho cả hai mẹ con:
- Đau bụng bất thường, đau nhiều ở vùng tử cung, đau ngày càng tăng, có thể đi kèm với dấu hiệu choáng váng do đau và mất máu.
- Hoặc trong cơn co, thai phụ nhìn trên bụng thấy tử cung co cứng lại, nổi lên trên da bụng hình dáng giống như một quả bầu.
Làm gì để phòng ngừa vỡ tử cung?
Mẹ bầu nên đi khám theo quy định của bác sĩ để tránh bị vở tử cung
- Trước những biến chứng nguy hiểm của vỡ tử cung, mẹ bầu cần thường xuyên đi khám thai định kỳ để phát hiện trước những nguyên nhân có thể gây vỡ tử cung. Những mẹ bầu có tiền sử đẻ khó phải tuyệt đối tuân theo chỉ dẫn của các bác sĩ chuyên khoa.
- Thực hiện việc sinh nở có kế hoạch, không đẻ nhiều lần và đẻ liên tiếp nhau. Nếu mẹ bầu sinh mổ thì sau 5 năm mới nên có thai lại.
- Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng cần đảm bảo một chế độ dinh dưỡng đầy đủ trong suốt quá trình mang thai và nhất là trong quá trình sinh nở. Các mẹ nên ăn các thức ăn thường và dễ tiêu. Tốt nhất nên uống ép nước trái cây, nước đường hoặc nước lọc để tránh tình trạng mất nước.