Nếu con vô tình thốt ra vài câu chửi tục, cha mẹ đừng nổi cáu, đánh con mà hãy dùng những biện pháp không roi đòn để sửa lỗi cho con.
Đây là câu chuyện của mẹ bé Minh về việc cô cực kỳ khó chịu khi con trai 3 tuổi tự dưng hay nói tục. Đỉnh điểm là một ngày có khách, cô mang hoa quả mời khách, khách bèn đưa cho Minh 1 quả táo. Lúc này Minh lại tức giận và nói: “Ăn cái rắm, đồ ngốc!” khiến mẹ không kịp đỡ.
Mẹ của Minh rất tức giận nên đã yêu cầu con xin lỗi khách, nhưng Minh lại tiếp tục tuôn ra một tràng những câu chửi bậy. Người khách sau đó rời đi trong khó xử, gia đình thì loạn lên, mỗi người mắng con một câu. Cuối cùng, Minh vẫn không bỏ được thói xấu, thậm chí còn nói nhiều hơn.
Câu chuyện này cho thấy, người lớn thường nổi giận, la mắng ngay khi nghe con nói bậy. Nhưng cha mẹ quên mất con đang thời kỳ học nói và khó phân biệt được câu nào nên học.
Trong giai đoạn đầu của việc học ngôn ngữ khi trẻ khoảng 3 tuổi, nếu trẻ vô tình gặp ai đó chửi nhau bằng từ thô tục, trẻ chỉ nghĩ đó là câu nói có uy lực để biểu hiện cảm xúc và học theo. Sau đó trẻ nói ở mọi nơi mà không cần biết có đúng không.
Lúc này cha mẹ nên có hướng giải quyết khi con chửi bậy cách tinh tế, điềm tĩnh, nói không với đòn roi, áp đặt, la mắng sẽ khiến tình trạng trẻ tồi tệ hơn.
Trẻ con thời kỳ học nói dễ tiếp nhận phải những câu nói bậy từ người lớn xung quanh. Ảnh: Internet
Bình tĩnh trước lời “chửi thề” của con, vô hiệu hóa chúng
Hầu hết các bậc cha mẹ đều nổi nóng và ghép tội cho con khi con nói bậy. Tất cả đều chỉ trích con, khiến con ức chế, nhưng càng cấm trẻ càng nói bậy nhiều hơn do sự tò mò, ham muốn tạo sự chú ý của cha mẹ dù là bị la mắng.
Đối với trẻ khoảng 3 tuổi, cách tốt nhất là bỏ qua những từ này, đừng nổi nóng, khiển trách, đừng cười hoặc chuyển hướng chú ý. Khi trẻ cảm thấy những gì mình nói đã bị phớt lờ và không hiệu quả như mình tưởng tượng, trẻ sẽ dần ngừng nói những lời này.
Cha mẹ cần cố gắng giữ bình tĩnh, tránh phản ứng gay gắt khi nghe con nói lời thô tục. Ảnh: Internet
Nói cho con biết “chửi thề” là xấu
Cha mẹ nên nói cho con hiểu “chửi bậy” là xấu, là thiếu tôn trọng người khác, khiến người khác không yêu thích con và xem con là đứa trẻ hư. Vì cha mẹ cần nhớ rằng trẻ đang học ngôn ngữ, trẻ chỉ nghĩ mình nói theo những gì mình nghe, không hề biết đây là chửi thề và như vậy là xấu.
Trẻ không hiểu nghĩa của "những lời chửi thề", và chúng chỉ nói cho vui. Cha mẹ khi phát hiện ra nên bình tĩnh trao đổi với con. Khi đứa trẻ cảm thấy điều đó không tốt cho mình, chúng sẽ muốn sửa chữa.
Hãy dành thời gian nói cho con hiểu, thay vì la mắng con mà chính trẻ không biết mình sai ở đâu. Khi nói chuyện, giọng điệu của chúng ta cần nhẹ nhàng và nghiêm túc để trẻ hiểu rằng chửi thề là sai và không được tái phạm trong tương lai.
Kiên nhẫn nói cho con hiểu rằng 'chửi bậy' là sai. Ảnh: Internet
Hướng dẫn con bộc lộ cảm xúc
Trẻ con thường nghe thấy người lớn chửi tục khi họ cãi nhau, tức giận, khó chịu và trẻ nghĩ mình cũng có thể nói như vậy để diễn đạt tâm trạng. Lúc này, cha mẹ cần giúp con bình tĩnh, dỗ dành và hỏi con xem đang tức giận hay khó chịu điều gì.
Hãy dạy con những lời hay thay thế vào ví dụ như con nên nói “con đang buồn lắm”, “con đang tức giận”, “con không thích thế”… thay cho câu chửi thề. Hướng dẫn con biểu đạt cảm xúc bằng ngôn ngữ đúng đắn sẽ giúp trẻ dần bỏ qua những lời thô tục kia.
Cha mẹ nên bình tĩnh hướng dẫn con không chửi bậy, vì con vẫn đang học nói và mọi thứ đều được tiếp thu mà không cần biết đúng sai. Cha mẹ tốt nhất nên tạo cho con môi trường giao tiếp lành mạnh để con học nói lời hay. Nên nhớ, người lớn nói, con trẻ học theo.
Theo QQ