Với những chị em chuẩn bị làm mẹ lần đầu, chắc hẳn đa số đều sẽ rất tò mò về 7 điều khó nói của việc đẻ thường vì đây là những điều không phải ai cũng biết.
Chị đồng nghiệp trên công ty em mấy bữa nay cứ lo mãi cái vụ không biết nên sinh thường hay sinh mổ các mẹ ạ. Bả mang thai lần đầu, nay mới được 5 tháng nhưng muốn tìm hiểu kỹ trước nên cứ hỏi hết cái này đến cái khác. Em chưa tròn 30 nhưng đã trải qua 2 lần bầu bí, đều là sinh thường nên cũng tư vấn được cho bả chút xíu kinh nghiệm về mảng này. Thấy nhiều mẹ cũng có thắc mắc tương tự nên tiện đây em chia sẻ luôn 7 khó nói của việc đẻ thường cho các chị hiểu rõ hơn nè, ai đang quan tâm có thể tham khảo xem sao nha.
Ai cũng phải rạch tầng sinh môn?
Rạch tầng sinh môn là một thủ thuật hỗ trợ em bé chui ra dễ dàng, nhanh chóng hơn đồng thời hạn chế được những rủi ro và tai biến có thể xảy đến. Tuy nhiên không phải sản phụ nào cũng bắt buộc phải rạch tầng sinh môn. Sự thật là có một số mẹ dễ sinh, thai nhi nhỏ, đường ra thuận lợi hoàn toàn có thể đẻ thường trơn tru mà không cần rạch đó ạ!
Sau khi vỡ ối sẽ sinh con được ngay?
Nhiều mẹ khi thấy hiện tượng vỡ ối thì vô cùng hốt hoảng vì sợ con sẽ đòi chui ra ngay giống như… trong phim. Tuy nhiên sự thật là việc sinh nở hoàn toàn không dễ dàng như thế đâu, có rất ít trường hợp mẹ dễ sinh đến mức vừa vỡ ối con đã ra ngoài nên mẹ đừng quá lo lắng. Hãy bình tĩnh, hít thở sâu vì khả năng cao là mẹ sẽ phải chờ một khoảng thời gian khá lâu từ khi vỡ ối cho đến lúc đón con chào đời đấy.
Đi đẻ bắt buộc phải “cạo” vùng kín?
Mẹ sinh thường chắc chắn sẽ được cạo sạch “vùng kín” để đảm bảo vệ sinh và không gây cản trở tầm nhìn của bác sĩ trong quá trình đỡ đẻ. Vì thế nếu cảm thấy ngại khi để các y tá “xử lý” hộ, mẹ có thể tự chủ động làm sạch vùng lông của mình trước khi đi sinh nhé.
Rặn đẻ lại thành…. “đi nặng”
Một số mẹ thường lo lắng mình sẽ vô tình “đi nặng” trong quá trình chuyển dạ và rặn đẻ. Thế nhưng mẹ cũng hãy yên tâm vì nếu có xảy ra thì các bác sĩ và y tá cũng sẽ hoàn toàn thông cảm vì đây là trường hợp họ gặp khá thường xuyên. Hơn nữa khi vào phòng chờ sinh, thường y tá sẽ sẽ tiến hành bơm thuốc tháo thụt ruột để giúp mẹ đẩy phân ra ngoài trước, hạn chế tình trạng rặn đẻ lại thành…”đi nặng”.
Nỗi ám ảnh mang tên “khám trong”
1 trong 7 điều khó nói của việc đẻ thường mẹ cần biết để chuẩn bị tinh thần đó chính là việc “khám trong”. Bác sĩ sẽ dùng ngón tay đưa vào cửa mình của mẹ để khám độ mở của tử cung. Điều này có thể khiến chị em cảm thấy khó chịu hoặc bị xấu hổ đôi chút nhưng đây là thao tác cần thiết nên mẹ hãy cố gắng thả lỏng, chuẩn bị trước tinh thần để các bác sĩ thực hiện thăm khám dễ dàng hơn nhé.
Hít thở đúng cách sẽ giúp sinh dễ hơn
Biết hít thở đúng cách thực sự sẽ là trợ thủ tuyệt vời giúp công cuộc rặn đẻ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Đó chính là lý do nhiều chuyên gia khuyên chị em chúng ta nên học một lớp yoga bầu để tập kiểm soát hơi thở và biết hít thở đúng cách đấy.
Sinh thường phục hồi nhanh hơn sinh mổ
Tuy đôi khi phải trải qua khoảng thời gian chuyển dạ khá lâu và gian nan nhưng chị em đẻ thường sẽ phục hồi nhanh hơn khi sinh mổ (thông thường chỉ mất khoảng 1-2 ngày). Vì thế việc chăm sóc con cũng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.
Hy vọng 7 điều khó nói của việc đẻ thường trên có thể giúp các mẹ hiểu rõ hơn về phương pháp sinh nở này để có sự chuẩn bị tốt nhất trong việc đón con chào đời một cách suôn sẻ nhất.