Sau kỳ nghỉ lễ dài với tình trạng nắng nóng kỷ lục, câu hỏi mà nhiều người dành cho nhau nhất hiện tại có lẽ chính là: Tháng này hết bao nhiêu tiền diện?

Sở dĩ như vậy vì bà con đều chung tình trạng: 'Xỉu ngang' khi thấy hóa đơn điện tháng 4. Rất nhiều người đã chia sẻ tình cảnh éo lé của gia đình nhà mình và nhận được nhiều sự đồng cảm của mọi người.

Cụ thể thông tin này đã được báo chí đăng tải, mình chia sẻ lại trong bài viết bên dưới cho mọi người cùng biết nhé!

hình ảnh

Ai cũng cảm thán vì hóa đơn tiền điện tháng 4, ảnh: FB

Cô Trần Thị Mến (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết bản thân đang đau đầu về chuyện tiền điện tháng vừa rồi. Tiền điện tháng 4 của gia đình đã tăng hơn gấp rưỡi, từ mức hơn 3 triệu của tháng 3 lên gần 5 triệu.

“Vợ chồng tôi đều đã về hưu, ngày ngày ở nhà nên rất ý thức trong việc sử dụng điện. Thông thường, vợ chồng tôi chỉ bật điều hòa vào buổi tối, còn lại sẽ dùng quạt. Nhưng tháng vừa rồi thời tiết nóng quá, buổi trưa không bật điều hòa thì hầm hập không ngủ nổi.

Mấy bữa nghỉ lễ trẻ con ở nhà thì gần như bật điều hòa cả ngày. Mới đầu hè thôi mà nhìn hóa đơn điện đã đau đầu, không biết tới đây lũ nhỏ được nghỉ hè nữa thì thế nào”, cô Mến lo lắng.

Tương tự, bạn Ngọc Mai, sinh viên trường Đại học Thương Mại (Hà Nội), cho biết tiền điện trung bình các tháng đầu năm của cô ở mức hơn 300-320 nghìn đồng nhưng mới đây, Mai được thông báo tiền điện tháng 4 lên đến hơn 800 nghìn đồng. Giật mình khi nhìn thấy con số nhưng Mai cũng hiểu lý do vì sao.

“Mình ở ghép cùng 1 chị nữa đang đi làm, hai chị em nhìn thông báo tiền điện hơn 1,6 triệu đồng mà “sốc ngang”. Do tháng 4 vừa qua nắng nóng quá, hai chị em bận việc không về quê ngày lễ nên lượng điện dùng càng tăng. Có những ngày nắng nóng đến đau đầu, biết là tốn kém nhưng không bật điều hòa thì không thở nổi”, Mai chia sẻ.

hình ảnh

'Cái  gì cho sự mát mẻ', ảnh: FB

Trên các diễn đàn mạng xã hội, vấn đề hóa đơn tiền điện cũng đang nhận được nhiều sự quan tâm. Rất nhiều người than thở vì thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài buộc phải sử dụng máy điều hòa liên tục nên hóa đơn tiền điện "nhảy vọt". Dưới phần bình luận, nhiều người chia sẻ hóa đơn tiền điện tháng 4 của gia đình đã tăng gấp rưỡi, gấp đôi; có gia đình chỉ riêng tiền điện thôi cũng đã gần chục triệu.

Dưới phần bình luận, không ít người cho biết bản thân "sốc ngang" khi tiền điện tăng cao, thậm chí gấp đôi, gấp ba. 

"Cái giá của sự mát mẻ là đây sao?"

Đóng tiền điện thì xót ví nhưng mất điện còn sợ hơn!

Nhận hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng gần 3 triệu so với tháng 3, chị Nguyễn Thị Tuyết Sương (Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) cảm thấy khá sốc.

"Nhà mình kinh doanh quán nước nên thường lượng điện tiêu thụ cũng nhiều. Thời gian gần đây nắng nóng quá, bình thường 9 giờ sáng mình mở máy lạnh thì bây giờ 7 giờ là máy lạnh đã phải sẵn sàng. Cũng mường tượng được trước con số nhưng không nghĩ tiền điện tăng thêm 3 triệu lận", chị Sương nói.

Theo chị Sương, ngoài việc thời tiết nắng nóng kéo dài, thì việc lượng điện tiêu thụ của quán chị tăng cao vì trúng kỳ nghỉ lễ, lượng khách đến quán cũng nhiều hơn so với ngày thường. Bảng thống kê lượng điện tiêu thụ cũng cho thấy, những tháng gần đây gia đình chị đều tiêu thụ lượng điện nhiều hơn so với cùng kỳ năm trước, có tháng chênh lệch cả 1.000 kWh.

“Chắc trời nắng nóng quá nên các thiết bị làm mát hoạt động cũng tiêu hao nhiều hơn. Ông xã mình cũng đang cân nhắc đổi một số thiết bị tiết kiệm điện, chống nóng phần mái. Trả tiền điện nhiều thì xót nhưng có khách đông thì xót thêm cũng được", chị Sương vui vẻ nói.

hình ảnh

Hóa đơn điện nhà chị Sương, ảnh: KT

Cô Lê Thị Thanh, một chủ trọ ở Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, tháng 4 vừa qua, hóa đơn tiền điện gần như không tăng so với tháng trước. Trước đây, mỗi lần vào hè là hóa đơn tiền điện của gia đình cô sẽ tăng chóng mặt, có lúc thấp đôi, thậm chí đỉnh điểm là gần gấp 3. Tuy nhiên từ ngày thực hiện một số thay đổi trong gia đình, cô thấy tiền điện không còn là vấn đề đau đầu như trước.

“Trước kia tôi cứ bật điều hòa là phải hạ nhiệt độ thật thấp vì nghĩ như vậy sẽ mát nhanh, các thiết bị cứ thấy còn dùng được là dùng, không có khái niệm bảo dưỡng định kỳ. Từ ngày vợ chồng con trai về ở cùng, tôi cũng học thêm được nhiều thứ hữu ích, thay đổi không ít thói quen.

Vợ chồng nó cứ định kỳ là gọi thợ đến bảo dưỡng điều hòa, dặn tôi giặt quần áo thì không cần để chế độ nước nóng, bật điều hòa cũng chỉ nên chênh với nhiệt độ bên ngoài dưới 10 độ thôi. Năm ngoái, gia đình tôi sửa lại phần mái, sơn chống nóng với làm tấm lợp cách nhiệt, nhà cửa thấy cũng mát mẻ hơn.

Nhà chỉ có 4 phòng cho thuê, cháu nào tôi cũng dặn dò tiết kiệm điện. Mình cứ xác định trước vào hè, dùng nhiều thì tiền điện tăng chứ giờ mà mất điện thì khổ lắm, người lớn còn cố chịu chứ trẻ con nó chịu làm sao”, cô Thanh chia sẻ.

hình ảnh

Cảm xúc khi nhận hóa đơn tiền điện, ảnh: FB

Tập đoàn Điện lực EVN cho biết, do nắng nóng gay gắt diễn ra tại 3 miền, tiêu thụ điện cả nước và công suất đỉnh hệ thống điện đã đạt kỷ lục mới.

Trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay, sản lượng tiêu thụ điện ở mức khoảng 860.5 triệu kWh/ngày, lượng tiêu thụ điện bình quân chỉ giảm khoảng 8% so với ngày thường trước lễ, đồng thời tăng tăng tới 37,2% so với cùng kỳ nghỉ lễ năm 2023.

Tính từ đầu năm đến nay, nhu cầu tiêu thụ điện toàn quốc tăng khoảng 11,2% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó miền Bắc tăng 11,3%, miền Trung tăng 8,5% và miền Nam tăng 11,7%.

Tình hình nắng nóng dự báo còn nhiều diễn biến phức tạp, lượng tiêu thụ điện khả năng tăng cao gây nhiều áp lực đối với việc vận hành và cung cấp điện trong giai đoạn cuối mùa khô. EVN khuyến cáo khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, đặc biệt vào các giờ cao điểm tối (19h-23h). Trong đó, đặc biệt chú ý sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ, chỉ bật điều hòa khi thực sự cần thiết, đặt nhiệt độ ở mức 26-27 độ trở lên kết hợp với quạt.