Thấy con mình bị bệnh, người làm cha làm mẹ không thể không lo lắng.
Họ nghĩ ngay đến mọi phương cách giúp con yêu khỏe mạnh nhưng không ngờ rằng chính những thói quen hàng ngày của cha mẹ ảnh hưởng sức đề kháng của con, khiến cho hệ miễn dịch của trẻ ngày càng yếu đi.
Một người mẹ đã chia sẻ câu chuyện của con trai mình lên mạng xã hội. Con trai của cô gần đây bị cảm lạnh. Lúc đầu, cô chỉ nghĩ đơn giản rằng đây là căn bệnh bình thường do thời tiết chuyển mùa. Nhưng đứa trẻ cứ bệnh mãi không khỏi. Nên cô đành đưa con đến bệnh viện. Bác sĩ đã chỉ cho cô thấy một số thói quen hàng ngày của người mẹ này hóa ra lại là những sai lầm nghiêm trọng khiến con cứ bị bệnh dai dẳng.
1. Cho trẻ mặc quần áo quá dày
Để bảo vệ trẻ, cha mẹ luôn nhồi nhét cho trẻ với hàng tá những loại áo ấm khác nhau, nhất là khi con phải hoạt động ngoài trời. Tuy nhiên đây là một điều hoàn toàn sai lầm. Trẻ con thích chạy nhảy nô đùa. Con có thể toát mồ hôi ngay cả khi thời tiết đang rất lạnh. Việc ủ ấm quá mức sẽ khiến mồ hôi không bay hơi được, làn da trẻ càng trở nên bí bách ngột ngạt. Đồng thời, cho trẻ mặc quần áo quá dày trong thời gian dài sẽ khiến trẻ không kịp thích nghi với nhiệt độ của môi trường, khiến sức đề kháng của cơ thể bị yếu dần đi.
Bên cạnh đó, nhiều gia đình lạm dụng các loại thiết bị sưởi ấm như điều hòa, máy sưởi sẽ khiến cơ thể có nguy cơ mất nước, khô da, nhất là máy sưởi sẽ khiến khô mũi, ảnh hưởng đến hệ hô hấp gây khó thở ở trẻ.
2. Không cho trẻ vận động
Một số cha mẹ luôn quá lo lắng cho con, sợ con ra ngoài sẽ dễ bị thương, dễ bị lây nhiễm vi khuẩn, vi trùng, khói bụi ô nhiễm,… nên chỉ cho con ở trong nhà, ít di chuyển và chỉ cắm mặt vào điện thoại. Đây là thói quen của cha mẹ ảnh hưởng sức đề kháng của con. Cha mẹ nên nhớ rằng để có một cơ thể khỏe mạnh, con phải thường xuyên được vận động, được vui chơi bên ngoài. Điều này sẽ giúp trẻ vui vẻ, thúc đẩy hệ thống trao đổi chất, ăn ngon, ngủ ngon và khỏe mạnh hơn. Ngược lại, trẻ ít vận động sẽ ảnh hưởng đến hệ miễn dịch cơ thể, giảm sức đề kháng, có nguy cơ mắc các bệnh như tim mạch, béo phì,...
Ảnh minh họa (Nguồn Global Times)
Nếu phụ huynh vẫn cứ lo lắng cho sự an toàn của con trẻ, thay vì ngăn cản, hãy chuẩn bị những vật dụng phù hợp cho con, chẳng hạn như một đôi giày thể thao thoải mái, có thể bảo vệ mắt cá chân và giúp con tập luyện an toàn hơn.
3. Uống thuốc
Nhiều ông bố bà mẹ thấy con mới chớm ho, hắt hơi, sổ mũi, đau họng… đã cuống cuồng đi mua thuốc cho con uống để phục hồi nhanh hơn. Quan điểm này là sai, vì với những bệnh nhẹ, trẻ có thể tự khỏi mà không cần bất kỳ thứ thuốc gì.
Chính việc lạm dụng thuốc, nhất là thuốc kháng sinh, là một trong những nguyên nhân làm trẻ giảm sức đề kháng. Kháng sinh tiêu diệt cả vi khuẩn gây bệnh lẫn vi khuẩn có lợi, điều này sẽ khiến khả năng phòng bệnh của cơ thể yếu đi. Và lần sau, khi con lại bị ốm, cha mẹ lại tiếp tục dùng kháng sinh liều cao hơn mới khỏi bệnh. Đây chính là cái vòng lẩn quẩn không hồi kết.
4. Vệ sinh cho con quá sạch sẽ
Để hạn chế vi khuẩn trong nhà, một số phụ huynh sử dụng rất nhiều loại sản phẩm tẩy rửa khác nhau với nồng độ mạnh, với mong muốn con mình được sống trong một môi trường hoàn toàn vô trùng. Hoặc cha mẹ có thói quen vệ sinh cho con quá sạch sẽ, mọi thứ liên quan tới con đều phải tiệt trùng, không cho con sờ vào những thứ dơ bẩn,… Trẻ được bao bọc trong môi trường quá sạch sẽ, khiến hệ thống miễn dịch của cơ thể trở nên “lười biếng”, ì ạch, không thể kích thích sản xuất kháng thể để bảo vệ cơ thể nên chỉ cần gặp chút “gió” là có thể mắc bệnh ngay.
Trong bối cảnh ngày càng có nhiều dịch bệnh bùng phát, hệ miễn dịch khỏe là điều kiện tiên quyết giúp trẻ khỏe mạnh, phòng tránh bệnh tật. Vì vậy, trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ nên tránh 4 thói quen của cha mẹ ảnh hưởng sức đề kháng của trẻ để con yêu của bạn luôn vui vẻ, khỏe mạnh.
Bài và ảnh tổng hợp từ Sina