Sinh non co thể đến từ nguyên nhân sức khỏe của thai phụ nhưng cũng có khi là do tình trạng tâm lý và điều kiện sống của bà bầu.

Trẻ chào đời trước 37 tuần thai thì gọi là sinh non. So với trẻ đủ tháng, trẻ sinh non chịu nhiều thiệt thòi vì có nguy cơ mắc các bệnh như: nhẹ cân, suy hô hấp, các khuyết tật cơ thể, khiếm thị, khiếm thính, bại não… Các di chứng này có thể theo bé đến suốt cuộc đời.

7 kiêng kị trong thực đơn ăn uống của mẹ bầu để ngừa sinh non, dị tật thai

Để sinh con khỏe mạnh, mẹ tròn con vuông, thai phụ cần biết các nguyên nhân gây sinh non để tìm cách phòng tránh nếu có thể.

Theo chuyên gia, 7 nhóm bà bầu có nguy cơ sinh non gồm:

1. Bà bầu có tiền sử sinh non, sảy thai, phá thai, khoảng cách giữa 2 lần mang thai ngắn

Nếu mẹ bầu có tiền sử sinh con thiếu tháng sẽ có nguy cơ tái phát từ 25 - 50%. Ngoài ra nếu mẹ đã từng sảy thai, phá thai, khoảng cách giữa 2 lần mang thai quá ngắn (có bầu trong vòng 6-9 tháng sau lần sinh trước) thì khả năng sinh non có nguy cơ tăng cao. 

2. Bà bầu mắc dị tật tử cung

Bà bầu mắc dị tật ở tử cung bao gồm hở eo tử cung, tử cung bất thường, cổ tử cung mở sớm, cổ tử cung ngắn, u xơ tử cung... nằm trong nhóm thai phụ dễ sinh non.

3. Bà bầu mang song thai hoặc đa thai

Các chuyên gia cho biết, khoảng 60% trẻ sinh đôi và 90% trẻ sinh ba thường sinh non. Nhiều nghiên cứu cho thấy, người mẹ mang 1 thai sẽ sinh con vào khoảng 39 tuần, sinh đôi khoảng 36 tuần, sinh ba khoảng 32 tuần, sinh tư khoảng 30 tuần.

hình ảnhNguồn ảnh: babyzone

4. Bà bầu có lối sống không lành mạnh

Bà bầu lười vận động, lười ăn, nhẹ cân, suy dinh dưỡng, thường xuyên căng thẳng và lạm dụng chất gây nghiện (hút thuốc, uống rượu) được cảnh báo nên thay đổi lối sống để sinh con khỏe mạnh, đủ ngày đủ tháng.

5. Bà bầu mắc bệnh phụ khoa

Nếu mẹ bầu mắc các bệnh về nhiễm trùng, bệnh phụ khoa, đặc biệt viêm cổ tử cung hoặc viêm âm đạo thì các vi khuẩn trong cơ thể phát triển làm lớp màng bao bọc thai nhi yếu đi. Màng ối là môi trường sống bao quanh thai nhi, giúp bé hấp thụ oxy mà không cần phải thở. Khi màng ối xuất hiện tình trạng bất thường tức là môi trường sống của thai nhi bị đe dọa. Từ đó làm tăng khả năng sinh non.

6. Bà bầu mắc các bệnh viêm gan B, tiểu đường, bệnh tim

Mẹ bầu mắc các bệnh viêm gan B, viêm thận, bệnh tim, tiểu đường, cao huyết áp… có khả năng sinh non cao.

hình ảnhNguồn ảnh: kidstime

7. Bà bầu gặp biến chứng về nhau thai

Nhau thai được coi là “trạm trung chuyển” chất dinh dưỡng từ mẹ qua dây rốn chuyển đến thai nhi. Khi mẹ mắc các biến chứng về bánh nhau như nhau bong non, nhau tiền đạo, thiểu năng nhau, nguồn dưỡng chất cung cấp cho thai nhi sẽ bị đe dọa làm em bé ra đời sớm hơn dự kiến.

Sinh con và nuôi con là cả một hành trình đầy ý nghĩa với các bậc làm cha làm mẹ. Không ai mong muốn con mình sinh ra gặp vấn đề gì cả. Chính vì vậy, nếu nguyên nhân gây sinh non nào liên quan đến lối sống, sinh hoạt thì mẹ hãy tránh ngay từ khi biết mình cấn thai nhé.