Với một đứa trẻ “ăn chưa no, lo chưa tới”, cái câu “nhà mình nghèo” kèm tiếng thở dài của cha mẹ nghe nặng nề vô cùng.

Nhiều cha mẹ thường hay dùng những câu như “nhà mình nghèo lắm con”, “cha mẹ không có tiền”, “thứ này quá đắt đỏ” để từ chối không mua đồ chơi mới khi trẻ đòi.

Lại có những cha mẹ khác than thở thật về hoàn cảnh gia đình, rằng họ chỉ đủ tiền trang trải qua ngày, rất thiếu thốn, để mong con biết cố gắng học hành, thành tài rồi sẽ có cuộc sống tốt, có việc làm, có tiền nhiều.

Dù biết rằng đây là những lời vô hại của cha mẹ nhưng với một đứa trẻ “ăn chưa no, lo chưa tới”, cái câu “nhà mình nghèo” nghe nặng nề vô cùng. Đặc biệt khi cha mẹ thường xuyên than nghèo có thể gây ám ảnh tâm lý cho trẻ lâu dài.

Trẻ sẽ có cảm giác như nhà nghèo là một cái gì đó khiếm khuyết, nói như người lớn thì “nghèo là cái tội”. Thành ra câu than nhẹ của cha mẹ lại thành sự nghiêm trọng trong lòng đứa trẻ khi chúng phải nghe quá nhiều và hiểu sai ý.

Không dám đầu tư cho bản thân

Khi cha mẹ luôn nói rằng “chúng ta không có tiền mua” sẽ dẫn đến trẻ bị ám ảnh về sự thiếu thốn và luôn phải đấu tranh mỗi khi muốn mua một thứ gì đó cho bản thân.

hình ảnh

Trẻ không dám mua thứ mình yêu thích chỉ vì trẻ nghĩ nó đắt. Ảnh: QQ

Nghiêm trọng nằm ở chỗ trẻ sẽ vì vấn đề tiền bạc mà bỏ qua những món trẻ nghĩ là đắt dù rõ ràng món đồ đó rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ, ví dụ như một cuốn sách hay. Dù trẻ muốn mua đến đâu, cuối cùng, vì giá tiền lại quyết định từ bỏ.

Khi lớn lên, trẻ sẽ không dám đầu tư những thứ cần thiết cho bản thân như quần áo, giày dép, làm đẹp… dẫn đến không được đánh giá cao khi ra ngoài làm việc. Đó chính là một thiệt thòi lớn đối với trẻ về lâu dài, một dạng cảnh giác quá mức khi sử dụng tiền bạc.

Cảm thấy tự ti

Từ nhỏ trẻ đã được nghe quá nhiều về vấn đề nghèo - giàu và sự thiếu thốn, vô tình trong lòng trẻ sẽ có một sự phân cấp về tầng lớp. Trẻ dễ cảm thấy rằng khi mình nghèo, mình sẽ thua thiệt ở nhiều thứ.

Cha mẹ hay than nghèo sẽ khiến trẻ tự ti do hình thành tâm lý cho rằng xuất thân của mình không tốt lắm, mình không bằng người ta. Trẻ sẽ khắc sâu vào đáy lòng ý nghĩ tiêu cực rằng “mình là người nghèo” cho đến khi lớn lên.

hình ảnh

Trẻ cảm thấy tự ti vì nghĩ mình thiếu thốn, không có tiền. Ảnh: QQ

Thấy tội lỗi khi tiêu tiền cha mẹ cho

Trẻ sẽ cảm thấy nhiều áp lực, thậm chí mặc cảm khi dùng tiền tiêu vặt cha mẹ cho. Rõ ràng cha mẹ không tiếc gì chút tiền này nhưng chính con lại thấy tiếc. Chúng sẽ dễ dàng cảm thấy mình mua cái gì đó quá đắt là có lỗi với sự cực khổ của cha mẹ. Đây là một dạng ám ảnh khiến trẻ tự dằn vặt mình.

Hạn chế tham gia các hoạt động giao tiếp

Do tự ti về gia cảnh nên trẻ rất sợ phải tham gia các hoạt động giao tiếp xã hội vì sợ bị khinh thường. Nhất là khi trẻ gặp hội bạn con nhà giàu thì trẻ càng cảm thấy không thoải mái, dẫn đến từ chối tham gia các buổi dã ngoại của lớp, học nhóm, hẹn hò, giao lưu, đám tiệc…

Chỉ nghĩ đến việc kiếm tiền

Khi con cái lớn lên sẽ vì tiền bỏ qua những điều quý giá khác trong cuộc sống. Hệ quả của việc này là thứ tự ưu tiên trong cuộc sống sẽ dần nhỏ lại, trẻ khó để ý đến mọi thứ ngoài tiền bạc.

hình ảnh

Để con lớn lên được bằng người ta, ít nhất là ngang bằng trong suy nghĩ, không tự ti, mặc cảm, cha mẹ nên hạn chế than nghèo kể khổ với con cái. Thay vào đó, hãy dạy con biết sử dụng tiền bạc đúng cách sẽ tốt hơn.