"Cơ, rô, tép, bích" xuất hiện trong vở bài tập Toán lớp 1 khiến nhiều phụ huynh bức xúc và lo lắng.
Con em vào lớp 1. Mấy hôm lên mạng thấy nhiều mẹ lao nhao vụ "cơ, rô, chuồn, bích" xuất hiện trong vở bài tập Toán lớp 1 nên em có giở sách ra xem thử. Đúng là ở trang 12 có "cơ, rô, chuồn, bích" thật các mẹ.
Em kể với chồng thì chồng em bảo thiếu gì hình mà cứ phải đưa hình "cơ, rô, tép, bích" vào cho các con học. Một phụ huynh trên mạng xã hội cũng cùng quan điểm với chồng em:
"F1 nhà e mới đi nhập ngũ mà đã được tạo điều kiện tiếp xúc với cơ, rô, tép bích. Chưa biết đến năm thứ 2 có được tiếp xúc với cắt vị hay mở bát không đây?
Note: thế giới quanh ta có rất nhiều hình, rất nhiều đồ vật để đưa vào giới thiệu để viết vào một tờ giấy trắng có ý nghĩa mà. Sao lại chọn những hình cho học sinh trải nghiệm đời quá sớm như vậy!”.
Đứng ở góc nhìn khác, một vị chuyên gia thì cho rằng: “Tư duy của trẻ khác tư duy tư duy người lớn. Có những người lớn vừa nhìn vào là liên tưởng đến bài bạc. Tuy nhiên, trẻ em nhìn các hình này thì chỉ đơn giản là hình”. Đồng thời, trẻ nhìn vào chỉ nghĩ là “hình trái tim, cái cây có tán, hình thoi”.
Chuyên gia nói thì em không dám cãi. Nhưng em cũng đã rảo một vòng quanh xóm để làm một cuộc thử nghiệm. Kết quả là 10 đứa bé con hàng xóm và con em trong độ tuổi từ 4-6 đều gọi tên các hình trong quyển sách là cơ, rô, chuồn, bích. Hẳn nhiên xóm em là xóm trí thức, 100% hộ gia đình không bài bạc, chỉ chuyên tâm với công việc mang tính chuyên môn. Vậy mà giống như kiểu ‘đẻ ra đã biết” các mẹ ạ, đứa nào cũng đọc tên các quân bài vanh vách. Đến là chịu chúng nó.
À, mà vị chuyên gia lại còn bảo xu hướng trẻ mê bài bạc còn phụ thuộc vào giáo dục của gia đình. Vâng, riêng điều này hẳn nhiên không thể chối cãi.
Chuyên gia còn bảo các trò chơi bài Tây với 52 lá như cộng điểm (ngôn ngữ bình dân của mình là chơi bài cào) còn có thể rèn trẻ tính nhẩm, rèn kỹ năng ra quyết định trong các thể loại luật chơi khác có tính đối kháng và phức tạp hơn.
Nhưng mà nói thật với chuyên gia, em không dám luyện con em chơi tính nhẩm kiểu này đâu ạ. Hôm nay nó học tính nhẩm, mai thấy trên phim ảnh người ta chơi bài ăn tiền, thế là chúng nó cũng đem tiền ra thua đủ với nhau thì gia đình, xã hội đến là khổ tâm.
Túm lại, em vẫn giữ quan điểm của chồng em và nhiều phụ huynh khác: Thiếu gì hình mà cứ phải đưa hình "cơ, rô, tép, bích" vào cho các con học. Trẻ nhỏ lại như tờ giấy trắng, ghi nhớ hình ảnh rất lâu. Lợi đâu không thấy, trước mắt là thấy lo rồi!