Trái ngược với 3 câu hỏi chung chung khiến trẻ cảm thấy khó trả lời, thì đây là 5 câu hỏi khiến mỗi buổi đón con ở trường về là một ngày vui, khuyến khích trẻ muốn đến trường nhiều hơn.

Vấn đề ở những câu không nên hỏi khi đón con đi học về chính là câu hỏi được đưa ra quá chung chung khiến con hoang mang, không biết nên trả lời thế nào mới đúng ý ba mẹ hỏi. Cũng vì chung chung nên trẻ phân vân không biết nên nói thật hay nói dối, nói điều tốt hay nói xấu về lớp học. Lâu dần điều này gây nên vấn đề tâm lý, khiến trẻ cảm thấy khó chịu khi phải luôn “vấn đáp” với ba mẹ sau mỗi ngày đi học.

Trái ngược với những câu khó trả lời, 5 câu nên hỏi khi đón con đi học về sẽ giúp con cởi mở hơn, thích chia sẻ với ba mẹ hơn những gì được tiếp thu ở lớp. Đồng thời khuyến khích con ngày càng thích đi học hơn. Tất cả bí quyết đơn giản chỉ nằm ở cách ba mẹ phải hỏi vào từng vấn đề cụ thể, đơn giản và đặc biệt dễ trả lời.

Hôm nay ở lớp có chuyện gì vui hay thú vị không?

Câu hỏi này sẽ giúp con nhớ lại những niềm vui con đã có được trong lúc học ở trường, những điều khiến con cảm thấy thú vị, khó quên. Khi trẻ trả lời ba mẹ câu hỏi này, ký ức của con cũng ghi lại một kỷ niệm đẹp.

hình ảnh

Giúp con nhớ lại những niềm vui ở lớp sẽ khiến con thích đi học hơn. Ảnh: news

Thay vì khiến con cảm thấy việc đi học là gánh nặng, nhàm chán, hỏi con về chuyện vui sẽ khiến con tự cảm thấy việc đi học là một điều tốt, giúp con càng hào hứng đi học vào ngày hôm sau do mong chờ những điều thú vị tiếp theo.

Và cha mẹ nên nhớ, khi đã hỏi con xong, đây là niềm vui theo con cảm nhận nên ba mẹ cần tôn trọng và có những cảm xúc tích cực, đừng “tạt nước lạnh”, tỏ vẻ nhàm chán sẽ khiến con mất đi hứng khởi ban đầu.

Con đã được đọc bài thơ, tập hát bài gì vào hôm nay?

Trẻ còn nhỏ, đôi khi câu “Hôm nay con học gì?” quá chung chung, khiến con chưa biết đâu mới là điều cha mẹ muốn hỏi. Việc con nghe cô kể chuyện, con tập nặn đất sét hay tô màu liệu có được xem là học không, một điều nhỏ này thôi cũng khiến con băn khoăn. Lúc này con cảm thấy như một kiểu báo cáo, đi học là một trách nhiệm mà con phải “trả bài” với ba mẹ mỗi ngày.

hình ảnh

Câu hỏi cụ thể "con được nghe kể chuyện gì", "con được đọc bài thơ gì" sẽ giúp con dễ trả lời hơn. Ảnh: Parenting

Vì vậy, ba mẹ cần có câu hỏi đi vào cụ thể, ví dụ như: “hôm nay ở lớp con được đọc bài thơ gì”, “hôm nay con học hát bài gì”, “hôm nay con có học vẽ, nặn đất sét không”. Những câu hỏi cụ thể sẽ giúp con nhanh chóng trả lời mà không cảm thấy khó hiểu hay quá mệt mỏi vì phải suy nghĩ nói sao cho đúng.

Ở lớp con chơi với bạn nào? Hôm nào con giới thiệu bạn cho ba mẹ biết được không?

Câu hỏi này vừa giúp ba mẹ thăm dò tình hình thích nghi của con ở lớp, vừa kích thích con muốn giao tiếp, kết bạn, tìm bạn chơi cùng. Việc mỗi ngày con đều kể về người bạn của mình, cùng nhau chơi chung, gắn bó sẽ giúp con càng thích đi học hơn chỉ vì lý do “lên lớp để gặp bạn ấy”.

Không chỉ vậy, khi ba mẹ muốn biết về bạn của con ở trường, con sẽ cảm thấy ba mẹ quan tâm mình và càng cởi mở hơn với ba mẹ, chăm chỉ kể chuyện ở lớp hơn.

Trưa nay ăn cơm con đã ngồi cùng bạn nào?

Hỏi hôm nay con ăn món gì có thể sẽ khiến trẻ cảm thấy khó chịu, dễ so sánh giữa món ngon lành ở nhà và những món con không thích ở trường. Thay vào đó hãy hỏi con đã ngồi ăn cùng bạn nào.

hình ảnh

Thay vì hỏi "trưa con ăn gì" hãy hỏi "con ngồi ăn cùng ai" sẽ hướng trẻ đến những cảm xúc khác nhau. Ảnh: Yicai

Trẻ sẽ hào hứng kể cho ba mẹ về bữa cơm, về người bạn ngồi cạnh, các con đã ăn như thế nào, nói những gì. Đây lại là một câu hỏi khiến trẻ nhớ đến những điều thú vị trong bữa cơm ở lớp, được ăn cùng bạn bè vui vẻ, thay vì cảm thấy cơm không hợp khẩu vị mà ghét đi học như câu “con ăn gì”.

Có điều gì con chưa hiểu/con chưa làm được cần ba mẹ giúp không?

Trong suy nghĩ non nớt của nhiều đứa trẻ, việc đi học mẫu giáo là một cách để ba mẹ “bỏ rơi” mình, ba mẹ không cần mình nữa. Hãy trấn an con bằng việc cho con biết ba mẹ luôn ở cạnh, yêu thương con.

Đưa ra lời đề nghị được giúp đỡ con là một cách gợi mở nhẹ nhàng để con nói ra những khó khăn của mình khi ở lớp. Đi học đâu chỉ toàn niềm vui, cũng có lúc con thấy khó chịu, cần giúp đỡ như bị bạn bắt nạt, cào cấu chẳng hạn. Ba mẹ xuất hiện giúp đỡ kịp lúc sẽ khiến con cảm thấy đi học không có gì đáng sợ hay nặng nề nữa.

Trò chuyện cùng con khi đón trẻ đi học về rất quan trọng, là một cách ba mẹ quan tâm, chia sẻ, đồng hành cùng con, giúp tâm lý con dần ổn định và cảm thấy vui vẻ với việc đến trường.

Theo QQ