Đây có lẽ là vấn đề không chỉ của 1 người mà của rất nhiều bậc phụ huynh có con trong độ tuổi cấp 2, cấp 3 hiện nay. "Chat với bạn từ sáng tới khuya vẫn vui vẻ nhưng nói chuyện với bố mẹ 2 câu là thấy mệt. Nhiều lần chồng tôi tức giận đến mức định hất đổ mâm cơm, con mới chịu miễn cưỡng bước xuống bàn ăn".

Đó là những lời chị Hồng Thắm (50 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TP.HCM) than thở về tình trạng con gái về tới nhà không giao tiếp gì với gia đình.

Ba muốn hất đổ mâm cơm vì con im im, không giao tiếp

Câu chuyện của chị Thắm không phải là hiếm. Nhiều gia đình có con là học sinh, sinh viên, cho đến những bạn trẻ đã đi làm nhưng về nhà thường ít giao tiếp với ai. Vào phòng là các bạn cắm cúi chat chit, lướt mạng.

Phiền muộn, chị Thắm tâm sự: "Con gái tôi đang học lớp 12, gần như không nói chuyện gì với gia đình. Về đến nhà là con nằm bấm điện thoại, má dọn cơm sẵn con cũng chẳng xuống ăn".

Ban đầu chị không muốn con dùng điện thoại sớm. Nhưng việc học online trong mùa dịch những năm cuối THCS khiến vợ chồng chị buộc phải sắm điện thoại cho con tiện học hành, lướt mạng tìm tài liệu.

Sau đó, khi con lên THPT, việc dùng điện thoại liên lạc và nhận thông báo từ giáo viên, bạn bè qua các nhóm Zalo trở thành nhu cầu thiết yếu. Nhưng từ đó, vợ chồng chị nhận thấy con dần rời xa gia đình.

Nhiều lần chị thấy chán khi có gì đó cần nhắn tin, dặn dò con.

"Ngay cả nhắn tin hỏi con đi học về sớm thì cắm nồi cơm, con cũng chẳng trả lời. Cùng lắm, con thả tim, nhấn nút like cho qua chuyện. Con cũng chẳng bao giờ hỏi lại, hoặc nếu có thắc mắc gì về công chuyện nhà cũng không hỏi", chị thở dài.

Tuy nhiên, vì kết quả học tập của con vẫn tốt nên vợ chồng chị không có cớ để tịch thu hoặc bắt con hạn chế xài điện thoại.

Con có phụ việc nhà, cũng không tỏ ra chống đối ba mẹ nên chị cũng không biết làm sao để con tăng sự kết nối, giao tiếp với gia đình.

hình ảnh

Giao tiếp bạn bè vui hơn nhiều, trong khi ba mẹ hay la mắng, phán xét

Dù thương ba mẹ và các chị nhưng T.K. (21 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) về tới nhà là như người ít nói, sống nội tâm. Là sinh viên, lúc đi học và đi chơi với bạn bè, K. như con chim ríu rít, hăng hái tham gia các chương trình trong lớp.

Khi chị gái hỏi chuyện thi cử, làm thêm, K. ngồi cắm mặt vào máy tính, không để ý. Đến khi chị nạt, K. mới trả lời nhưng với điệu bộ bực bội.

Tương tự, khi mẹ ở quê gọi video cho cô để hỏi thăm, lúc vui thì cô chào mẹ, hỏi chuyện cơm nước, mưa gió. Lúc "khó ở", K. ngồi lì, dù mẹ hỏi vọng qua loa điện thoại là "con K. đâu" thì cô vẫn không muốn trả lời, và lấy cớ đang học bài.

Ngược lại, khi giao tiếp, chat với bạn bè, cô nói đủ thứ chuyện, thảy những nhãn dán (sticker) hài hước. Những khi chị gái không ở nhà, cô gọi video tám với hội bạn.

Nhân lúc đi học về hoặc làm bài nhóm, cô sẽ tranh thủ tụ tập chứ không thích về sớm.

Thấy tin nhắn của mẹ, K. thường trả lời cho có. Hoặc cô gửi những biểu tượng có chữ "Dạ", "Ok", "Hihi". Nhiều lần chị gái K. khuyên không được thì mắng mỏ, nhưng K. vẫn y vậy.

Chị gái cô cho biết nói hoài nhưng em gái không thay đổi. Chị còn bị mang tiếng phán xét.

"Nó nói là mình hay chửi, hở ra là chửi. Mà nếu mình im lặng thì không khí rất căng thẳng, nặng nề. Nói chuyện chỉ có mình tôi hăng hái", chị nói.

Kể cả những chuyện như mua đồ gì cho mẹ dịp Tết, khi được chị hỏi, K. cũng nói "Mua gì cũng được mà, em có biết đâu".

hình ảnh

Giao tiếp là cách thức hiệu quả để chia sẻ, thấu hiểu trong gia đình. Thế nhưng nhiều bạn trẻ ngày nay không chỉ lười nói chuyện trực tiếp, lười trò chuyện điện thoại, mà ngay cả chat Zalo, Facebook với người thân cũng lười.

Trong khi cha mẹ, anh chị muốn biết tình hình của con em mình để giúp đỡ, can thiệp khi có vấn đề gì đó. Hoặc đơn giản muốn biết những sở thích, mong muốn của con nhưng đáp lại chỉ là những lời vâng dạ, "sao cũng được", "tùy ba", "mẹ mua gì cũng được"… khiến phụ huynh vừa buồn, vừa bực.

Việc học sinh cấp 2, cấp 3 ngại giao tiếp với bố mẹ là hiện tượng phổ biến trong giai đoạn tuổi vị thành niên. Đây là thời kỳ trẻ trải qua nhiều thay đổi về tâm sinh lý, xã hội và cảm xúc. 

Giải pháp khuyến khích trẻ giao tiếp

- Lắng nghe mà không phán xét: Hãy lắng nghe một cách chân thành, tôn trọng suy nghĩ và cảm xúc của trẻ.


- Tạo không khí thoải mái: Chọn những thời điểm thư giãn, như khi ăn cơm cùng gia đình, để trò chuyện nhẹ nhàng.


- Thấu hiểu và tôn trọng không gian riêng: Đừng ép trẻ nói chuyện nếu chúng không muốn, nhưng hãy luôn sẵn sàng khi trẻ cần.


- Chia sẻ thay vì hỏi dồn: Hãy bắt đầu bằng cách chia sẻ câu chuyện của bản thân để trẻ cảm thấy gần gũi hơn.


- Giảm áp lực học tập: Thay vì chỉ quan tâm đến thành tích, hãy khuyến khích trẻ cân bằng giữa học tập và thư giãn.


- Hiểu và đồng hành cùng con trong giai đoạn này là cách tốt nhất để xây dựng mối quan hệ bền chặt, giúp trẻ vượt qua những khó khăn của tuổi vị thành niên.