Đừng hỏi vì sao mẹ dạy mãi mà con không có tiến bộ khi chính mẹ là người vẫn dậm chân tại chỗ với những điều bất ổn của mình.
Mẹ là người gần gũi trẻ nhất, tính cách, lời nói và việc làm của người mẹ sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến đứa trẻ. Cảm xúc của mẹ quyết định tương lai của trẻ, cách dạy dỗ của mẹ ảnh hưởng đến sự thành công của con.
Và có những người mẹ thất bại trong việc dạy con, không phải vì họ không thương con, không chăm sóc con, chỉ đơn giản là dạy sai cách, yêu sai đường nên mệt mỏi đủ kiểu vẫn mãi không thấy con nên người.
Thường rất thích hứa nhưng không thực hiện
“Con làm bài tập về nhà trước đi, làm xong mẹ sẽ đưa con đi chơi”. Kết quả, đứa trẻ làm bài xong, mẹ nói: “Để hôm khác nhé, hôm nay mẹ bận quá”. Cảnh tượng này rất phổ biến, hầu như xảy ra ở mọi gia đình, nhất là khi trẻ ồn ào và nghịch ngợm, hoặc khi trẻ cần hoàn thành bài vở, mẹ sẽ đưa ra điều kiện để con nghe lời.
Ảnh: sina
Nhưng mẹ lại quên mất mình phải thực hiện lời hứa, dần dần tạo nên sự thất vọng và mất niềm tin ở con trẻ. Sau đó lời mẹ nói sẽ không còn hiệu lực, đứa trẻ thậm chí còn nảy sinh phản kháng, chán ghét và lớn lên trong sự thất vọng, nghi ngờ. Mẹ có muốn con lớn lên cũng sẽ trở thành một người hay hứa và thất hứa?
Dành hết thời gian và tâm huyết cho con, đánh mất chính mình
Một người mẹ chỉ tập trung vào con mình, hoàn toàn quên chăm sóc bản thân chưa hẳn đã là người mẹ tốt và sẽ có được đứa con ngoan. Việc quá tập trung vào đứa trẻ sẽ khiến con sinh ra tính ỷ lại, lớn lối, nghĩ mình là trung tâm, đòi hỏi người khác chiều chuộng.
Ảnh: sohu
Việc mẹ dành quá nhiều tâm huyết vào con khiến cả mẹ lẫn con đều mệt mỏi, tạo áp lực lên đứa trẻ. Thực tế, khi mẹ nuôi dạy con theo cách này, con cái rất dễ xem nhẹ lòng biết ơn, coi thường công lao nuôi dưỡng của cha mẹ, thiếu tự lập khi lớn lên.
Người mẹ thích so sánh con với “con nhà người ta”
Các mẹ luôn có thể nhìn thấy con nhà người ta giỏi thế nào, tốt ra sao, quay sang con nhà mình lại chê cái này, chán cái nọ. Có những người mẹ xem so sánh con người khác là cách hay để dạy con mình nhưng thực tế lại không hiệu quả.
Ảnh: sohu
Các nhà tâm lý học chỉ ra rằng sự hiểu biết của trẻ về bản thân xuất phát từ con mắt của mọi người xung quanh, đặc biệt là cách nhìn của cha mẹ. Nếu một người mẹ luôn so sánh con mình với những đứa trẻ khác và thậm chí thường xuyên khuếch đại những khuyết điểm của con mình, điều đó sẽ khiến con mình cảm thấy tự ti, tự đánh giá thấp và phát triển kém hơn.
Kiểm soát mọi thứ
Việc kiểm soát tất cả mọi thứ, bắt con làm theo ý mẹ muốn với lý do “tốt cho con” cũng là một kiểu bà mẹ nên tránh bởi sẽ trở thành nỗi sợ hãi, ám ảnh trong lòng con.
Yêu thương không có nghĩa là thay con quyết định mọi thứ, trẻ được người mẹ thế này dạy dỗ sẽ dần mất đi niềm tin vào chính mình, không thể tự chọn lựa hay có suy nghĩ, chính kiến riêng, mất đi khả năng phán đoán độc lập.
Ảnh: zhihu
Nhìn từ ngoài vào thì có lẽ đứa trẻ đang rất biết nghe lời mẹ, điều đó thật tốt, nhưng trên thực tế con đang cảm thấy mất tự do, gò bó vì bị mẹ quản quá chặt. Những đứa trẻ bị mẹ kiểm soát, hoặc sẽ vì áp lực mà trở nên thu mình lại, rụt rè, hoặc sẽ trở thành những đứa trẻ ngỗ ngược, thích phá vỡ quy tắc.
Việc mẹ dạy con giỏi chưa bao giờ là dễ, nhưng có một đứa con nên người, sống vui vẻ hạnh phúc còn tốt hơn một đứa con thành công nhưng xấu tính đúng không? Đừng đè nén lên con cái quá nhiều kỳ vọng cũng đừng để bản thân vì quá thương con, mù quáng muốn con tương lai sáng lạn mà mắc phải những sai lầm khi dạy con mẹ nhé!
Theo Sina