Nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc suy cho cùng là đích đến của bổn phận làm cha mẹ hơn là ép buộc đứa trẻ phải thành công theo suy nghĩ của chúng ta.
Người Ý có câu nói rất hay "Soltanto la tua madre ti dir? Di mettere il rossetto in modo che tu possa essere pi? Graziosa di lei" - tạm dịch là "Chỉ có mẹ bạn mới bảo bạn tô son môi để được xinh hơn bà ấy". Đó là một trong những hướng dẫn cụ thể để đứa con biết mình phải làm gì để tìm thấy hạnh phúc cho riêng mình.
Ý nghĩ của trẻ con không giống như chúng ta, những ông bố bà mẹ đã có chút tuổi. Với đứa trẻ 8 tuổi và 5 tuổi, các bé sẽ chỉ hiểu theo nghĩa đen của những câu nói thốt ra từ mẹ mình. Thế nên việc dùng từ ngữ gì để truyền đạt cho con điều mình muốn nói thật sự rất quan trọng. Như khi mẹ muốn nuôi dưỡng con để trở nên những người hạnh phúc nó cần đến sự bình dị từ chính cách dùng ngôn từ.
Tiến sĩ Wendy Mogel, tác giả của The Blessing of a Skinned knee từng nói "Cách hiệu quả nhất để nói chuyện với một đứa trẻ là sử dụng những từ và câu đơn giản cho phép con sống trong cảm xúc của mình nhưng vẫn tuân theo các quy tắc của bạn". Nếu bố mẹ cho trẻ cơ hội nói không, trẻ có thể sử dụng quyền phủ quyết của mình bất cứ khi nào có thể. Điều đó có nghĩa là bố mẹ không hoàn toàn kiểm soát được những câu mệnh lệnh của mình. Vì vậy hãy biết cách dùng những từ ngữ cụ thể trong từng cảnh huống để đứa trẻ được tự do với suy nghĩ và định hướng của mình. Có như vậy trẻ mới thật sự cảm nhận được hạnh phúc.
1. "Mẹ cần suy nghĩ về điều đó"
Trước yêu cầu của con, các bà mẹ thường phản xạ tức thì, đưa ra câu trả lời ngay lập tức. Nhưng thốt ra ngay điều vừa nảy ra trong đầu có thể khiến mẹ hối tiếc và kéo theo sự thất vọng. Còn nếu như nói với con "Mẹ cần suy nghĩ một chút về điều đó" hiệu ứng sẽ bùng nổ hơn thế. Câu nói này mang lại cho mẹ quyền lực, mua thời gian cho chính bản thân và gợi ý cho trẻ hiểu rằng mọi người cần suy nghĩ trước khi nói và làm, cân nhắc những ưu và khuyết điểm trước khi đưa ra phản hồi. Nếu con hay nghe mẹ nói "Mẹ sẽ phải suy nghĩ về điều đó", bé sẽ trở nên thoải mái hơn khi dành thời gian đưa ra quyết định của riêng mình, điều này có thể mang lại lợi ích lâu dài.
2. "Điều đó khiến con cảm thấy thế nào?”
Gần đây có rất nhiều bàn cãi về cách cha mẹ cho con “tắm mát” với những câu khen ngợi kiểu như “Con thật tuyệt vời”, "Tuyệt vời! Con buộc dây giày tuyệt quá!". Thay vì sự nhiệt tình quá mức này, tiến sĩ Mogel muốn hướng các mẹ thử hỏi "Điều đó khiến con cảm thấy thế nào?" khi trẻ làm điều gì đó đáng khen ngợi. Phản ứng này giúp bố mẹ thoát khỏi nhàm chán khi chạy theo những lời khen ngợi và khuyến khích suông rỗng. Con sẽ phải nghĩ và tìm ra điều gì thực sự khiến bé thấy thỏa mãn, thay vì chỉ nghĩ đến kết quả cuối cùng. Điều đó sẽ giúp con trở nên hạnh phúc hơn.
3. "Wow!!!"
Sử dụng lời cảm thán này khi con bạn gặp vấn đề hoặc khi con làm điều gì đó mà bé biết sẽ khiến mình gặp phải rắc rối (ví dụ như bé làm đổ hộp sữa khi mẹ đã vừa cảnh báo tức thì). Chỉ cần nói "Wow!!!" một tiếng, bé sẽ hiểu mẹ đã nhận ra điều gì nhưng cũng đồng thời không cam kết sẽ trả lời ngay lập tức phản ứng tiếp theo là gì. Điều này sẽ cho mẹ có thêm thời gian để đặt mình vào tình huống của con và tìm ra cách xử lý nó.
4. "Xem nào, liệu chúng ta có thể tìm thấy thứ gì đó tốt đẹp trong chuyện tồi tệ này không"
Một kiệt tác lego của con bị rơi, các mảnh ghép vương vãi khắp sàn nhà. Đó là nỗi kinh hoàng đối với một đứa trẻ. Bí quyết để mẹ giúp con kiểm soát sự thất vọng đó là đừng vội vã giải cứu con khỏi cảm giác tồi tệ đó. Thay vào đó, hãy giúp con rèn kỹ năng đối phó với sự thất vọng. Tất nhiên, không dễ để khiến con phải ngừng rơi nước mắt trừ khi chưa có chuyện gì xảy ra. Nhưng khi mẹ ngồi xuống và nói với con “Hãy tìm xem có điều gì tốt còn lại không nào” và kiên trì cùng con suy nghĩ, đứa trẻ sẽ hiểu mình cần phải học cách chấp nhận những điều không như là mơ.
5. "Hãy lắng nghe cơ thể của con"
Các bà mẹ tiếp xúc với cơ thể của con nhiều hơn bất cứ ai. Từ bé khi con ăn uống, tè ị đến cả khi con đau ốm. Tuy nhiên, nếu mẹ thường xuyên nhận ra nhu cầu thể chất của con, con sẽ nghĩ rằng mình không cần phải làm điều đó nữa. Mọi chuyện sẽ xảy ra theo kịch bản: “Mẹ ơi con đau bụng” và mẹ nói “Con ăn linh tinh trên trường đau bụng là đúng rồi”. Thay vào đó, hãy giúp bé nhớ lại một trong số những nguyên nhân có thể khiến bị đau bụng, bé sẽ chú ý nhiều hơn đến nó và phản ứng theo cách thích hợp hơn. Chẳng hạn bé sẽ nhớ lại xem mình vừa làm gì trước đó, có vừa chạy chơi vừa ăn không, có ăn gì đó lạ ngoài các món thường ngày không, có ăn đồ ăn bỏ qua ngày không.
6. "Hít một hơi trước đi"
Tất cả chúng ta đều cần phải chậm lại, nhưng trong lúc vội vã chúng ta thường quên mất điều đó. Trẻ cũng có những lúc cấp bách của mình khi vội vã chuyển tiếp giữa nhiều hoạt động. Thế nên trẻ cũng cần phải dừng lại và hít thở. Tiến sĩ Mogel nói hít một hơi cũng "tương đương với việc đặt mặt nạ oxy cho con vậy".
Con cái phản ánh tâm trạng của bố mẹ. Nếu bố mẹ cũng chịu dừng lại hít một hơi trước khi chuyển các hoạt động của mình thì trẻ cũng sẽ học theo và làm y như vậy. Cách tốt nhất để đảm bảo trẻ làm đúng là hãy ngồi xuống ngang tầm mắt của con, giữ tay con trong tay mẹ và cùng hít thở sâu. Khi làm xong điều này, trẻ sẽ tìm thấy được chiếc giày còn lại mà trước đó vì quá vội đã không nhìn thấy nó dù ở ngay trước mắt.
7. "Con có muốn làm lại không?"
Khi con bạn chùn bước trong thử thách ăn bông cải xanh của mình hay từ chối chia sẻ đồ chơi với bạn thì đây là một cách nhẹ nhàng để nhắc nhở con hành xử. Cái hay của câu này là cho phép trẻ nhận biết hành vi của mình là không thể chấp nhận được mà không cần phải trách mắng. Nó đang tỏ ra có tác dụng ngay cả khi mẹ không phải làm gì cả. Còn nếu biến câu nói đó thành "Chúng ta hãy làm lại nào" sẽ càng khiến cho nó thậm chí còn hiệu quả hơn. Cả hai mẹ con sẽ cùng nhau làm lại và bé không thể nói không với lời đề nghị này từ mẹ. Thêm vào đó, nó đưa bé vào tâm trạng an toàn bởi tin tưởng có đồng minh hỗ trợ nên sẽ sẵn sàng để làm lại và làm tốt hơn.
8. "Ý hay à nha!”
Trở thành người cổ vũ cho những ý tưởng lớn nhỏ của con sẽ giúp bé nhận ra rằng bé có thể giải quyết vấn đề của chính mình một cách hiệu quả. Cho dù mẹ có một đứa trẻ 2 tuổi đang cố tìm ra bộ đồ mà mình muốn mặc hôm nay hay là đứa trẻ 8 tuổi đang tranh luận về điều mà bé muốn viết trong buổi thảo luận trên lớp, câu nói “ý hay à nha” sẽ giúp bé có đủ dũng khí để tiếp tục ý tưởng của mình và có thêm bản lĩnh cũng như khả năng nhìn nhận vấn đề của chính bản thân.
Ngoài ra, để nuôi dạy con hạnh phúc bố mẹ cần mở ra cho con những lựa chọn. Nếu muốn nói không với con, hãy chọn 10 cách đơn giản và hiệu quả:
"Không... Tuy nhiên..."
"Bất kể..."
"Đó không phải là vấn đề"
"Mẹ chưa sẵn sàng cho điều đó"
"Mẹ đã suy nghĩ them về vấn đề đó và mẹ sẽ nói không"
"Mẹ nhớ là đã nói không về điều này rồi mà"
"Mẹ sẽ không thay đổi suy nghĩ của mẹ về điều này."