Chỉ cần nhìn vào chỉ số siêu âm những tuần cuối của thai kỳ, bác sĩ sản khoa có thể giúp thai phụ dự đoán sinh thường hay sinh mổ.
Chuyện sinh nở ở các mẹ không ai giống ai. Dù có hàng tỷ người mẹ trên đời thì cách sinh con của mỗi mẹ sẽ mang một sắc thái khác nhau. Có người sinh dễ, có người sinh khó, có người sinh đau đến ám ảnh nhưng cũng có người “đẻ dễ như gà”. Song tựu trung, niềm hạnh phúc làm mẹ là động lực giúp phụ nữ vượt qua cơn đau thấu xương, hoàn thành trọn vẹn thiên chức của mình.
Không động đến bụng vẫn đổi ngôi thai khó sinh thành dễ sinh, 10 mẹ đã làm thành công cả 10!
Để chuẩn bị tinh thần cho cuộc sinh nở tốt nhất, dự đoán sinh thường hay sinh mổ, mẹ có thể dựa vào các chỉ số siêu âm.
Trọng lượng thai nhi
Người ta thường dựa vào kết quả siêu âm để xác định trọng lượng thai nhi, từ đó quyết định sinh thường hay sinh mổ. Tuy nhiên, cần nói rõ đây là phương pháp không chính xác hoàn toàn vì trọng lượng em bé có thể nặng hơn hoặc nhẹ hơn 8-15% so với cân nặng thực tế.
Sinh mổ sẽ khiến thời gian hồi phục của mẹ lâu hơn, chịu nhiều di chứng hơn so với sinh thường và em bé có nguy cơ bị suy hô hấp cấp tính hoặc bị hội chứng phổi ướt (hội chứng chậm hấp thu dịch phổi). Nhưng nếu kết quả siêu âm cho thấy cân nặng của em bé quá lớn, bác sĩ sẽ chỉ định sinh mổ.
Thường đối với tầm vóc phụ nữ Việt Nam, thai trên 3,5kg đã là to, sẽ rất khó để đi qua khung xương chậu của mẹ khi chào đời, đặc biệt với những em bé có mẹ bị tiểu đường thai kỳ. Trường hợp này, bác sĩ thường không bắt buộc sinh thường. Nhưng nếu tiên lượng thai nhi 4kg trở lên, mẹ sẽ được chỉ định mổ để hạn chế những biến chứng xảy ra trong và sau sinh.
Ngoài ra, nếu kết quả siêu âm cho thấy xương chậu mẹ quá hẹp hoặc thai to theo từng bộ phận như đầu to, vai hoặc bụng to…, khó chui qua ngả sinh thường thì mẹ buộc phải sinh mổ để tránh vỡ dạ con.
Vị trí ngôi thai
Ngôi thai là phần đầu tiên của cơ thể bé đi ra khỏi mẹ khi chuyển dạ và là một trong những yếu tố quyết định phương pháp sinh cho thai phụ.
Ngôi thai đầu (ngôi thuận) sẽ thuận lợi cho việc sinh thường. Hai dạng ngôi thai thường phải sinh mổ là ngôi ngược (ngôi mông) và ngôi ngang.
Với ngôi ngược, phần mông hoặc chân của bé sẽ đi ra ngoài trước. Nếu khung xương chậu của thai phụ rộng, cân nặng của bé dưới 3.2kg, cổ tử cung mở lớn, mẹ không bị vỡ ối sớm, đầu thai nhi cúi tốt thì mẹ vẫn có thể sinh tự nhiên. Nhưng nếu ngôi ngược mà thai to, khung chậu mẹ hẹp thì chắc chắn phải sinh mổ.
Với ngôi ngang, thai nhi sẽ không nằm theo trục dọc mà nằm ngang tử cung. Cũng có khi đầu và mông của thai nhi nằm xiên, một ở hố chậu, một ở hạ sườn (ngôi xiên). Đây cũng là trường hợp ngôi thai bất thường, bắt buộc phải mổ để đảm bảo an toàn cho mẹ lẫn thai nhi.
Các bất thường của thai nhi trong phòng sinh
Trong phòng sinh, sản phụ sẽ được theo dõi về nhịp tim thai, chuyển động của thai nhi. Nếu không có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, mẹ chắc chắn sẽ chọn cách sinh tự nhiên.
Còn nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như tim thai đập không đều, thai nhi cử động hỗn loạn, nước ối có phân su (khiến thai nhi dễ bị nhiễm độc nước ối)... thì bác sĩ sẽ tùy trường hợp mà cân nhắc có nên sinh mổ hay không.