Tôi nghĩ một nửa hồn Tết luôn nằm trong góc bếp mỗi nhà. Nó không đơn thuần chỉ là hương vị các món ăn mà nó còn chứa đựng cả nét văn hóa Việt. Bắt đầu từ ngày Tết Táo Quân 23 tháng Chạp, nhà nào cũng làm một mâm cỗ cúng.
Để “tiễn đưa” ông Táo lên chầu trời tâu bày với Ngọc Hoàng chuyện làm ăn, bếp núc, đời sống gia đình trong suốt một năm qua. Rồi bếp đỏ lửa thơm hương nấu bánh chưng, bếp ngọt ngào những món mứt ngon từ bàn tay mẹ. Mẹ tôi thường nói góc bếp chính là hồn nhà nên đến nhà ai chỉ cần nhìn qua bếp núc là biết được nếp sống của cả gia đình. Nhìn góc bếp mà lựa cách ứng xử, lựa chuyện để hỏi, lựa lời để động viên nhau. Riêng tôi chỉ thích ngắm nhìn góc bếp của mẹ nhất là trong những ngày cuối năm khi Tết đến xuân về. Cảm giác như đang được đứng trước cả một phiên chợ Tết phong phú và sặc sỡ sắc màu qua mấy bó lá dong xanh mướt, túm ớt tươi đỏ rực, rổ cà rốt vẫn còn cả lá hay những tảng thịt còn tươi sống được mẹ chọn kĩ càng. Vài ba cọng rau thơm cũng làm xốn xang bếp Tết.
Góc bếp của mẹ trông nhỏ bé thế thôi nhưng chứa đựng tình yêu thương vô cùng lớn. Món nào tốt cho sức khỏe mẹ cũng làm, món nào các con thích cũng có. Mấy ngày Tết dường như chẳng mấy khi mẹ ra khỏi nhà, chỉ quanh quẩn lụi cụi cả ngày nấu nướng món này, nêm nếm món kia. Tết của chúng tôi lúc nào cũng đủ đầy là nhờ vào bàn tay mẹ. Bố thích thịt nấu đông được bỏ nhiều mộc nhĩ, anh cả thích dăm bông không có vị hạt tiêu, thằng út thích cá kho tương nhưng nhất định phải đun bằng nồi đất trên bếp củi thì cá mới đúng vị thơm ngon. Mẹ cười bảo tưởng thèm ăn tổ yến, vi cá mập mới khó, chứ mấy món đó có khó gì đâu. Chiều ấy thấy góc bếp thơm mùi thương yêu, những món ăn yêu thích nghi ngút khói chờ một người đến cầm đũa reo vui. Nên mấy ngày Tết dù đi chơi ở đâu thì cả nhà tôi vẫn giữ thói quen về quây quần bên mâm cơm đầm ấm. Mẹ thường chăm chú ngồi ngắm mấy cha con tôi ăn để hỏi món đó có vừa miệng không? Có quá cay không? Có cần thêm chút chanh không? Gắp cho mẹ thứ gì thì mẹ cũng cười bảo “các con cứ ăn đi. Mẹ thấy mọi người ăn ngon là cũng đủ no rồi”. Tôi chợt buồn khi nghĩ đến những bữa cơm ngày thường, lúc chỉ còn bố mẹ ngồi lặng lẽ bên nhau. Góc bếp chắc cũng hiu quạnh lắm…
Tôi đủ lớn để trầm lắng niềm vui trong dáng ngồi của mẹ. Một người đàn bà đã tần tảo một đời vun vén cho chồng con từng bữa ăn ngon. Vì sợ mấy ngày Tết trôi nhanh nên chúng tôi thường quanh quẩn bếp núc bên nhau để được cùng trò chuyện. Biết bao nhiêu kí ức ùa về nhắc nhớ đến những người đã về với cõi thiên thu. Nhớ ông từng rất thích nhâm nhi rượu rắn với món dưa hành nên sau này khi ông đã đi xa, Tết năm nào bà cũng lụi cụi bóc dưa hành, nghe gió thổi ngoài vách bếp mà giật mình thảng thốt. Rồi bà cũng không còn nữa, tôi về nhà ngồi lột vỏ hành cùng mẹ nước mắt chảy dài. Thôi thì có bao nhiêu buồn tủi trong năm cứ mượn hơi cay của vỏ hành cũng thấy lòng nhẹ bớt. Để những ngày sau đó sẽ vui vẻ cùng người thân tỉa hoa cà rốt ngâm mắm, chẻ rau muống ăn bún riêu. Hay cùng mẹ làm cải bẹ muối ghém, nấu bát canh cá lá chua thay đổi thực đơn cho bớt ngấy sau những ngày ăn toàn đồ béo.
Rồi những ngay sum vầy cũng hết. Gian bếp của mẹ dường như cũng biết buồn. Mẹ nổi lửa nấu vài món cho bữa cơm cuối cùng trước lúc các con xuống thành phố. Bát đũa bớt xôn xao, trong lời căn dặn nhau se sắt đôi điều tiếc nuối. Thấy nhớ rất nhớ ngay cả lúc chưa xa góc bếp ấm áp này của mẹ. Để dù xa xôi là mấy, dù cuộc sống mưu sinh có bận rộn đến thế nào. Anh em tôi vẫn luôn nhớ rằng bếp của mẹ không bao giờ nguội lạnh, chỉ đợi các con về là ấm lửa thơm hương…