Bên cạnh việc áp dụng chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, mẹ bầu cần biết 6 cột mốc siêu âm thai quan trọng để thai kỳ khỏe mạnh, mẹ tròn con vuông.
Không biết các mẹ như nào chứ hồi bầu bì em luôn tuân thủ theo lịch khám thai, siêu âm của bác sĩ . Vì với em, các buổi siêu âm là cơ hội tuyệt vời để em được nhìn con, được biết cụ thể tình hình sức khỏe của con ngay từ khi còn trong bụng. Với cả, siêu âm còn giúp mình phát hiện sớm các vấn đề bất thường ở thai nhi nên dù có bận mấy hai vợ chồng em cũng sắp xếp thời gian đi khám thai, siêu âm theo đúng lịch đó ạ. Và thông thường, một mẹ bầu khỏe mạnh sẽ có 6 cột mốc siêu âm thai quan trọng như sau:
Siêu âm lần 1: Từ 6 - 10 tuần
Đây chính là lần đầu tiên được nhìn ngắm bé yêu nên các mẹ đừng bỏ lỡ nha! Với cả, hầu hết các chuyên gia đều khuyên mẹ nên thực hiện siêu âm sớm từ tuần thứ 6 để biết chính xác số lượng thai, kích thước thai, đo tim thai, cũng như để bác sĩ kiểm tra xem thai có nằm lạc chỗ hay là không.
Siêu âm lần 2: Từ 11 – 14 tuần
Lần siêu âm thứ 2 này rất quan trọng các mẹ nha. Không những đánh giá chi tiết tình trạng sức khỏe của mẹ, siêu âm lần thứ 2 còn giúp sàng lọc dị tật, phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường ở bé nữa đó ạ! Trong lần này, các bác sĩ sẽ thực hiện phương pháp siêu âm đo độ mờ da gáy để dự đoán, phát hiện sớm các dấu hiệu dị tật thai nhi.
Hồi trước, em có hỏi bác sĩ rằng làm siêu âm đo độ mờ vai gáy sớm hoặc muộn hơn thời điểm này có được không thì bác sĩ khuyên là nên thực hiện khi thai vừa tròn 11 tuần tuổi. Thứ nhất, vì giai đoạn này bé yêu trong bụng mẹ đã phát triển gần như hoàn thiện các bộ phận chính như đầu, mắt, mũi, miệng, tay, chân… nên kết quả siêu âm sẽ chính xác hơn. Thứ 2, thực hiện siêu âm đo độ mờ da gáy cùng với xét nghiệm Double test sẽ giúp kiểm tra xem thai nhi có nguy cơ mắc bệnh Down, Edward, Patau… hay không, phát hiện sớm sẽ giúp bác sĩ có hướng xử lý tốt nhất đó ạ!
Siêu âm lần 3: Từ 18 - 22 tuần
Một trong 6 cột mốc siêu âm thai quan trọng mẹ không nên bỏ lỡ chính là từ 18 - 22 tuần đó ạ! Trong lần siêu âm này, bác sĩ sẽ quan sát tổng quát cơ thể thai nhi nhằm phát hiện các dị tật bên ngoài như hở hàm ếch, sứt môi, dị tật ngón tay, bàn tay…; dị tật cơ quan bên trong như thận, tim…
Nếu kết quả siêu âm có gì bất thường, mẹ sẽ được bác sĩ chỉ định làm xét nghiệm Triple test để chẩn đoán nguy cơ thai nhi bị down, dị tật hệ thần kinh trung ương.
Siêu âm lần 4: Từ 30 – 32 tuần
Thông qua kết quả siêu âm, mẹ và bác sĩ sẽ đánh giá được tình trạng phát triển của thai. Đặc biệt, lần siêu âm thứ tư này còn giúp mẹ phát hiện những dị tật thường xuất hiện muộn như tắc ruột, nhẵn não… Mẹ cũng đừng quên nhờ bác sĩ tư vấn kỹ về chế độ dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe của 2 mẹ con trong trạng thái tốt nhất nhé!
Siêu âm lần 5: Từ 32 - 34 tuần
Lần siêu âm này sẽ giúp bác sĩ xác định chính xác ngôi thai để đưa ra tiên lượng về phương pháp sinh (sinh thường hay là sinh mổ) cho mẹ. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra tử cung để phát hiện xem có mẹ dấu hiệu sinh non hay là không.
Siêu âm lần 6: Từ 38 - 41 tuần
Từ 38 - 41 tuần, mẹ cần đi siêu âm để được bác sĩ đo tim thai, theo dõi trọng lượng thai và tình trạng nước ối, dây rốn, bánh nhau lần cuối để hành trình vượt cạn của mẹ diễn ra an toàn, suôn sẻ nhất.
Trên là 6 cột mốc siêu âm thai quan trọng, thương con mẹ tuyệt đối không được chủ quan hay bỏ qua nhé!