Nhà tâm lý học Gerdi đã từng nói: "Cha là một sự tồn tại độc đáo, có một sức mạnh đặc biệt trong việc hình thành nhân cách và tương lai của con cái". Đối với một gia đình bình thường, người cha giống như bầu trời rộng lớn, bao la. Dưới bầu trời ấy, con cái vui vẻ trưởng thành trong nắng ấm; còn khi bão giông đến, cha là người che chở con cái, bảo vệ con khỏi những khó khăn.

Tuy nhiên, thật đáng tiếc, trong nhiều gia đình hiện đại, người cha chỉ lo làm việc, còn việc giáo dục con cái lại hoàn toàn giao cho mẹ. Một thực tế đau lòng là rất nhiều ông bố chỉ đóng vai trò làm "cỗ máy kiếm tiền" mà không tham gia vào việc hình thành nhân cách hay giáo dục con cái.

hình ảnh

Cha là người thích tiêu xài xa hoa, con cái không thể sống tiết kiệm

Một người cha sống xa hoa, tiêu xài phung phí sẽ rất khó có thể giúp con cái phát triển thói quen tiết kiệm và xây dựng những thói quen tài chính lành mạnh. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng quản lý tiền bạc của con cái mà còn tác động sâu sắc đến tính cách và giá trị sống của chúng.

Đối với người cha, nếu không làm gương về sự tiết kiệm, con cái sẽ rất khó học được cách quản lý tài chính và tránh lãng phí. Các ông bố cần phải nhớ rằng, đôi khi cách giáo dục tốt nhất là thông qua việc tạo ra gương mẫu sống tiết kiệm, giản dị, và luôn nhớ về những ngày tháng khó khăn để con cái học được cách sống có trách nhiệm.

Cha là người không có tầm nhìn xa, con cái bị kéo tụt tương lai

Từng có một cậu bé mới 5 tuổi đã biết đọc và sau này đã học làm thơ. Mọi người đều yêu mến và cổ vũ. Khi cùng cha đi chơi, đi đến đâu, cậu bé cũng được đối đãi như khách quý. Quan trọng hơn, người cha có thể cải thiện cuộc sống gia đình bằng cách bán thơ mà con sáng tác.

Buồn thay, thay vì giúp con phát triển, người cha chỉ biết lợi dụng con để bán thơ. Khi đứa trẻ lớn lên, tài năng dần mai một và trở thành một người bình thường.

Khi Vương An Thạch, một đại văn hào thời nhà Tống nghe được tin này đã xúc động nói: "Đứa trẻ này nhận được tài năng từ trời, vượt xa những người cùng thời, nhưng cuối cùng lại trở thành người bình thường, bởi vì cha nó chỉ biết kiếm tiền mà không biết giúp con học hành".

Điều này cho thấy, tầm nhìn của cha đối với cuộc sống và tương lai sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của con cái. Nếu người cha không biết định hướng cho con cái, không ủng hộ con trong việc học hành hay phát triển năng lực, thì con cái sẽ khó có cơ hội để tiến xa trong cuộc sống.

hình ảnh

Cha có tính cách nóng nảy, con cái sẽ thiếu tự tin

So với mẹ, tính cách của cha thường có phần nóng nảy và dễ nổi giận hơn. Có những người cha, chỉ cần uống một vài ly rượu là bắt đầu phàn nàn về gia đình và trút hết sự bực bội lên con cái.

Trên Zhihu (một trang mạng xã hội Trung Quốc), có cô gái đã đặt câu hỏi: "Cha tôi có tính khí nóng nảy, dễ nổi giận, tôi phải làm sao?".

Cô gái mô tả rằng cha cô luôn nổi giận mà không có lý do rõ ràng, và thỉnh thoảng còn dùng gậy để đánh người trong gia đình. Hiện tại, cô đang học cấp ba và cần một không gian yên tĩnh để học tập, nhưng trong tâm trí luôn có cảm giác phải phòng tránh cơn giận dữ của cha. Cô cũng thường xuyên bị cha ra lệnh làm việc nhà và cảm thấy vô cùng áp lực.

Cô nói rằng không biết tương lai mình sẽ thế nào, nhưng lại không dám trực tiếp đối diện và trò chuyện với cha.

Một người dùng đã trả lời cô rằng: "Khi con đã tự lập, tốt nhất là nên tránh xa cha càng xa càng tốt".

Đúng vậy, nếu con cái muốn có cơ hội thành công, đôi khi cần phải tránh xa người cha quá cứng nhắc và độc đoán. Nếu không, cả đời họ sẽ bị cha kiểm soát bởi sự "mạnh mẽ" quá mức.

Khi một đứa trẻ có những ý tưởng riêng, nhưng người cha lại không phân biệt đúng sai, cứ thế nổi giận, đứa trẻ sẽ dần mất đi dũng khí và không dám làm gì. Từ đó, chúng sẽ trở nên nhút nhát và thiếu tự tin. Khi thiếu tự tin, làm sao có thể có ý tưởng lớn lao? Chưa bắt đầu đã bị những lời chỉ trích, mắng mỏ làm nản lòng.

Tầm nhìn của mỗi người là khác nhau, và tính khí nóng nảy của cha thường xuất phát từ việc con cái không đáp ứng được kỳ vọng của ông. Điều này tạo ra mâu thuẫn giữa hai thế hệ. Con cái không có quyền phản kháng, nên phải chịu đựng. Tuy nhiên, điều này sẽ để lại vết thương trong tâm hồn trẻ nhỏ, làm giảm đi sự tự tin của chúng.

hình ảnh

Cha có hành vi ngoại tình, con cái sẽ gặp họa

Nhà văn thời Minh, Lý Mộng Sơ, đã viết về một người đàn ông sống ở tỉnh Vân Nam, một gia đình giàu có.

Để tranh giành tài sản với anh em trong gia đình, người này đã chi tiền hối lộ quan chức địa phương. Nhưng trước khi vụ kiện kết thúc, quan chức này bị cách chức và quay về quê hương ở Tứ Xuyên.

Lúc này, người đàn ông cảm thấy bất mãn và mang theo một nhóm người đến Tứ Xuyên tìm vị quan này đòi lại tiền hối lộ. Trên đường đi qua Thành Đô, ông bị một cô gái trong một nhà thổ mê hoặc, tiêu hết tiền và sau đó bị hãm hại. Hơn một năm sau, hai con trai của ông cũng đến Thành Đô, và thật đáng xấu hổ khi họ cũng bị cô gái nhà thổ này quyến rũ.

"Cha hư thì con hỏng" - Đây là một bài học quan trọng mà mỗi người cha cần ghi nhớ.

Khi một người cha sa vào tình yêu ngoài luồng hay có hành vi không đứng đắn, hình ảnh của ông ta sẽ bị phá hủy trong mắt con cái. Điều này tạo ra bóng ma trong tâm trí trẻ, ảnh hưởng đến sự phát triển và hạnh phúc của chúng.

Nếu con cái học theo hành động của cha, theo đuổi những mối quan hệ tồi tệ, thì gia đình sẽ không thể hạnh phúc. Những cặp vợ chồng sẽ cãi vã, và cuối cùng dẫn đến ly hôn.

Nuôi dạy con cái tốt chính là một cách kiếm tiền

Cha không chỉ cho con cái sự sống mà còn có ảnh hưởng mạnh mẽ đến vận mệnh của con cái. Một người cha cần có trí tuệ và sức mạnh, đừng nhu nhược, đừng độc đoán, đừng do dự hay mất kiên nhẫn.