Bạn có bao giờ tự hỏi “Tại sao muỗi đốt lại ngứa” không. Mùa hè đến, loại côn trùng gây hại này lại sinh sôi phát triển nhiều hơn. Nốt muỗi đốt sẽ gây ngứa ngáy, khó chịu, sưng đỏ, có khi kéo dài khá lâu.
Bạn có biết tại sao muỗi đốt lại ngứa hay không?
(Ảnh: Freepik)
Theo bác sĩ Amy Kassouf chuyên khoa da liễu tại Bệnh viện Cleveland, khi bị muỗi cái đốt và hút máu thì ngược lại sẽ có một ít nước bọt của nó đi vào da của chúng ta. Nước bọt này chính là protein gây ra phản ứng dị ứng.
Theo Dawn Davis, bác sĩ da liễu tại Phòng khám Mayo ở Rochester, bang Minnesota, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ xem protein trong nước bọt của muỗi là kẻ ngoại lai và từ đó phản ứng của hệ miễn dịch sẽ xảy ra. Điều này gây kích ứng và phản ứng tại chỗ, chính là vết muỗi đốt chúng ta thấy trên da.
Khi so sánh với các vết đốt của các loại côn trùng khác có thể thấy cơ thể người không phản ứng như vậy. Ví dụ khi bị ong đốt bạn sẽ thấy đau nhiều hơn ngứa.
>> Có thể bạn chưa biết: Người hay bị muỗi đốt có phải do "thịt thơm", rõ nguyên nhân ai cũng há hốc mồm
Vì sao gãi lại khiến vết muỗi đốt ngứa nhiều hơn?
Bạn đã biết tại sao muỗi đốt lại ngứa. Có thể nói hầu hết mỗi người khi bị muối đốt sẽ đưa tay gãi. Cảm giác sẽ thấy dễ chịu hơn nhưng thật ra hành động này cũng khiến tình trạng ngứa trở nên tệ hơn. Lý do vì khi gãi sẽ làm giải phóng chất histamin tại chỗ nhiều hơn không gãi. Chất này nằm ở trong da, sẽ gây sưng và ngứa, đồng thời hành động gãi vô tình đưa chất gây dị ứng xuống dưới da. Tệ hơn, nếu gãi mà làm trầy da chảy máu thì bạn sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng da.
Ai dễ bị muỗi đốt hơn?
Nếu quan sát, bạn sẽ thấy có một số người hay bị muỗi đốt hơn người khác. Một số lý do dẫn đến tình trạng này là:
• mùi tự nhiên của cơ thể và mồ hôi có các thành phần thu hút muỗi
• dùng nước hoa hoặc trên người có mùi hương khác
• màu quần áo
• thời gian trong ngày
• khu vực nhiều cây cối, rậm rạp
Một nguyên nhân bất ngờ nữa là do nhóm máu. Đã có nghiên cứu cho ra kết luận rằng người có nhóm máu O bị muỗi đốt nhiều gấp đôi so với người có nhóm máu A. Người nhóm máu B có khả năng bị muỗi đốt nằm ở trung gian giữa hai nhóm máu này.
Một số cách xử lý khi bị muỗi đốt, không cần dùng thuốc
Chườm đá lạnh
Theo bác sĩ Westley, nhiệt độ thấp giúp làm co mạch, giảm lượng máu chảy tới vết muỗi đốt, giúp làm giảm sưng và ngứa. Dùng đá lạnh để giảm ngứa bằng cách đổ đá vào túi zip hoặc bọc vải / khăn bên ngoài và áp vào vùng bị ngứa từ 10-15 phút, mỗi giờ thực hiện một lần.
Đắp túi trà lạnh
Ngoài nước đá, bạn có thể ngâm một túi trà trong nước lạnh và đắp lên vết muỗi đốt để làm giảm sưng và giảm ngứa. Có một số loại trà như trà đen, còn chứa hợp chất gọi là tannin, có tác dụng giảm sưng. Cách làm là nhúng túi trà vào nước rất lạnh cho đến khi túi trà ngấm nước hoàn toàn. Sau đó bóp túi trà nhẹ nhàng để loại bỏ nước dư thừa rồi áp vào vùng bị ngứa trong 10-15 phút.
Bôi gel lô hội
(Ảnh: Freepik)
Lô hội thường có tác dụng làm dịu da khi bị cháy nắng nhưng bên cạnh đó nó còn giúp làm dịu cơn ngứa khi bị côn trùng đốt. Lô hội có đặc tính chống viêm và giúp chữa lành các vết thương nhỏ. Bạn có thể dùng gel lô hội bán sẵn hoặc trực tiếp ép lá lô hội để làm gel. Hãy cất trữ gel trong tủ lạnh, kết hợp với nhiệt độ thấp giúp làm dịu cơn ngứa tốt hơn. Cách làm rất đơn giản, dùng gel bán sẵn hoặc cắt lá lô hội để thoa trực tiếp phần gel lên vùng bị muỗi đốt.
Vậy là bạn đã có đáp án cho câu hỏi tại sao muỗi đốt lại ngứa và cách xử lý khi bị muỗi đốt. Hãy nhớ rằng phòng bệnh hơn chữa bệnh, cần chủ động phòng ngừa muỗi đốt bằng các biện pháp như lắp cửa lưới, ngủ mùng, phun xịt thuốc trừ muỗi, dùng đèn / vợt bắt muỗi,... giúp bảo vệ sức khỏe cả nhà trước loài côn trùng gây hại này.
Nguồn thông tin: Dantri, Suckhoe&Doisong
Xem thêm bài viết liên quan:
8 thuốc bôi muỗi đốt cho bé an toàn, lành tính, được các mẹ tin dùng
7 đèn bắt muỗi an toàn, hiệu quả, diệt sạch côn trùng trong nhà và bảo vệ sức khỏe gia đình bạn