‘3 lật, 6 ngồi, 7 bò, 8 trèo, 12 đi’ là các mốc mẹ cần nhớ theo dõi để cùng con luyện tập, giúp não bộ con phát triển, càng lớn càng nhanh nhẹn, lanh lợi.
‘3 lật, 6 ngồi, 7 bò, 8 trèo, 12 đi’ được gọi là những vận động thô, yêu cầu có sự kết hợp của cả cơ thể và não bộ. Đây được xem là những dấu mốc quan trọng của trẻ sơ sinh, phản ánh trí não của bé đang phát triển bình thường.
Việc mẹ tập cho bé vận động theo chuẩn ‘3 tháng lật, 6 tháng ngồi, 7 tháng bò, 8 tháng trèo, 12 tháng đi’ sẽ giúp bé phát triển trí não và tính cách qua các mốc vận động thô.
1. Phản ánh sự phát triển trí não
Các hành động của con người được thực hiện dưới sự điều khiển của não và hệ thần kinh. Do đó, sự phát triển các vận động theo từng giai đoạn của con sẽ phản ánh sự phát triển của hoạt động thần kinh ở vỏ não ở một mức độ nhất định.
Vận động ngày càng phức tạp hơn của trẻ sẽ phản ánh sự phát triển của trí não. Ảnh minh họa: allabouthearing
Những vận động của trẻ đúng từng thời điểm được xem là phát triển bình thường về cơ thể và trí tuệ. Ví dụ nếu sau 5 tháng mà bé chưa tự lật người lại được thì cha mẹ cần xem lại con có chậm phát triển trí não hay không.
Sự phát triển vận động theo từng thời điểm là một chỉ số quan trọng đánh giá sự trưởng thành não bộ của trẻ sơ sinh, trẻ càng lớn thì não bộ sẽ càng trưởng thành hơn cùng với những vận động phức tạp hơn từ lật sang bò, đi, chạy.
Việc quan sát sự phát triển não của bé rất quan trọng, tạo cơ sở để phát hiện sớm những bệnh như chậm phát triển, bại não, giúp quá trình điều trị và phục hồi tốt hơn.
Mẹ cần quan sát những vận động thô của con để kịp phát hiện những vấn đề về trí tuệ của con. Ảnh minh họa: shopify
Trẻ học cách ngẩng đầu, lật, ngồi, bò, đi sẽ giúp rèn luyện trí não, khi bé vận động linh hoạt sẽ kích thích trí não phát triển, ngược lại khi trí não phát triển sẽ giúp bé thực hiện được những hoạt động phức tạp.
2. Giúp bé có được sự tự tin
Khi trẻ lật, bò, đứng, đi và chạy, thế giới của bé sẽ ngày một mở rộng, tầm nhìn thay đổi, giúp bé kiểm soát tốt hơn các giác quan, cảm xúc và tự tin khám phá xung quanh.
Việc một đứa trẻ tự ngồi, tự đứng và đi trên đôi chân của mình mà không cần mẹ trợ giúp sẽ thúc đẩy trẻ tạo lập sự tự tin từ bé. Việc của mẹ là hỗ trợ con trong những bước đầu tập bò, ngồi và đi, nhớ khen ngợi con đúng lúc để con thấy thích thú và tự tin đi một mình hơn.
Việc bé tự vận động, đi lại một mình là cả một quá trình luyện tập kết hợp giữa các cơ, chi và não bộ. Điều này sẽ kích thích não bộ nhiều hơn, đồng thời khi trẻ thấy vui vẻ khi đã tự ngồi, đi được, cảm xúc cũng được kích hoạt giúp con thích tự mình làm nhiều thứ hơn.
Để trẻ luyện tập vận động thô sẽ dần giúp trẻ hình thành sự tự tin của mình. Ảnh minh họa: sohu
3. Tạo cho con thói quen tự lập
Việc con bắt đầu chạm đến các mốc vận động thô cũng đồng nghĩa với việc con đang dần có thể tự lập, di chuyển theo ý muốn. Lúc mới sinh, con chỉ có thể nhìn lên trần nhà hay quanh những nơi mẹ bế, sau đó con bắt đầu lật, bò, con bắt đầu nhìn được xa hơn.
Đến khi con tự ngồi, đi được, con đã có thể tự chơi và đến nơi con muốn. Đây là lúc mẹ có thể bắt đầu tập cho trẻ tính tự lập, tự lấy đồ chơi, tự đến bàn ăn, tự đi về phía mẹ khi con đã có thể tự đi vững… Lúc này mẹ còn có thể dạy con làm một số việc cá nhân như rửa mặt, rửa tay, xỏ giày…
Vận động thô rất tốt cho sự phát triển cơ thể và não bộ của con, mẹ cần hỗ trợ con trong từng mốc cụ thể để giúp con làm quen nhanh hơn. Bên cạnh đó mẹ nhớ bổ sung đủ dưỡng chất để giúp các cơ phát triển khỏe mạnh, hỗ trợ tốt khi con vận động
Một số trẻ sẽ vận động chậm hơn 1-2 tháng so với các mốc đề ra, tuy nhiên mẹ đừng quá lo lắng, chỉ khi vượt quá lâu so với mốc ‘3 lật, 6 ngồi, 7 bò, 8 trèo, 12 đi’ thì mẹ nên tìm bác sĩ nhé.
Theo Sohu