Con cái không phải là hạng mục đầu tư để cha mẹ về già ‘kiếm lời”. Vì vậy đừng nuôi con chỉ để con báo đáp.

Con cái đến với chúng ta trong cuộc đời này là một ‘ân phước”, mang đến cho chúng ta trải nghiệm hạnh phúc của công việc “làm cha mẹ”. Mỗi ngày bên con, nhìn con lớn lên từng chút là một “đặc ân” không phải ai cũng được nếm trải. Dù rằng con cái phải hiếu kính cha mẹ nhưng không có nghĩa nuôi con chỉ để con báo đáp. Đôi khi, quan niệm đó có thể làm con “chới với” giữa cuộc sống khắc nghiệt này.

Sáng nay lướt Facebook, đọc dòng chia sẻ của một người con với cha mẹ già mà thấy những ngày mưa bão dường như thêm rét buốt. Bài viết như sau: “Mình có gia đình và 2 con nhỏ. Cuộc sống phải ở nhà trọ nói chung chỉ đủ ăn. Lương tháng nào xào tháng ấy. Nhưng đều đặn mỗi tháng đều phải gói ghém gởi tiền về biếu cha mẹ 1 triệu. Tháng nào qua ngày 5 chưa chuyển khoản kịp thế nào mẹ cũng điện thoại hối thúc. Trong khi đó ông bà có lương hưu trí, cả 2 người gộp lại mỗi tháng cũng tầm 8 triệu. Ở quê tiêu xài không bao nhiêu, nhà lại nuôi cá, nuôi gà, trồng rau nên thực phẩm có sẵn quanh năm. Đã vậy mỗi lần về quê cha mẹ còn kể con nhà này, nhà kia đi Hàn Quốc, Trung Quốc gởi tiền về sửa nhà, xây nhà cho gia đình nghe mà nghẹn lòng. May mình có anh chồng hiền lành nên vợ chồng cũng không đến nỗi bất hòa vì điều này. Nhưng mình cũng hiểu chuyện, thỉnh thoảng mình vẫn mua quà gởi về biếu cha mẹ chồng vì không thể “bên trọng bên khinh” được”.

Mình cảm thấy áy náy trong lòng vì số tiền 1 triệu không thấm tháp gì so với công lao sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ nhưng khi gởi tiền về, bao giờ mình cũng cảm thấy lòng có chút “oán thán” - nhất là những tháng mình phải vay mượn để gởi hay con đau con ốm phải đi viện mà vẫn phải cắn răng dành ra 1 triệu cho cha mẹ. Sự giằng xé giữa chữ hiếu và trách nhiệm với gia đình nhỏ làm tình cảm giữa mình và cha mẹ dường như phai nhạt. Mình cố gắng mà vẫn không thể hiểu tại sao cha mẹ mình sống đủ đầy vật chất, nhà cao cửa rộng, lại biết chuyện vợ chồng mình sống vất vả thiếu thốn ở thành phố mà mỗi tháng vẫn bắt vợ chồng mình gởi tiền về”.

hình ảnhNguồn ảnh: sohu

Thực tế có không ít người con lâm vào tình huống này. Một số cha mẹ luôn nghĩ họ nuôi con thì về già phải được báo đáp. Vậy nên, dù cuộc sống cuối đời an nhàn, no đủ, họ vẫn yêu cầu con chu cấp hàng tháng. Nếu con cái giàu có chẳng nói làm gì nhưng gặp phải đứa khó khăn, mong muốn này thật khó chấp nhận. Cũng có khi họ không yêu cầu con cái gởi tiền về nhưng khoác lên vai con trách nhiệm còn nặng nề hơn là thay cha mẹ lo cho các em ăn học. Do đó mà không ít bạn trẻ phải còng lưng lo cho các em, tạm gác hạnh phúc cá nhân không dám lấy vợ lấy chồng để làm tròn trách nhiệm cha mẹ giao phó.

hình ảnh

Thiết nghĩ, chúng ta sinh con và nuôi con với ước nguyện lớn nhất là mong con trưởng thành, sống một cuộc đời hạnh phúc và ý nghĩa. Hẳn nhiên, chúng ta phải dạy con cái về chữ hiếu, vì đó là cội rễ của nhân cách. Không biết yêu thương kính trọng cha mẹ thì không thể có tình yêu thương thật sự đối với người khác. Vì vậy, trong các phẩm chất, hiếu hạnh là đứng đầu. Một người có hiếu kính với cha mẹ thì mới hiếu đễ với bà con dòng họ, hiếu tình với người bạn đời, hiếu thuận với mọi người, hiếu tâm với mọi việc xảy ra trong đời. 

Tuy nhiên, con cái không phải là con nợ, không phải là món hàng cha mẹ đầu tư để mong về già “kiếm lãi”. Vì vậy, đừng bắt con thực thi hiếu đạo bằng mọi cách. Đôi khi vô tình lại “‘đẩy lùi” tương lai của con hay ảnh hưởng đến cuộc sống riêng của con.

hình ảnh

Nguồn ảnh: kknews

Làm cha mẹ, để cuối đời an nhàn, hãy dạy con thành người tử tế, trao cho con tình yêu đủ đầy, tạo điều kiện để con phát triển tối đa năng lực, tích cóp tiền bạc phòng thân khi về già để không lệ thuộc vào con cái.