Trước khi làm bố mẹ, chúng ta đều đã từng làm những đứa con. Nếu có khi nào đó nhớ về tuổi thơ của mình, chắc hẳn nhiều người vẫn không thể quên được cảm giác bản thân đã tổn thương như thế nào khi phải nghe bố mẹ nói những câu vô tình. Thậm chí, có những tổn thương tâm lý trong quãng thời gian thơ bé có thể kéo dài đến tận khi chúng ta lớn lên và gây ảnh hưởng tới sự phát triển bản thân cũng như mở rộng tương lai!

Chính vì vậy, đừng tiếp tục đi lại vết xe đổ của chính bố mẹ mình và gây tổn thương cho con bằng những câu nói vô tình sau đây:

"Nhìn con nhà người ta xem"

Bạn ghét bị đối xử như thế nào, đừng làm như thế với người khác. Nếu con bạn nói: "Nhìn mẹ của người ta xinh đẹp thế nào", "Nhìn xem bố của người ta tốt thế nào," "Nhìn xem con nhà người ta học trường xịn ra sao", "Nhìn xem gia đình người ta giàu có thế nào", là phụ huynh, bạn có thể chấp nhận những lời này không? Bạn không thể chấp nhận thì tại sao lại nói với con như lời tương tự?

Chấp nhận sự tầm thường của con cái, giống như cách con cái chưa bao giờ yêu cầu cha mẹ phải xuất sắc như thế nào!

"Con không có tương lai đâu, sau này chỉ đi làm lao công quét dọn thôi"

"Hiệu ứng Aronson" trong tâm lý học, ám chỉ thái độ tiêu cực dần dần khi phần thưởng giảm đi và thái độ tích cực dần dần khi phần thưởng tăng lên. Sự động viên, khẳng định của cha mẹ đối với con cái chính là phần thưởng lớn nhất dành cho chúng.

Càng nhiều phần thưởng như vậy thì trẻ càng tiến bộ nhanh hơn, ngược lại, càng có nhiều nhận xét tiêu cực thì trẻ càng dễ coi đó là cái mác của riêng mình, từ "có lẽ không làm được" đến "thật sự không làm được".

"Mẹ không quan tâm nữa, con muốn làm gì thì làm"

Những lời nói này sẽ khiến trẻ tự ti về bản thân và chịu nhiều áp lực từ phía cha, mẹ. Do đó, phụ huynh nên nhận biết rằng con trẻ của mình cần được nghe những lời động viên cũng như lợi ích trên con đường của chúng.

Trong một siêu thị, cậu bé nọ cầm món đồ chơi trên tay, rưng rưng nước mắt nhìn mẹ cầu xin. Người mẹ ngước mắt nhìn giá ghi trên kệ, khẽ nhíu mày. Chi phí tháng này đã vượt quá ngân sách, không thể tiêu tiền vào những món đồ chơi vô nghĩa này. Chị hứa với con lần sau sẽ mua, nhưng đứa trẻ lên 5 biết rằng mẹ đang dối mình. Cậu òa khóc.

Tiếng khóc của đứa trẻ nhanh chóng thu hút sự chú ý của các nhân viên và rất đông người qua đường. Thấy con ương ngạnh, người mẹ cuối cùng cũng "chiến thắng" bằng một lời đe doạ: "Mẹ chỉ đếm đến 3 thôi. Con không bỏ đồ chơi xuống, mẹ sẽ không cho con đi về nhà đâu". Nghe mẹ nói vậy, đứa trẻ lập tức nín khóc.

Đối với cách làm của người mẹ này, nếu phân tích kỹ từ góc độ dài hạn, bạn sẽ thấy rằng mặc dù tổn thất về tài chính có thể tránh được nhưng cách giáo dục này sẽ có tác động xấu đến tính cách của đứa trẻ.

"Bố/mẹ chỉ đếm đến 3", "Bố/mẹ không yêu thương con nếu con làm điều này một lần nữa"; "Con muốn làm gì thì làm"... Về cơ bản, mọi đứa trẻ đều nghe thấy những câu nói quen thuộc này trong thời thơ ấu. Mỗi khi những lời đe dọa này này phát ra, hiệu quả luôn thấy được ngay lập tức.

Nhưng, những lời nói ấy đã gây ra bao nhiêu tổn thương cho tâm hồn non nớt của trẻ, liệu cha mẹ đã thực sự nghĩ đến và cân nhắc hay chưa? Những đứa trẻ hay bị đối xử như vậy thường có một điểm chung là rụt rè và bất an trong tâm lý. Biểu hiện rõ ràng và trực tiếp nhất ở trẻ: sợ bóng tối, sợ đi nhà trẻ, sợ ngủ một mình.

hình ảnh

Trẻ nhỏ dù ngây thơ nhưng tâm hồn rất nhạy cảm, dễ tổn thương bởi những lời nói vô tình của người lớn, ảnh: dsD

“Mẹ quá thất vọng về con”


Ai trên đời cũng sẽ mắc phải sai lầm nên trẻ con phạm lỗi cũng là lẽ đương nhiên. Khi con mình có lỗi thì cha, mẹ nên khuyên con và chỉ ra hậu quả để con trẻ phát hiện và nhận thấy rằng việc làm của mình là không đúng.

Đừng vội vã kết luận về khả năng của con cũng như bày tỏ sự thất vọng sẽ khiến trẻ cảm thấy mình thật kém cỏi và không có động lực để phấn đấu nữa

"Đi ra chỗ khác đi, bố mẹ không muốn nhìn thấy con nữa"

Dù câu nói này phần lớn chỉ là bố mẹ muốn có không gian yên tĩnh thôi nhưng phần lớn trẻ không hiểu được như vậy. Câu nói vô tình này sẽ làm trẻ nghĩ rằng cha, mẹ đã ghét bỏ mình, từ đó dẫn đến tâm lý cách xa gia đình, nhiều bé còn chọn cách tệ hơn là bỏ nhà ra đi. Vì vậy, khi cha, mẹ không muốn nhìn thấy con nữa thì hãy kêu con vào phòng kiểm điểm bản thân, còn phụ huynh sẽ chờ đến khi bình tĩnh trở lại và sẽ khuyên nhủ con sau.

"Con im đi" 

Nhiều bậc cha mẹ tưởng chừng như đang hỏi ý kiến con một cách dân chủ khi giao tiếp với con nhưng thực tế họ hoàn toàn phớt lờ suy nghĩ thực sự của con. Bằng cách áp đặt ý tưởng của riêng mình lên con cái, cha mẹ càng củng cố thêm vị thế quyền lực tuyệt đối của mình trong gia đình.

Nhưng việc nuôi dưỡng một đứa trẻ không có tư duy độc lập không nên là mục đích giáo dục của gia đình. Khuyến khích trẻ bày tỏ cảm xúc thật, hỏi trẻ "con nghĩ gì" và hỗ trợ trẻ nỗ lực trong khả năng của mình, đây là điều cha mẹ thực sự nên làm.

"Tại sao con không thể làm tốt hơn?"

Khi con được 9 điểm, chúng háo hức về nhà và khoe ngay với bạn: "Mẹ ơi, con được tận 9 điểm". Trước đó con chưa bao giờ đạt điểm cao như vậy nên lần này, con vô cùng mong chờ sự khen ngợi từ bạn, vậy mà bạn lại nói: "Tại sao con không được 10 điểm? 9 điểm có gì để tự hào, cũng có phải điểm tối đa đâu".

Khi con cố gắng thể hiện bản thân và đã có tiến bộ, đây là lúc con muốn nhìn thấy sự ngưỡng mộ và khen ngợi từ cha mẹ, nhưng cha mẹ không thấy sự cố gắng của con, bỏ qua sự tiến bộ và phát triển của con, từ đó xóa bỏ luôn lòng tự tin của con!